Nga nói gì việc Mỹ - NATO giăng vũ khí, binh sĩ ở cửa ngõ nước này?

Ngân Giang |

Việc Mỹ và NATO đưa binh sĩ, vũ khí tới sát biên giới với Nga đang châm ngòi cho một một cuộc khủng hoảng mới.

Mỹ đưa vũ khí hạng nặng tới Ba Lan

Ngày 27/8, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết Mỹ sẽ triển khai các vũ khí hạng nặng tới quốc gia Đông Âu này vào năm 2016.

Cùng với Ba Lan, Mỹ cũng sẽ triển khai xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và các loại vũ khí cùng khoảng 5.000 binh sĩ tới một số quốc gia vùng Baltic và Đông Âu.

Bộ trưởng Siemoniak nói rằng Ba Lan và Mỹ đã xác định được hai địa điểm để triển khai các loại vũ khí hạng nặng, đó là ở phía Tây và Đông Bắc Ba Lan.

Các điều khoản liên quan sẽ được hoàn tất trong một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) vào đầu tháng 10 tới.

nga noi gi viec my - nato giang vu khi, binh si o cua ngo nuoc nay? hinh 0

Xe tăng của quân đội Ba Lan diễu hành trong Ngày Quân đội nước này. (ảnh: AP)

Ba Lan là một nước thành viên NATO nằm gần với Nga và Ukraine. Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga.

Trong khi đó, về phía Mỹ, nước này đang dẫn đầu một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Với thông tin mới từ Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ thực thi kế hoạch đưa vũ khí hạng nặng tới khu vực sát biên giới Nga, kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

NATO mở trung tâm huấn luyện ở Gruzia

NATO ngày 27/8 thông báo mở một trung tâm huấn luyện tại Gruzia, một quốc gia thuộc Liên Xô trước đây.

Phát biểu tại buổi lễ khai trương trung tâm huấn luyện chung được xây dựng tại Krtsanissi, gần thủ đô Tbilissi, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, cơ sở quân sự này không chỉ nhằm huấn luyện các lực lượng quân đội đồng minh và đối tác, mà còn giúp Gruzia tiếp tục các nỗ lực hiện đại hóa và tăng cường các lực lượng vũ trang nhằm đối phó với những thách thức của thế kỷ 21.

Theo ông Stoltenberg, hiện Gruzia đã có tất cả những phương tiện cần thiết để thúc đẩy tiến trình gia nhập NATO: “Sự ra đời của trung huấn luyện chung tại Gruzia sẽ càng làm sâu sắc hơn hợp tác giữa NATO và Gruzia.

Cùng với sự kiện này, có thể nói từ nay, NATO đã hiện diện nhiều hơn tại Gruzia và ngược lại, trong NATO cũng đã có dấu ấn của Gruzia và cam kết của Gruzia với hòa bình và an ninh quốc tế ngày càng được khẳng định”.

Phó Tổng Thư ký NATO James Appathurai cũng có lời trấn an Nga “không nên xem việc NATO triển khai quân đội ở các quốc gia Baltic là mối đe dọa an ninh”.

Theo ông, NATO chỉ triển khai số lượng quân không đáng kể tới các nước Baltic để thực hiện các “nhiệm vụ phòng thủ”.

Về phần mình, Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili khẳng định, trung tâm huấn luyện mới sẽ không phải là nhằm chống lại các nước láng giềng mà là nhằm tăng cường an ninh khu vực, ổn định và hòa bình, cũng như cải thiện tính chuyên nghiệp của các binh sĩ Gruzia.

Nga sẽ không để yên?

Chính phủ Nga ngày 27/8 cho rằng, đây là một sự khiêu khích và cáo buộc NATO đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng về địa chính trị.

nga noi gi viec my - nato giang vu khi, binh si o cua ngo nuoc nay? hinh 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. (ảnh: PressTV)

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, một căn cứ quân sự của NATO đặt tại Gruzia sẽ là yếu tố gây bất ổn nghiêm trọng đối với an ninh khu vực: “Chúng tôi rất quan tâm tới thông tin được đưa ra trong chuyến thăm Gruzia của Tổng thư ký NATO Stoltenberg về việc mở căn cứ huấn luyện chung tại Gruzia.

Việc thành lập căn cứ quân sự tại Gruzia sẽ là một yếu tố gây bất ổn đối với an ninh khu vực”, bà Zakharova nói.

Quan hệ Nga-NATO đã xuống tới mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh do liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

NATO đang ngày càng mở rộng hiện diện quân sự tại Đông Âu, đặc biệt là ở các nước thuộc Liên Xô trước đây và cận kề biên giới Nga.

Mới đây, NATO đã thành lập Trung tâm thông tin chiến lược ở Riga, thủ đô của Latvia.

Đây là trung tâm chiến lược thứ ba của NATO tại khu vực Baltic và có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đầu não của khối và đưa ra nguồn thông tin nhanh và chính xác hơn, cũng như điều phối các lực lượng của khối một cách tốt nhất.

Trung tâm sẽ thúc đẩy phát triển thông tin chiến lược nội khối, đồng thời hỗ trợ các chuyên gia của NATO về vấn đề thông tin chiến lược.

Không khó để nhận thấy, khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát dẫn dến căng thẳng được xem là tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh, thế giới đã chứng kiến sự tăng cường chưa từng có hoạt động của các lực lượng quân sự NATO và Mỹ gần các khu vực biên giới Nga.

Nga coi những động thái “thiếu thiện chí” của NATO và Mỹ không những không đảm bảo được an ninh cho Đông Âu mà còn đẩy khu vực này vào những vòng xoáy của bạo lực và bất ổn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại