Trong buổi họp báo này, khi có phóng viên hỏi liệu Nga có “nhân tiện” không kích IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) ở lãnh thổ Iraq, ông S.Lavrov khẳng định: “Chúng tôi không được đề nghị làm việc đó.
Chúng tôi là những người lịch sự và chỉ đi làm khách khi nhận được lời mời”.
Mặc dù không mở rộng không kích IS ở Iraq nhưng ông Lavrov khẳng định Nga sẽ “cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd thông qua Chính phủ Iraq” để họ chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố.
Ngoài ra, ông Lavrov cũng đưa ra các tuyên bố đáng chú ý liên quan đến chiến dịch không kích IS ở Syria như sau:
Về các mục đích của Không quân Nga tại Syria
Theo ông Lavrov, Nga sẽ không tiến hành không kích các khu vực không phải là lãnh thổ chiếm đóng của IS tại Syria vì mục đích chính của Không quân Nga tại Syria là tiêu diệt các nhóm khủng bố như IS, Dzhebhat en-Nusra và các nhóm khủng bố khác.
Trả lời câu hỏi là ngoài IS, Nga còn coi các nhóm nào là tổ chức khủng bố, ông Lavrov cho rằng đó là các nhóm “hành động và ứng xử như những tên khủng bố”.
“Chúng tôi luôn tuyên bố rằng chúng tôi sẽ chiến đấu chống IS và các nhóm khủng bố khác. Mỹ cũng theo đuổi quan điểm này.
Bộ Tư lệnh liên quân chống khủng bố khẳng định mục đích của họ là Dzhebhat en-Nusra và chúng tôi chia sẻ quan điểm này”- ông Lavrov khẳng định.
Ngoài ra, ông Lavrov cũng tuyên bố Nga không coi quân đội tự do của lực lượng đối lập Syria là tổ chức khủng bố.
Về sự phối hợp hành động với Mỹ
Ngoại trưởng Nga bày tỏ sự không đồng tình với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter coi chiến dịch không kích của Nga như hành động “đổ thêm dầu vào lửa”.
“Tôi không đồng ý với đánh giá của ngài Carter. Chúng tôi được biết về rất nhiều điểm nóng mà ở đó dầu đang được đổ vào lửa và Mỹ là người thực hiện hành động này” – ông Lavrov cáo buộc.
Theo ông Lavrov, Nga sẽ không tham gia vào một liên quân mà hoạt động của nó không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nhưng Nga quan tâm đến việc phối hợp với Mỹ để chống IS.
Khung cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Nga chống IS tại Syria.
Đề cập đến cuộc gặp giữa ông Putin với ông Obama, ông Lavrov cho biết cuộc gặp này diễn ra trong không khí cởi mở, thân thiện, trao đổi các vấn đề một cách thẳng thắn và hoàn toàn hiểu nhau.
“Tôi tin rằng ông Putin và ông Obama hoàn toàn hiểu nhau nhưng đôi khi việc hoàn toàn hiểu nhau không đồng nghĩa với việc sẽ hoàn toàn phối hợp với nhau” - ông Lavrov nhận xét.
Về sáng kiến thành lập liên minh chống khủng bố của Tổng thống Putin
Ông Lavrov cho rằng rất nhiều thành viên Liên Hợp Quốc quan tâm đến sáng kiến của ông Putin về việc thành lập một liên minh chống khủng bố sâu rộng dựa trên nền tảng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
“Chúng tôi đã tiến hành một phiên họp cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an để bàn về mối đe dọa khủng bố.
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng chúng tôi đều thống nhất cho rằng chủ nghĩa khủng bố đe dọa tất cả các nước.
Do đó, nhiều nước quan tâm và đánh giá tích cực ý tưởng của ông Putin về việc thành lập liên minh chống khủng bố theo đúng tinh thần Hiến chương Liên Hợp Quốc” - ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.
Ông Lavrov cũng bày tỏ nghi ngờ về các nền tảng pháp lý của liên minh chống khủng bố do Mỹ thành lập “không có nền tảng pháp lý nào cho hoạt động của liên minh này tại Syria.
Không thể thực hiện tấn công nếu không có nghị quyết của Hội đồng Bảo an và không có sự đồng ý của Syria”.