Theo ông Hassan, một trong những quan điểm hiếm hoi được người Syria ở cả phía ủng hộ lẫn phản đối Tổng thống Bashar al-Assad chia sẻ, đó là cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này sẽ được chấm dứt nếu các "ông lớn" đi đến quyết định dứt điểm.
Nay, những "ông lớn" ấy đã nhất trí thông qua phán quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ hôm 18/12 vừa qua, trong đó kêu gọi đẩy mạnh đàm phán và áp đặt lệnh ngừng bắn để đưa nội chiến Syria tới một biện pháp giải quyết hòa bình.
"Hội đồng đã gửi một thông điệp rõ ràng tới tất cả các bên liên quan rằng đã đến lúc chấm dứt giết chóc tại Syria, và đặt nền móng cho một chính phủ mà người dân của đất nước đã phải chịu nhiều khổ đau này có thể ủng hộ" - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố.
Ở cả trong lẫn ngoài Syria, phán quyết này đã dấy lên hi vọng về sự khởi đầu của một tiến trình nghiêm túc tìm kiếm biện pháp giải quyết ổn thỏa. Và có rất nhiều triển vọng có thể đạt được, ít nhất là trong việc đảm bảo không để chiến sự vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Nhưng chuyên gia Hassan lại nghĩ khác.
Theo ông Hassan, thay vì tập trung như thường lệ vào sự khó khăn của việc đoàn kết lực lượng nổi dậy cùng tập trung vào mục tiêu chấm dứt xung đột, một khía cạnh khác cũng thể hiện rõ không kém sự bất lực của tiến trình này: số phận của Bashar al-Assad.
Assad đi hay ở cũng đều... không ổn
Trong suốt cuộc nội chiến, các thế lực phương Tây cũng như trong khu vực đều tìm cách thuyết phục Iran và Nga từ bỏ Assad để hướng tới thỏa hiệp chính trị. Theo họ, nếu Tehran đã "đồng ý" từ bỏ Nouri al-Maliki ở Iraq, thì tại sao không thể làm tương tự với Assad?
Theo logic này, Nga và Iran vẫn sẽ đảm bảo được lợi ích của mình qua lãnh đạo mới, một gương mặt mà cả nước vùng Vịnh cũng sẽ ủng hộ, ví dụ như các Tướng quân đội người Alawite như Ali Habib hay Assef Shawkat (khi ông này còn sống).
Nhưng số phận của một Tổng thống không đơn giản chỉ phụ thuộc vào việc Tehran hay Moscow nghĩ gì. Đối với chính phủ Syria, Assad là biểu tượng cho sự tiếp nối của trật tự cũ. Việc ông tại vị sẽ đảm bảo cho sự bình ổn tâm lý đối với người ủng hộ chế độ.
Đó là điều mà những người thuộc phe ủng hộ Assad muốn nhắc tới khi họ nói về cái gọi là "tổ chức nhà nước", vì sự tồn tại của chế độ đồng nghĩa với việc bất kì chính phủ nào trong tương lai cũng có thể dựng lại hệ thống điều hành cũ, dù nó không còn tồn tại ở nhiều nơi trên đất nước.
Hay thậm chí ngay cả khi một tín đồ Alawite lên đứng đầu chính phủ, rất nhiều người thân tín với Assad hiện nay cũng hoài nghi về việc liệu tất cả các thành viên trong chế độ có chịu nghe Tổng thống mới hay không.
Trong nội bộ chế độ hiện nay cũng có nhiều rạn nứt, bị chia cắt thành nhiều phe phái, mỗi phe phái lại có một tư lệnh riêng, nôm na là không khác mấy so với các lực lượng nổi dậy. Tuy vậy, sắc lệnh từ chính phủ vẫn được tuân theo tại các khu vực do phe thân chế độ quản lý.
Họ cho rằng, chừng nào Assad còn nắm quyền, thì bất kì hành động vượt ra ngoài ranh giới hay nhen nhóm trở thành lãnh chúa nào bên trong nội bộ chế độ cũng sẽ bị kiểm soát và chỉ dừng lại ở mức ý đồ.
Với nhiều người ủng hộ chế độ, "đưa mọi thứ trở lại như cũ" là phương án tối ưu và gần gũi với họ hơn so với việc phải thỏa hiệp với phe đối lập để rồi tương lai phải hợp tác cùng nhau.
Họ giữ vững quan điểm rằng sự tồn tại của Assad là phương án chắc chắn nhất để tránh một tương lai đen tối, kể cả khi điều đó đồng nghĩa với việc chế độ phải chịu thêm nhiều tổn thất.
Với phe ủng hộ chế độ, sự tồn tại của Assad là phương án chắc chắn nhất để tránh một tương lai đen tối. Ảnh: The Guardian
Một số còn cho rằng việc thỏa hiệp với đối thủ sẽ chẳng khác nào "vẽ đường cho hươu chạy", phe đối lập sẽ tiếp tục đòi hỏi sự thay đổi, để rồi đến một lúc nào đó, quyền thống trị bị đảo ngược hoàn toàn.
Tương tự, rất nhiều người trong phe đối lập không thể chấp nhận việc Assad tại vị, vì nếu họ đồng ý thỏa hiệp như vậy với phe chế độ, họ sẽ mất đi sự ủng hộ của các cử tri đã từng theo họ để chống lại Assad.
Nói cách khác, theo chuyên gia Hassan, đạt được thỏa thuận ngừng bắn khác rất xa so với việc đạt được thỏa thuận giữ ghế cho Assad.
"Viễn cảnh đại diện phe đối lập tới Damascus để tham gia hoạt động chính phủ khi Assad vẫn nắm quyền sẽ chẳng khác nào 'tự tử' về mặt chính trị, nếu không muốn nói là tự tử theo nghĩa đen thật" - ông nhận định.
Còn với phe ủng hộ chế độ, việc Assad tại vị là cách để Iran và Nga giữ vững cái "nền" ủng hộ chính phủ, đó là chưa kể đến những toan tính riêng khác.
Mất đi Assad đồng nghĩa với một thế cờ khó hơn dành cho họ tại Syria. Hậu quả của cái "thế cờ khó" này thì khôn lường, và cái giá phải trả cũng không thể được đảm bảo.
Nói vậy để thấy Assad đi hay ở thì cũng có những hậu quả nghiêm trọng đi kèm. Và nếu coi phán quyết mới đây của Hội đồng Bảo an là bước đầu của tiến trình ổn định Syria, thì chừng nào số phận của Assad vẫn là rào cản, bước thứ hai của nó vẫn chỉ là một cái gì đó quá xa vời...