Học giả Trung Quốc: Nga không cần lo Bắc Kinh "đòi" Siberia
Trong quá khứ, cụ thể là từ năm 1858 cho đến khi nhà Thanh diệt vong, triều đình này đã phải cống nạp cho Nga hoàng khoảng 1.5 triệu km vuông đất.
Đến năm 1993, Trung Quốc và Nga đã cho cắm mốc lại biên giới hai nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong dư luận Trung Quốc những năm qua vẫn lên tiếng đòi Nga "trả lại lãnh thổ" ở Vùng Viễn Đông cho Trung Quốc.
Siberia, phần lãnh thổ ở châu Á của Nga chiếm tới 3/4 diện tích Liên bang Nga, tương đương với tổng diện tích của Mỹ và Ấn Độ.
Theo tờ New York Times (Mỹ), Siberia chứa 80% nguồn dầu mỏ của Nga, 85% lượng khí tự nhiên, 80% than cùng các tài nguyên quý khác như kim cương. Vùng Viễn Đông cũng là "cửa ra Thái Bình Dương" của Moscow.
Ông Na Tiểu Binh khẳng định, lãnh thổ Nga ở Vùng Viễn Đông hiện nay có được thông qua trình tự hợp pháp, bao gồm Hiệp ước biên giới Nga-Trung trong thập niên 1990, vì vậy quan điểm Nga "chiếm lãnh thổ Trung Quốc" chỉ là một vấn đề mang tính "cảm tình lịch sử".
Cho đến nay, Hiệp ước này vẫn là nền tảng cho quan hệ Nga-Trung và nếu không có được thỏa thuận giúp ổn định vùng biên giới phía Bắc này, Trung Quốc vốn không thể tiến hành cuộc cải cách mở cửa quy mô lớn.
Học giả Trung Quốc này phân tích: "Thứ nhất, việc Nga 'rút' khỏi Tây Siberia sẽ mở cửa cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ tiến vào khu vực này, gián tiếp khiến Trung Quốc đối mặt với nhiều đối thủ hơn.
Thứ hai, trên thực tế sẽ không có chuyện Nga lơ là ở Siberia, mà sẽ xây dựng Vùng Viễn Đông như một bàn đạp chiến lược để duy trì thế đối đầu giữa các nước lân cận như Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời 'giúp' Mỹ duy trì cục diện liên kết Nhật đối đầu Bắc Kinh.
Đây cũng là chính sách hợp lý để kiềm chế Trung Quốc.
Thứ ba, người Trung Quốc từ trước đến nay vốn không quen thuộc với hoạt động kinh tế phương Bắc, bằng chứng là sự suy thoái của các khu công nghiệp vùng Đông Bắc Trung Quốc và khu vực Nội Mông Cổ bị sa mạc hóa."
Nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ của Nga ở Siberia được cho là khiến Trung Quốc "thèm khát". (Ảnh: AP)
Theo Na Tiểu Binh, chính phủ Trung Quốc trên thực tế không kỳ vọng vào "sự vắng mặt" của thế lực Nga tại Vùng Viễn Đông, bởi sức ép mà Moscow tạo ra với Bắc Kinh bằng sự hiện diện ở đây nhỏ hơn nhiều so với Nhật Bản.
Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc đánh giá cao việc Nga "ngả" sang nước này về kinh tế và chính trị sau khi bị phương Tây trừng phạt bởi cuộc khủng hoảng Ukraine. Bắc Kinh không đạt được điều này từ liên minh Mỹ-Nhật.
"Không nên xem nhẹ thành quả cải cách hơn một thập kỷ qua của Nga, cũng như tinh thần dân tộc của Nga...
Những 'ông lớn' lũng đoạn kinh tế-chính trị e sợ Tổng thống Nga Vladimir Putin, chứ không dám phá chính phủ của ông Putin. Đây cũng là điểm khác biệt giữa các tập đoàn kinh tế của Nga và Trung Quốc.
Tổng thống Putin nắm rất rõ đặc điểm này của người Nga, đó là lý do ông rất bình tĩnh với các tính toán chiến lược của mình," Na Tiểu Binh viết.
Ông này tin rằng Nga không lo lắng về khả năng Trung Quốc "xâm chiếm Siberia", đồng thời đề xuất chính phủ Nga-Trung cùng xây dựng tuyến đường tàu cao tốc ở Vùng Viễn Đông để nối vùng Đông Bắc Trung Quốc tới vùng biển Baltic.
Nga không tin Trung Quốc?
Trái với đánh giá của Na Tiểu Binh, thực tế cho thấy Moscow dường như không mấy tin tưởng vào "đánh giá chiến lược" của Trung Quốc đối với Nga ở khu vực này.
Hồi tháng 7/2014, NYT từng "bóc mẽ" âm mưu của Bắc Kinh nhằm chiếm lấy vùng Siberia, vốn giàu tài nguyên nhưng thưa thớt dân cư.
Mật độ dân cư chỉ 3 người/km vuông ở Siberia khiến khu vực này biến thành "thị trường béo bở" đối với hàng trăm triệu người cùng các doanh nghiệp vùng Đông Bắc Trung Quốc, vốn "thèm khát" những nguồn lực quý giá ở vùng này.
Theo NYT, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Vùng Viễn Đông đã tăng nhanh trong giai đoạn kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc.
Các nhà máy Trung Quốc ở Siberia ngày càng nâng cao quy mô, chất lượng và sở hữu các dây chuyền có khả năng sản xuất hàng loạt các mặt hàng thành phẩm.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo về mưu đồ của Trung Quốc tại Siberia trong cuộc họp của chính phủ tại Nhà Trắng (Nga) ở Moscow, ngày 9/8/2012.
Hồi tháng 8/2012, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo: “Viễn Đông cách xa Moscow và thật không may, chúng ta không có nhiều người ở đó, đồng thời phải bảo vệ khu vực này trước sự bành trướng quá mức của dân chúng các nước láng giềng”.
Mặc dù ông Medvedev không nêu rõ danh tính "quốc gia láng giềng", nhưng giới quan sát đa phần nhận định đó là lời cảnh tỉnh trước xu thế bành trướng về phía Bắc của Trung Quốc.
Moscow đã nhận ra rằng Bắc Kinh không cần khơi mào một cuộc xung đột để làm leo thang căng thẳng với Nga, mà chỉ cần "mắt nhắm mắt mở" trước một cuộc "xâm lược mềm", bằng những làn sóng nhập cư trái phép vào vùng Siberia và sức mạnh của các tập đoàn khổng lồ.
Mối đe dọa ngày càng trở nên rõ ràng hơn, và hồi tháng 6/2015, Duma quốc gia (Hạ viện) Nga đã phải ra quyết định bác đề xuất của Công ty Hua Xingbang (Trung Quốc).
Doanh nghiệp này yêu cầu được thuê 115.000 ha đất nông nghiệp tại vùng lãnh thổ Zabaikal thuộc Siberia.
Theo thỏa thuận ban đầu, nếu dự án thành công, vùng đất Nga "chuyển giao" cho công ty Trung Quốc sẽ được mở rộng tới 200.000 ha.
Trước sự việc này, các đại biểu đảng Dân chủ tự do Nga (LDPR) trong Duma Quốc gia cảnh báo, đây là một cuộc mạo hiểm địa chính trị vì chỉ sau 20 năm nữa, "rất có thể tỉnh trưởng Zabaikal sẽ là người Trung Quốc".
Bất chấp Moscow nhận thức được nguy cơ "sát sườn" khi cái bóng của Trung Quốc ở Vùng Viễn Đông ngày càng lớn, nỗ lực bảo vệ vùng lãnh thổ hẻo lánh này vẫn là một nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với chính quyền của ông Putin.
Tờ NYT đánh giá, “nếu Bắc Kinh chọn cách chiếm Siberia bằng vũ lực, thì Moscow chỉ còn một cách để chống lại, đó là vũ khí hạt nhân”.