Nga đang giúp Obama chiến thắng ở Syria?

Ngọc Minh |

Chiến dịch của Nga ở Syria đang giúp Obama đạt được một mục tiêu quan trọng trong chiến lược của mình, đồng thời "chắp thêm cánh" cho đồng minh từng hỗ trợ Mỹ tích cực ở Syria.

Lực lượng của kẻ thù giảm một nửa

Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest ngày 4/2 tiết lộ, một bản đánh giá của tình báo Mỹ mới đây cho thấy, số lượng tay súng IS ở Syria và Iraq đã giảm một nửa - từ 31.500 xuống còn 25.000 người, nhiều tay súng khác thì bỏ chạy để tìm căn cứ mới.

Dựa vào đánh giá này, ông Earnest khẳng định, đây là dấu hiệu cho thấy chiến lược của Tổng thống Obama ở Syria – với mục tiêu cấp thiết và quan trọng là tiêu diệt khủng bố - vẫn đang hiệu quả.

Tuy nhiên, trang tin Trung Đông al-Monitor đặt vấn đề: "Có phải Nga đang giúp Mỹ chiến thắng ở Syria?".

Nhìn vào những gì Nga tiến hành ở Syria, thì điều này không phải là không có lý, khi mà hành động của liên quân Mỹ ở nước này rất nhạt nhòa, không có dấu ấn.

Theo al-Monitor, Nga là một trong những nhân tố tạo "xu hướng" cần phải xem xét tới trong giai đoạn cuối cùng dẫn tới kết thúc cuộc chiến ở Syria, mà mở đầu là Aleppo. Có thể nói, Nga đang định hình cho một giai đoạn mới ở quốc gia Trung Đông này.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ khẳng định, quân đội Syria đã tiến bộ đáng kể sau khi Nga mở rộng chiến dịch can thiệp quân sự của mình.

Theo cơ quan này, Syria và đồng minh đã chiến đấu chống IS, Jabhat al-Nusra và Ahrar al-Sham - đồng minh của al-Nursa ở phía nam Aleppo, tiêu diệt IS nhằm tái thiết lập đường dây liên lạc trên bộ với căn cứ không quân Quweires ở Bab, tiêu diệt al-Nursa ở Latakia.

Nhà báo Mustafa al-Haj đang làm việc tại Trung Đông giải thích, một trong những lý do khiến quân đội Syria có thể giành lại Sheikh Miskin (bắc Daara) sau hàng loạt các cuộc ném bom không ngừng của Syria là "sự bất đồng trong nội bộ phe phái đối lập".

Từ Damascus, nhà báo Haj cho biết, "Quân đội Syria tự do (FSA) đã mâu thuẫn với Phong trào Muthanna - tổ chức từng bí mật cam kết trung thành với IS vào tháng 3/2015, và Mặt trận al-Nursa, sau khi FSA nỗ lực cô lập các lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Những nhân tố này đã làm suy yếu sức kháng cự của phiến quân trước những đợt tấn công của quân chính phủ và cản trở các tay súng FSA xâm nhập vào những khu vực khác nhằm giúp bảo vệ quyền kiểm soát của mình tại thành phố".

Thêm vào đó, nhà báo người Thổ Nhĩ Kỳ Fehim Tastekin cho hay, các lực lượng dân tộc thiểu số người Thổ Turkmen ở Syria "có liên hệ chặt chẽ với các nhóm thánh chiến như Mặt trận al-Nursa" cũng trở thành mục tiêu của các cuộc oanh tạc của Nga.

Theo ông này, những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ tới căn cứ của người Turkmen ở Syria. Nhiều nhóm đối lập từng lấy danh nghĩa FSA, theo thời gian, nay đã mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan dòng Salafi.


Một cuộc không khích của Nga gần Aleppo

Một cuộc không khích của Nga gần Aleppo

Trên thực tế, các thực tể có liên hệ với IS, al-Qaeda và Mặt trận al-Nursa đều là đối tượng trong nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ, và các lệnh ngừng bắn "sẽ không dành cho" các hành động chống lại những thực thể này.

Nghị quyết 2254 còn nhấn mạnh, các quốc gia thông qua nghị quyết này nên "ngăn chặn các hành động khủng bố, đặc biệt là do IS, al-Nursa và tất cả các tổ chức khủng bố khác gây ra".

Nga giúp đồng minh trên bộ của Mỹ mạnh hơn

Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đang dần trở nên liều lĩnh, al-Monitor đánh giá.

"Xin lỗi khi phải hoài nghi về việc liệu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò tích cực (ở Syria)", trong thời điểm quan hệ Nga - Thổ leo thang khi Moscow nhiều lần bị Ankara tố vi phạm không phận.

Sau vụ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 Nga, Moscow đã tăng cường chiến dịch không kích của mình, không chỉ nhằm vào Turkmen và còn nhằm với các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria được Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-Út và Qatar hậu thuẫn.

Phóng viên người Mỹ Sam Dagher nêu rõ:

"Những thành phố, thị trấn trở thành mục tiêu trong chiến dịch tấn công của quân chính phủ đều có một điểm chung: Tất cả đều nằm dưới quyền kiểm soát của một vài nhóm nổi dậy ôn hòa và Hồi giáo do Ả Rập Xê-Út cùng Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn về vũ khí và tài chính.

Một vài nhóm phiến quân có mối liên hệ với Mặt trận al-Nursa cũng hiện diện, làm phức tạp thêm tình hình.

Từ điều này, quân chính phủ và các đồng minh tuyên bố rằng họ đang chiến đấu chống khủng bố".

Nga thậm chí "tấn công" vào vấn đề nhạy cảm của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách ủng hộ đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD). Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã bắt đầu yểm trợ từ trên không cho các cánh quân người Kurd ở phía tây sông Euphrates.

Mới đây, Nga đã lên tiếng bày tỏ sự hối tiếc vì PYD không được mời tham dự hòa đàm Geneva, đồng thời khẳng định lực lượng này sẽ có chỗ trên bàn đám phán trong tương lai.

Mặc dù không lên tiếng, song Nga giúp sức khiến người Kurd mạnh hơn và tìm cách đưa lực lượng này tham gia quá trình giải quyết xung đột ở Syria chắc chắn khiến Mỹ rất hài lòng.

Với Washington, người Kurd luôn là lực lượng hoạt động hiệu quả trên bộ và đã giúp sức rất nhiều cho thắng lợi của chiến dịch không kích mà liên quân Mỹ thực hiện.


Thổ Nhĩ Kỳ đã rất tức giận khi Mỹ, bất chấp phản đối, vẫn hỗ trợ cho người Kurd.

Thổ Nhĩ Kỳ đã rất tức giận khi Mỹ, bất chấp phản đối, vẫn hỗ trợ cho người Kurd.

Nga không muốn Thổ can thiệp vào Syria và đang liên tục chỉ trích, tìm cách ngăn cản Ankara hiện thực hóa điều này. Mỹ cũng nên như vậy.

Trang tin Trung Đông đưa ra lời khuyên, Mỹ nên cương quyết từ chối bất cứ đề nghị nào từ phía Thổ Nhĩ Kỳ hay Ả Rập Xê-Út về việc gửi quân đội sang Syria.

Bởi, khi đưa quân tới đây, lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê-Út sẽ chiến đấu cho phe nào, chống lại ai? Người Kurd ở Syria đang được cả Nga và Mỹ ủng hộ chăng? Hay chiến đấu chống Nga, và kéo NATO vào cuộc chiến?.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại