Đây được coi là một bước đột phá, mở đường cho 12 nước tiến gần tới hoàn tất Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau rất nhiều lần lỡ hẹn.
Ban đầu hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 30/9-1/10, sau đó các bộ trưởng đã quyết định kéo dài thời gian đàm phán tới ngày 4/10, thể hiện quyết tâm đạt được thỏa thuận cuối cùng về TPP ngay trong tuần này.
Sau khi vượt qua những bất đồng trong vấn đề dỡ bỏ rào cản thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ô tô nhập khẩu và thị trường Bắc Mỹ, vấn đề Mỹ và Canada mở cửa thị trường đối với các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và đặc biệt là thời gian bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới, trở thành hai nút thắt cuối cùng ngăn chặn 12 nước hoàn tất đàm phán TPP.
6 nước gồm Peru, Chile, Malaysia, New Zealand, Australia và Brunei tiếp tục phản đối nỗ lực của Mỹ muốn áp đặt khung thời gian giữ bảo hộ độc quyền 8 năm.
Các nước này cho rằng thời gian giữ độc quyền 5 năm là hợp lý đối với các sinh phẩm được bào chế từ tế bào sống và được dùng để điều trị bệnh ung thư hay một số bệnh khác.
Tuy nhiên, Reuters dẫn nguồn tin từ cuộc đàm phán cho biết, Mỹ và Australia đã đạt được thỏa hiệp trong vấn đề sinh dược, qua đó giúp các bên đàm phán tiến rất gần tới TPP.
Và theo thỏa hiệp, thời gian giữ bảo hộ độc quyền sẽ là 8 năm, phù hợp với đề xuất mới nhất của phía Mỹ.
Giới phân tích nhận định nếu Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta không đạt được thỏa thuận cuối cùng, thì tiến trình đàm phán TPP vẫn có thể được hoàn tất trong năm nay, khi các nhà đàm phán gặp lại nhau bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 11 tới ở Philippines./.