Tình hình hiện tại
Các nhà lãnh đạo quân sự của 22 nước hôm 15/10 đã nhóm họp tại Mỹ để bàn thảo các kế hoạch lật đổ chính quyền Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong khuôn khổ cuộc họp, phía Mỹ và Nga đã công bố sẽ cam kết hợp tác tình báo nhằm chung tay tiêu diệt tổ chức khủng bố này.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục bày tỏ mối quan ngại trước những động thái mới của IS. Mặc cho những cuộc không kích đến từ Nhà trắng và các nước đồng minh, tổ chức này vẫn tiếp tục tiến quân vào các vị trí quân sự chiến lược tại tỉnh Anbar của Iraq và thị trấn Kobane của Syria.
Tuy nhiên, ông Obama cho rằng các cuộc không kích cũng đã đem lại hiệu quả nhất định, cụ thể là ngăn chặn bước tiến của IS tại các vùng trọng điểm khác như Erbil hay Mosul. Vì vậy, phía Mỹ khẳng định các cuộc không kích sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
"Như tôi đã nói, đây sẽ là một chiến dịch dài hơi. Sẽ không có giải pháp ngắn hạn nào có thể chặn đứng thế lực của IS vào lúc này. Cuộc chiến vẫn chỉ mới bắt đầu," người đứng đầu Nhà trắng phát biểu.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry Ảnh: Reuters
Hợp tác quân sự Nga Mỹ
Cùng ngày với cuộc họp, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc đối thoại với người đồng nghiệp bên phía Nga Sergey Lavrov ở Paris, Pháp. Tại đây, hai bên đã đi đến cam kết hợp tác tình báo trong chiến dịch chống IS.
Ông Lavrov cũng cho biết họ sẽ nghiên cứu những phương pháp thích hợp để giúp Mỹ rèn luyện chuyên môn cho quân đội Iraq. Tuy nhiên, phía Nga vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể về việc gia nhập lực lượng đồng minh chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo.
Hỗ trợ quốc tế
Những bước tiến của IS tại Iraq và Syria cũng đã khiến các nước đồng minh khác tăng cường hỗ trợ về mặt quân sự cũng như nhân đạo cho chiến dịch chống khủng bố có quy mô lớn lần này.
Tổng cộng 20 nước đã tham gia hỗ trợ về mặt quân sự, hầu hết trong số đó có đóng góp trong các cuộc không kích do Mỹ lãnh đạo nhằm vào căn cứ IS. Ngoài ra, các gói viện trợ nhân đạo cũng đã được 30 nước gửi đến người dân các khu vực bị IS tấn công.
Đáng chú ý là Thổ Nhĩ Kì vẫn chưa có động thái về mặt quân sự đối do các mâu thuẫn với người Kurd. Tính đến thời điểm này Ankara mới chỉ có những hỗ trợ về thuốc men và đồ ăn thức uống cho những khu vực bị ảnh hưởng bởi bom đạn IS.