Suốt 200 năm qua, Thụy Điển vẫn áp dụng chính sách trung lập về mặt quân sự. Nhưng nay, giữa lòng một châu Âu ngày một tăng cường hội nhập cùng mối đe dọa từ Nga, giới cầm quyền Stockholm đang nghiêm túc cân nhắc việc từ bỏ chính sách này để gia nhập NATO.
Từ những năm 90 của thế kỉ trước, quân đội Thụy Điển đã tham gia vào các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và một số cuộc tập trận với NATO.
Dù không chính thức tham gia, nhưng Thụy Điển luôn tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng khu vực và quốc tế để đảm bảo an ninh quốc gia, nhất là khi tình hình khu vực vẫn đang hết sức khó lường dù đã 20 năm trôi qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
Hơn nữa, trong bối cảnh quan hệ Nga-phương Tây đang xấu đi trông thấy trong vài năm trở lại đây, mối đe dọa từ Nga lại càng hiện hữu.
Thống kê cho thấy, kể từ khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014, quan điểm người dân Thụy Điển đã thay đổi nhanh chóng. Từ việc hơn 90% người dân nước này phản đối gia nhập NATO, thì nay cứ 1 trên 3 người được hỏi đã ủng hộ việc này.
Tuy nhiên, sau khi truyền thông Thụy Điển đưa tin rộng khắp về tư tưởng ủng hộ gia nhập NATO của người dân, Đại sứ Nga tại Thụy Điển Viktor Tatarintsev đã lập tức cảnh báo rằng Moscow sẽ đáp trả quân sự nếu Stockholm từ bỏ chính sách trung lập để theo NATO.
"Tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra trong tương lai gần, dù đúng là quan điểm công chúng đã thay đổi. Nhưng nếu Thụy Điển gia nhập NATO, chúng tôi sẽ đáp trả" - ông Tatarintsev phát biểu trên báo địa phương Dagens Nyheter hồi tháng 6.
Đại sứ này cũng cho biết, "Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định sẽ có đáp trả quân sự với sự điều động quân đội và tên lửa. Nước nào gia nhập NATO đều phải hiểu được những rủi ro mà họ sẽ gặp phải".
Trong thời gian qua, các đảng phái đối lập của Thụy Điển như đảng Trung tâm, đảng Tự do và đảng Ôn hòa bảo thủ đều lên tiếng ủng hộ việc gia nhập NATO.
"Chúng ta không có khả năng tự bảo vệ mình trong một cuộc chiến dài hơi, còn NATO lại khẳng định sẽ không hỗ trợ nếu chúng ta không phải nước thành viên. Đây là một vấn đề không thể nhắm mắt cho qua được nữa" - chủ tịch đảng Trung tâm Annie Loof phát biểu.
Mặt khác, đảng cầm quyền Dân chủ Xã hội Thụy Điển vẫn phản đối việc gia nhập NATO. Tuy nhiên, họ ủng hộ việc xích lại gần hơn với các liên minh quân sự phương Tây, đồng thời cũng đã "nhập hội" với các nước Nordic khác trong việc "đáp trả gây hấn từ Nga".
Hiệp ước này tạo lập một nhiệm vụ chung cho Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Phần Lan, đó là tăng cường khả năng quốc phòng và tương trợ lẫn nhau trước mối đe dọa từ Nga.
Tháng 9 năm ngoái, Thụy Điển cáo buộc 2 chiếc Su-24 của Nga xuất hiện trên không phận nước này, một động thái mà khi đó Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt đã gọi là "hành vi xâm nhập trái phép nghiêm trọng nhất của Nga" trong một thập kỉ vừa qua.
Một tháng sau đó, Hải quân Thụy Điển đã ra quân dọc quần đảo Stockholm rộng lớn để tìm kiếm một chiếc tàu ngầm Nga mà Stockholm nói rằng họ đã phát hiện được.
Tuy không tìm ra được tung tích chiếc tàu ngầm nói trên, nhưng Thụy Điển khẳng định nó đã tham gia vào một nhiệm vụ trinh thám do Nga đứng đằng sau.