Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay ở Syria cho thấy hy vọng về sự đột phá từ cuộc đàm phán này vẫn đang “xa vời”.
Nga - Mỹ nhượng bộ lẫn nhau…
Theo thông tin do hãng thông tấn Mỹ Bloomberg mới công bố, giới lãnh đạo Nga và Mỹ đã có những nhượng bộ nhất định với nhau để tổ chức các cuộc đàm phán được tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ về giải quyết xung đột ở Syria.
Cụ thể, Moscow ban đầu phản đối sự tham gia vào đàm phán của tổ chức cực đoan “Quân đội Hồi giáo” được Arập Xê-út hậu thuẫn.
Moscow cũng yêu cầu tham gia vào các vòng đàm phán phải có cựu Phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil và thủ lĩnh đảng “Liên minh dân chủ” của người Kurd Salih Muslim.
Trong khi đó, Mỹ phản đối sự có mặt của hai nhân vật trên trong các cuộc đàm phán về tương lai Syria, đồng thời lại yêu cầu cho phép “Quân đội Hồi giáo” được tham gia đàm phán.
Trong cuộc điện đàm ngày 24/1, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đạt được sự nhượng bộ nhất định để đàm phán có thể được tổ chức.
Theo đó, Nga chấp nhận để lực lượng “Quân đội Hồi giáo” tham gia đàm phán. Đổi lại, Mỹ chấp nhận các nhân vật trong đoàn đàm phán của Syria do Moscow đưa ra.
Theo đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura, tham gia vào các cuộc đàm phán ở Geneva ngày 25/1 còn có thêm 2 đoàn đại biểu của phe đối lập Syria.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa cụ thể thành phần của hai đoàn đại biểu này.
Dự kiến thành phần nhân sự cụ thể của hai đoàn này sẽ được Staffan de Mistura công bố cụ thể trong cuộc họp báo được tổ chức trước khi diễn ra đàm phán.
Được biết, Nga và Mỹ đã phải tiến hành khá nhiều đối thoại để có thể đi đến những nhượng bộ lẫn nhau này.
Trong ngày 23/1, hai ngoại trưởng đã trao đổi chi tiết thành phần đoàn đại biểu phe đối lập Syria tham gia đàm phán sắp tới.
Trước đó, Ngoại trưởng Kerry và Ngoại trưởng Lavrov còn trực tiếp gặp nhau tại Zurich, Thụy Sỹ (trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới Davos) để thảo luận về vấn đề thành phần đoàn đại biểu phe đối lập Syria.
... Liệu có tạo đột phá?
Theo nhận định của giới phân tích, những nhượng bộ lẫn nhau giữa Nga và Mỹ là tín hiệu tốt để tổ chức các cuộc đàm phán về tương lai Syria.
Tuy nhiên, khó có thể hy vọng các cuộc đàm phán này có thể đem lại sự đột phá nào đó cho tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, nhất là trong bối cảnh cả Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những động thái tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại Syria.
Theo thông tin mới được hãng thông tấn Bloomberg của Mỹ công bố, Nga và Mỹ đang tích cực thực hiện các hành động cụ thể để thành lập thêm căn cứ không quân ở miền Bắc Syria, khu vực tiếp giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáng chú ý, cả căn cứ của Nga và Mỹ đều nằm trong khu vực lãnh thổ do người Kurd và Quân đội Syria quản lý và chỉ cách nhau khoảng 50 km.
Cụ thể, giới tình báo Mỹ cho rằng Nga đang tích cực mở rộng sự hiện diện tại sân bay quốc tế bị bỏ hoang ở thành phố Al-Qamisili hiện đang do lực lượng chính phủ Syria kiểm soát.
Nguồn tin của Nga Interfax cũng khẳng định rằng, Nga đang nghiên cứu để bố trí lực lượng của mình tại sân bay này, biến sân bay thành khu vực bố trí căn cứ không quân.
Ưu điểm chính của sân bay này là có đường băng cất-hạ cánh dài 3,6 km, cho phép cả máy bay tiêm kích, máy bay cường kích cũng như các máy bay vận tải quân sự hạng nặng cất-hạ cánh.
Nga dự định sẽ bố trí các máy bay Su-25 và MiG-31 tại căn cứ này.
Còn theo tiết lộ của tổ chức Local Coordination Committees, số lượng quân nhân Nga được bố trí ở sân bay Al-Qamisili là khoảng 100 người.
Ngoài ra, giới lãnh đạo quân sự Nga cũng đang thảo luận với các quan chức và các thủ lĩnh lực lượng nổi dậy người Kurd về việc bố trí lực lượng quân nhân Nga ở các khu vực khác thuộc thành phố Al-Qamisili.
Về phía Mỹ, nước này dự định sẽ bố trí căn cứ không quân của mình ở sân bay Rmeilan thuộc tỉnh Hasakah (tiếp giáp với thành phố Al-Qamisili) và chỉ cách biên giới của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq vài km.
Theo thông tin do Stratfor, hãng thông tấn được coi như là “CIA tư nhân” cung cấp, Mỹ đã làm thêm đường băng cất-hạ cánh ở sân bay Rmeilan và chiều dài của đường băng này đã tăng lên gần gấp hai lần, từ 700 m lên 1315 m, đủ để cho các máy bay vận tải quân sự cất-hạ cánh.
Nhiều khả năng Mỹ sẽ sử dụng sân bay Rmeilan như một căn cứ không quân trong thời gian “ít nhất là hơn 3 tháng” để phục vụ các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Syria.
Trong một động thái đáng chú ý khác, hãng thông tấn Sputnik cho rằng ngày 19/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa khoảng 1000 quân tràn qua biên giới vào tỉnh Aleppo của Syria cùng với các xe bọc thép, vũ khí hạng nặng, và thiết bị dò mìn.
Trong cuộc họp báo ngày 23/1 nhân chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố rằng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng sử dụng giải pháp quân sự để tấn công IS ở Syria nếu như các bên không thể đồng thuận một giải pháp chính trị tại cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva sắp tới.
Nhận định về các động thái trên, giới phân tích cho rằng, dù nhượng bộ để tiến hành đàm phán về tương lai Syria nhưng khả năng các bên đạt được một sự đột phá về tiến trình hòa bình cho Syria vẫn khá “xa vời”.