Hôm 14/2, Đại sứ Mỹ ở Ukraine, ông Geoffrey Pyatt, đã đăng tải trên Twitter cá nhân những hình ảnh vệ tinh mà ông khẳng định rằng là bằng chứng về sự xuất hiện của hệ thống pháo binh Nga gần thị trấn Lomuvatka, cách Debaltseve khoảng 20 km.
Ông Pyatt viết: "Chúng tôi tin tưởng rằng đây là quân đội Nga, không phải ly khai".
Các bức ảnh này do một công ty dịch vụ về ảnh vệ tinh tư nhân tên là Digital Globe cung cấp.
Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày đã lên tiếng phản bác tính chính xác của những bức ảnh nói trên.
"Chúng tôi không thể hiểu được những mảng tối nổi lên trong các bức ảnh do Đại sứ Mỹ ở Ukraine Geoffrey Pyatt đăng tải trên Twitter, chứng tỏ điều gì" - Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
"Không giống như các cơ quan tình báo Mỹ, quân đội Nga chưa bao giờ coi xem bói bằng cầu thuỷ tinh (crystal ball gazing) là cách tốt để kiểm tra và xác nhận thông tin".
Trước đó, hôm 13/2, bà Psaki tuyên bố, cùng với hệ thống pháo binh và bệ phóng tên lửa đa nòng, Nga còn triển khai hệ thống phòng không tới các khu vực gần ga tàu điện.
"Điều này rõ ràng không tuân theo tinh thần của thoả thuận tuần qua. Tất cả các bên cần phải hoàn toàn kiềm chế trong khoảng thời gian cuối cùng trước ngày 15/2 (ngày thoả thuận ngừng bắn mới chính thức có hiệu lực)".
Những bức ảnh vệ tinh mới do Đại sứ Mỹ ở Ukraine đăng tải trên Twitter, nhằm cáo buộc vũ khí Nga hiện diện ở Ukraine
Hồi tháng 7/2014, ông Pyatt cũng từng đăng tải trên tài khoản Twitter của mình những hình ảnh cáo buộc Ukraine bị pháo kích từ phía lãnh thổ Nga.
Những hình ảnh này cũng bị Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng bác bỏ.
Vào thời điểm đó, ông Konashenkov khẳng định: "Những tài liệu đó không phải ngẫu nhiên mà được đăng tải lên Twitter, bởi không thể kiểm chứng được tính xác thực của nó, bởi nó không được khoanh vùng chính xác và độ phân giải thấp.
Mới chỉ thế thôi, chứ đừng nói tới việc nó được sử dụng làm bằng chứng về hình ảnh".
"Ai cũng biết rằng những sự giả mạo như thế này do một nhóm cố vấn Mỹ tại toà nhà của Hội đồng Bảo an ở Kiev dàn dựng".
Ông này đã vạch trần quy trình của Mỹ nhằm cáo buộc Nga can thiệp vào miền đông Ukraine: Các cố vấn Mỹ ở Kiev cung cấp các thông tin sai sự thật cho truyền thông Ukraine, và tin tức đó sau này sẽ được các đại diện chính thức của Mỹ coi như sự thật.
Cũng trong năm ngoái, ông Pyatt cũng bị Nga cáo buộc đăng tải ảnh giả mạo về việc xe tăng tham gia các cuộc tập trận của Mỹ.