Nga-Mỹ-Pháp liên minh để đánh quân khủng bố IS: Nói dễ hơn làm

Vĩnh Thụy |

Vụ quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công Paris tối 13.11 khiến 130 người chết, cùng vụ chiếc máy bay dân dụng Nga rơi ngày 31.10 do bị IS đánh bom, khiến nhiều khả năng có một liên minh Nga-Mỹ-Pháp đánh khủng bố IS.

Nhưng các nhà chiến lược nói đây là một thách thức bởi nói dễ hơn làm.

Liên minh Nga-Mỹ-Pháp đánh khủng bố IS còn khó ở chỗ lãnh đạo Mỹ-Nga bất đồng về tương lai của Tổng thống Syria Bashar Assad.

Ngày 21.11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông muốn một sự hợp tác toàn cầu để chiến đấu chống khủng bố, sau khi xảy ra vụ một nhánh Al-Qaeda tấn công khủng bố một khách sạn ở Mali, khiến 19 người chết, trong đó có 6 người Nga.

Tổng thống Pháp Francois Hollande sau cuộc gặp người đồng cấp Barack Obama ở Mỹ, ngày 26.11 sẽ đến Moscow nói chuyện với ông Putin, bàn chuyện lập một liên minh quân sự mới chống IS.


Không quân Nga viết Vì Paris lên bom để đánh IS

Không quân Nga viết "Vì Paris" lên bom để đánh IS

Mỹ không muốn phá hủy nguồn thu nhập từ dầu khí của IS

Dù vậy, các nhà chiến lược nói những động thái quân sự sẽ chậm đạt tiến bộ, trừ phi tích cực hơn trong việc dập tắt nguồn tài trợ của IS, ngăn chặn khả năng tuyên truyền của chúng, cũng như đạt được một thỏa thuận ngoại giao giữa các siêu cường về chế độ Assad.

Đa phần sức mạnh của IS là nhờ chúng kiểm soát nhiều vùng đất ở Syria và Iraq, thu nhiều loại thuế, bán dầu thô và đòi tiền bảo kê.

Không như Al-Qaeda cần nước ngoài tài trợ, IS là một tổ chức tự chủ, không lệ thuộc hệ thống tài chính toàn cầu. Vì thế, rất khó cắt nguồn thu nhập của chúng.

IS có tiền mặt để trả lương cho các tay súng, điều hành-quản lý, hối lộ để các bộ tộc hợp tác với chúng, và có tiền thực hiện chiến dịch tuyên truyền toàn cầu.

Các mỏ dầu Syria là nguồn thu nhập chính của IS. Năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ ước tính IS kiếm được 1 triệu USD/ngày bán dầu lậu vào chợ đen Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bán cho các cơ sở hóa dầu ở Syria.

Từ khi bắt đầu đánh IS ở Syria, Mỹ đã tấn công các cơ sở sản xuất dầu của IS nhưng chúng vẫn có thể sửa chữa, khôi phục. Các quan chức nói Lầu Năm Góc chỉ đánh để gây tổn thất chứ không phá hủy các cơ sở này.

Mỹ hy vọng sẽ chặn được IS mà không lãng phí cơ sở hạ tầng kinh tế của Syria và Iraq. Việc mất các nhà máy, giếng dầu sẽ khiến khó phục hồi nền kinh tế 2 nước này.

Nay các quan chức Mỹ cân nhắc việc tấn công để gây tổn thất nhiều hơn. Lầu Năm Góc công bố việc đánh 116 tàu chở dầu ở phía đông Syria. ‘

Các quan chức Pháp nói họ hy vọng các cơ sở sản xuất dầu bị Pháp không kích tuần này sẽ khiến không dễ sửa chữa.

Các quan chức nói việc chặn nguồn thu nhập từ dầu của IS chỉ nhằm chặn các tay súng IS đi châu Âu. Ngày 20.11, EU đã lệnh siết chặt khâu kiểm soát ở biên giới, nhằm ngăn chặn quân khủng bố xâm nhập.

Phương Tây cũng phải đối mặt nỗ lực tuyển quân của cỗ máy tuyên truyền IS. Chúng biết dùng điện tín, các ứng dụng nhắn tin mã hóa để thoát khỏi sự theo dõi của các chính phủ.

Chúng cũng dùng các công nghệ này để truyền những hình ảnh đời sống thoải mái tại “nhà nước” của chúng, đến các cư dân ở những vùng đất bị chúng kiểm soát, và đến người Hồi giáo ở nước ngoài.

Các quan chức Mỹ-Âu nói phương Tây chưa hiệu quả trong việc chống tuyên truyền của IS. Vì thế, vài nhà bình luận đề nghị dùng chiến tranh mạng để cắt IS khỏi mạng internet, phá khả năng tải video và thông tin tuyên truyền của chúng.

Vấn đề là vũ khí chiến tranh mạng của Mỹ được xếp diện bí mật quân sự tối mật, khiến khó thể biết hiệu quả chặn phá tuyên truyền của IS.

Quân đội Mỹ ngại triển khai vũ khí chiến tranh mạng, vì một khi sử dụng chúng, quân đội Nga-Trung Quốc có thể nắm được và tìm cách đối phó, theo các quan chức quân sự Mỹ cho biết.

Chỉ cần 40.000 quân sẽ đánh IS tan tành trong 2 tháng

Đối với các nhà kế hoạch quân sự, phá hủy trụ sở IS, làm tê liệt khả năng chiến đấu của chúng là một nhiệm vụ tương đối dễ dàng, cần khoảng 40.000 quân, có không quân yểm trợ và chiến đấu trong khoảng 2 tháng.

Vấn đề là sẽ làm được gì sau khi nhận trách nhiệm ở vùng đất tái chiếm được từ IS ở Syria và Iraq. Từ kinh nghiệm ở Afghanistan và Iraq, các lãnh đạo phương Tây không hề muốn lãnh trách nhiệm này.

Nhiều quan chức,nhất là ở châu Âu, nhận định một phản ứng quân sự tổng lực có thể “giúp” IS vẽ nên hình ảnh phương Tây ráng chiếm đất Ả Rập, điều sẽ khiến IS có thêm quân.

Một quan chức chính phủ Pháp giấu tên, nói: “Lôi chúng ta vào chiến trường trên bộ với chúng là một cái bẫy. Nói thật, tôi không nghĩ cuộc triển khai sẽ diễn ra thật tốt đẹp”.

Không có nhiều giải pháp nếu không đưa quân bộ binh vào chiến trường. Các quan chức quân sự, nhà ngoại giao và các nhà phân tích nói không có một công thức chiến thắng dễ dàng nào, sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu đánh IS ở Iraq từ hơn một năm qua.

Các đồng minh phương Tây hiện phát triển các cách tăng hoạt động và thay đổi chiến thuật: Pháp tăng không kích, đưa 24 máy bay đến tàu sân bay Charles de Gaulle (sẽ đến tây Địa Trung Hải vào tuần tới) để tăng gấp 3 khả năng ném bom.


Hải quân Nga phóng tên lửa diệt IS

Hải quân Nga phóng tên lửa diệt IS

Iraq không cho Mỹ lập căn cứ để biệt kích trị trùm sỏ IS

Các quan chức Lầu Năm Góc nói chiến lược quân sự Mỹ hiện có các tín hiệu thành công, ví dụ quân Kurd chiếm lại thành phố Sinjar từ tay IS, hoặc vụ máy bay không người lái đã tiêu diệt được đao phủ “John thánh chiến” chuyên chặt đầu con tin Anh-Mỹ-Nhật.

Họ cho biết đã xây dựng nhiều biện pháp tăng cường chiến đấu, như Lầu Năm Góc đang tính tăng gấp 3 số quân đặc nhiệm Mỹ ở Syria, từ 50 quân mà Nhà Trắng đã cử.

Lực lượng đặc nhiệm mới sẽ giúp trang bị vũ khí, đạn dược cho tổ chức nổi dậy Liên minh Ả Rập Syria (gồm các tay súng Ả Rập hợp tác với quân Kurd ở Syria), lên kế hoạch chiến đấu cho nhóm này thực hiện.

Một số quan chức Mỹ nói Pháp có thể đóng góp một số quân đặc nhiệm, nếu lực lượng này được kéo khỏi châu Phi, điều này khó có thể xảy ra sau vụ khủng bố tấn công ở Mali hôm 20.11.

Các quan chức Mỹ cũng nói không cho triển khai trực thăng chiến đấu Apache, không cho lập một căn cứ để quân đặc nhiệm Mỹ đi truy quét lãnh đạo IS ở Iraq có thể ở Syria, vì một số quan chức Iraq không thích quân Mỹ trở lại, vì sợ gặp phải sự phản đối của người dân.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Iraq nói Iraq-Mỹ đang hợp tác chặt chẽ, không có chuyện Iraq chặn trực thăng Mỹ, và Mỹ không chính thức đề xuất lập căn cứ cho biệt kích Mỹ.

Các nhà kế hoạch quân sự Mỹ cũng đang tìm cách tăng số lần không kích IS, bằng cách thay đổi một chủ trương tránh gây thương vong cho dân thường Syria ở vùng đất bị IS chiếm.

Hiện máy bay liên quân sẽ không bỏ bom, nếu họ cho rằng có thể việc ném bom khiến dân thường bị giết oan.

Nếu nới lỏng chủ trương này, sẽ có nhiều mục tiêu IS bị tấn công, nhưng nhiều lãnh đạo quân sự cho rằng nó sẽ khiến dân Syria bất mãn và không dành thiện cảm cho phương tây.

Derek Chollet, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, nói những hành động mạnh hơn, như đưa thêm quân đặc nhiệm đến chiến trường để báo thông tin cho máy bay ném bom, có thể có ích cho cuộc chống IS, nhưng sẽ mất nhiều thời gian.

Ông còn nói đưa quân vào cuộc chiến tranh trên bộ có thể là một sai lầm.


Tổng thống Nga-Mỹ nói chuyện vui vẻ với nhau

Tổng thống Nga-Mỹ nói chuyện vui vẻ với nhau

"Tình đoàn kết" Nga-Mỹ-Pháp sẽ kéo dài bao lâu?

Một số nhà chiến lược nói IS xem ra đang thách thức thế giới, không chỉ gây chiến ở Trung Đông, mà gây chiến cả với Nga-Mỹ-Pháp. Tuần này, chúng thách thức Trung Quốc bằng cách xử tử một con tin TQ.

Michael Clarke, Giám đốc tổ chức nghiên cứu quốc phòng Royal United Services (Anh) nói:

“Chúng nghĩ đây là thời điểm lịch sử của chúng, được thần thánh bảo trợ chiến thắng. Từ một quan điểm chiến lược, chúng đang phạm nhiều sai lầm”.

Viễn cảnh liên minh quân sự giữa Nga và phương Tây được mở ra sau khi IS tấn công Paris, máy bay Nga và ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 21.11, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã bắt 3 nghi phạm dính líu vụ tấn công Paris, gồm một công dân Bỉ gốc Morocco có tên là Ahmet Dahmani, 26 tuổi.

Hắn trú ở một khách sạn 5 sao tại thành phố biển Antalya từ ngày 16.11. Một quan chức nói tên này từ Hà Lan đến Thổ Nhĩ Kỳ một ngày sau vụ tấn công Paris.

Vấn đề là động thái đoàn kết Nga-Mỹ-Pháp sẽ còn kéo dài hay không. Nhiều quan chức phương Tây nói châu Âu và Mỹ không thể quên chuyện Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ quân khai ở miền Đông Ukraine.

Bất đồng ngoại giao vẫn tiếp diễn về tương lai ông Assad, người bị phương Tây cáo buộc ông đàn áp dân thường, khiến IS ra đời và gây loạn ở Trung Đông.

Các nhà ngoại giao châu Âu và các học giả nói Nga và phương Tây nên sẵn sàng nhượng bộ lẫn nhau, để có thể đánh IS hiệu quả hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại