Thân mật
Có ý kiến cho rằng Nga dường như đang hả hê khi châu Âu đang loay hoay với cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Moskva và Athens có nhiều hành động thực tế thể hiện quan hệ thân mật khiến phương Tây phải lo ngại.
Kể từ tháng 4/2015 đến nay, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã hai lần tới thăm Nga, một quốc gia cũng đang vướng vào những tranh cãi gay gắt với Liên minh châu Âu (EU) nhưng là về cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) và Tổng thống Nga Putin tại Điện Kremlin hôm 8/4
Trong những chuyến công du này, Thủ tướng Tsipras đã cùng giới chức Nga thúc đẩy một thỏa thuận đường ống dẫn dầu khí trị giá 2 tỷ euro (2,18 tỷ USD), đồng thời nhiều lần lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva.
Mới đây nhất, ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp hôm 5/7 có kết quả với trên 60% người dân nói “Không” được công bố, ông Putin là một trong số các lãnh đạo đầu tiên mà Thủ tướng Tsipras gọi điện để trao đổi về tình hình.
Trong khi đang bận mải với những sự kiện tại Ufa, Tổng thống Nga vẫn dành thời gian để nói về Hy Lạp.
Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 10/7, ông Putin tuyên bố bất chấp những khó khăn kinh tế, Nga sẵn sàng giúp đỡ các đối tác, song Hy Lạp chưa “cầu viện” Moskva.
Nhà lãnh đạo Nga cũng tin rằng Hy Lạp có đủ khả năng vượt qua những khó khăn hiện nay.
Con ngựa thành Troy
Việc Nga đang nỗ lực hâm nóng mối quan hệ với Athens đang làm dấy lên những lo ngại ở một số nước châu Âu về nguy cơ Moskva lợi dụng Hy Lạp như “Chú ngựa thành Troy” để phá hoại sự liên kết lỏng lẻo của khối 28 quốc gia châu Âu trong vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Nga khó có thể mở hầu bao để cứu Hy Lạp trong thời điểm hiện nay.
Trong cuộc điện đàm hôm 6/7, ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, ông Putin và ông Tsipras đã không nhắc tới việc cứu trợ của Nga đối với Hy Lạp.
Sau đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva hy vọng “đối tác Hy Lạp của chúng ta sẽ đạt được những thỏa hiệp cần thiết với các chủ nợ càng sớm càng tốt”.
Hơn 60% cử tri Hy Lạp nói không với chính sách khắc khổ
Giới phân tích đã mỉa mai rằng điều Nga thực sự nghĩ về cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp đơn giản là thu lượm những lợi ích cho mình ngay khi có thể. Nga sẽ tận dụng bất cứ sơ hở nào của các bên nếu có.
Theo đó, Moskva không hề thể hiện mình đang hướng đến một chiến lược lâu dài để giải quyết vấn đề Hy Lạp, thay vào đó chỉ chăm chăm nhằm vào những khó khăn của châu Âu với “ý đồ xấu”.
Chuyên gia James Nixey, thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House) thậm chí còn cáo buộc: “Nga là kẻ chủ nghĩa cơ hội, chứ chẳng phải đấng quyền năng cứu thế gì”.
Dù đưa ra những nhận xét có phần “miệt thị” như trên, song chuyên gia người Anh phải thừa nhận một thực tế rằng các nước châu Âu đang gặp quá nhiều khó khăn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, một quốc gia chỉ chiếm vài phần trăm GDP và dân số của họ.
Điều này cho phép Nga nghi ngờ về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như tính đoàn kết của châu Âu.
Không tránh khỏi vạ lây
Cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và sự kém cỏi của châu Âu có thể đang mang tới cho Nga một cơ hội nào đó.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng chỉ ra rằng Nga có khả năng phải hứng chịu những hậu quả khó lường nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone.
Báo chí Nga những ngày qua đã thừa nhận cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc “rơi tự do” và triển vọng dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Iran đã kéo giá dầu giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đồng ruble của Nga.
Trên thị trường, giá dầu Brent Biển Bắc hạ xuống mức thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây, đồng ruble mất giá, đạt mức 1 USD đổi 57 ruble và có thể tiếp tục xuống mức 65 ruble mới “ăn” được 1 USD.
Đồng ruble giảm giá sẽ khiến cuộc sống người dân Nga thêm khó khăn
Trả lời phỏng vấn trên kênh “Nước Nga 24”, Giám đốc Ngân hàng VTB24 của Nga, ông Mikhail Zadornov cho biết có hai yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nước Nga.
Thứ nhất, do cuộc khủng hoảng Hy Lạp làm mất giá các đồng nội tệ ở khu vực Trung Âu, Balkan, những nơi có chi nhánh của các ngân hàng Hy Lạp, trong đó có cả đồng ruble.
Trong giai đoạn này, đồng ruble sẽ sụt giảm giống như các tiền tệ khác không nằm trong Eurozone.
Thứ hai, khủng hoảng tại Hy Lạp cũng góp phần làm giảm giá dầu.
Bức ảnh gây chấn động dư luận: Một người đàn ông nghỉ hưu tuyệt vọng vì không thể rút tiền lương hưu ở chi nhánh ngân hàng Eurobank tại Thessaloniki, miền Bắc Hy Lạp
Có chuyên gia đã dự đoán kịch bản tiêu cực xảy ra khi thị trường chứng khoán Trung Quốc “rơi tự do”, cũng như việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone, giá dầu Brent Biển Bắc có thể rớt xuống mức 45-50 USD/1 thùng, và khi đó đồng ruble có thể mất giá đến mức 1 USD đổi được 65 ruble.
Trong khi không có đủ nguồn lực để “cứu” Hy Lạp thì Nga cũng không thể “chọc phá” EU.
Dù hai liên tiếp ăn miếng trả miếng bằng các đòn trừng phạt qua lại, EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga.
Chưa nói tới giá dầu, cuộc khủng hoảng Hy Lạp trước hết đang khiến thị trường chứng khoán tại Moskva lẫn giá trị đồng ruble đều đã sụt giảm.
Giới chuyên gia Nga cũng khuyến cáo cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp không phải là một tin tốt đối với Moskva. Sự suy yếu về kinh tế ở châu Âu không có lợi gì cho một nền kinh tế vốn đang mong manh của Nga.