NATO vẫn chưa phải là "nguy cơ lớn nhất” của Moscow

Vì khủng hoảng Ukraine, quan hệ giữa Nga và NATO lao dốc chưa từng thấy. Tuy nhiên, giữa hai bên đã “cơm không lành, canh không ngọt” từ lâu.

Mục đích của Điện Kremlin từ trước đến nay vẫn là cản đường NATO và Liên minh châu Âu (EU) tiến đến các nước thuộc Liên Xô cũ và nếu cần, Nga sẵn sàng dùng vũ lực.

Tháng 4-2008, NATO bàn tính kết nạp Georgia và Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest - Romania. Năm tháng sau, Nga đem quân sang đánh Georgia, sau đó 2 vùng Abkhazia và Nam Ossetia tuyên bố tách khỏi Georgia.

Dù vậy, các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw (Czech, Hungary, Ba Lan) rồi các nước Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania) và Bulgaria, Romania, Slovakia, Slovenia lần lượt gia nhập NATO vào các năm 1999 và 2004.

Cuộc chiến ngắn ngủi ở Georgia khiến quan hệ Nga và phương Tây căng thẳng nhưng hai bên nhanh chóng nối lại mối quan hệ làm ăn.

Có vẻ Moscow đang lặp lại kịch bản Georgia ở Ukraine. Lần này, dù muốn hay không, EU đã đứng vào thế đối đầu trực diện Nga với cuộc chiến kinh tế đang được tăng tốc. Ngược lại, một phản ứng quân sự từ phía NATO rất nhạt nhòa dù Ukraine nói riêng và các nước Đông Âu nói chung đang đứng ngồi không yên.

Nguyên nhân nằm ở cách định nghĩa “nguy cơ” trong nội bộ NATO. Các nước ở Bắc và Đông Âu chia sẻ mối lo ngại mang tên Nga nhưng ở Nam Âu, Hồi giáo cực đoan mới là nỗi sợ hãi thực sự.

Đó là lý do mà Thủ tướng Đức Angela Merkel thẳng thừng từ chối hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng lại nhanh chóng gửi vũ khí cho người Kurd ở Iraq để chống trả nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo bình luận của tờ The Moscow Times, chính Nga sẽ rất sai lầm nếu làm ngơ IS. “Đối với Nga, IS nguy hiểm hơn NATO rất nhiều bởi trong tương lai gần, NATO chỉ giới hạn hoạt động ở việc hỗ trợ Ba Lan và các nước Baltic củng cố phòng thủ. IS cũng đáng lo hơn hẳn EU bởi sự mở cửa của EU vốn có lợi lớn cho các công ty và dân thường Nga. Nếu Tổng thống Vladimir Putin nghĩ rằng NATO và EU là nguy cơ lớn nhất, là kẻ thù, là đối thủ thì ông chưa nhìn thấu đáo” - tờ báo viết.

Như để chứng minh, hôm 3-9, trong đoạn video phát trên đài Al-Arabiya, IS đe dọa lật đổ Tổng thống Putin và thề “giải phóng” Chechnya cũng như toàn bộ vùng Caucasus bất ổn. IS khẳng định lý do ông chủ Điện Kremlin bị “để ý” là vì luôn hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại