"Tuần tra 12 hải lý sẽ là thông lệ, không phải một lần rồi thôi"

Đức Huy |

Đó là phát biểu của Giám đốc truyền thông Lầu Năm Góc Jeff Davis đăng trên Reuters, nhân sự kiện Mỹ điều tàu ra tuần tra trên Biển Đông hôm nay.

Tuần tra trở thành thông lệ

Theo ông Davis, sau khi Mỹ điều tàu USS Lassen vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép hôm nay (27/10), các đợt tuần tra sẽ còn tiếp diễn trong các tuần tới.

"[Tuần tra 12 hải lý] sẽ trở thành thông lệ, chứ không phải chỉ một lần rồi thôi. Điều này với Trung Quốc cũng không có gì lạ" - quan chức này phát biểu.

Tuy không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng ông Davis khẳng định động thái tuần tra của Mỹ sẽ "nhắm vào (những) quốc gia có yêu sách quá đáng về lợi ích trên Biển Đông".

Trong khi đó, tại cuộc họp báo hôm 26/10, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest đã né tránh các câu hỏi liên quan đến hoạt động cụ thể của Mỹ trong các đợt tuần tra. Thay vào đó, ông Earnest một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông.

"Đó là nơi hàng tỉ USD giá trị thương mại đi qua mỗi ngày. Đảm bảo được tự do thương mại tại đây là điều tối quan trọng với kinh tế thế giới" - ông phát biểu.

Theo Reuters, đây sẽ là cuộc tuần tra 12 hải lý đầu tiên kể từ khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đảo đá nhân tạo trái phép hồi cuối năm 2013.

Trong khi đó, lần gần đây nhất Mỹ phát động một cuộc tuần tra tương tự đối với một thực thể do Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là vào năm 2012.

Quyết định này đã được Mỹ đưa ra sau nhiều tháng cân nhắc thiệt hơn trong quan hệ với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Washington.

Nhận định về kế hoạch tuần tra của Mỹ, nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ trên biển thuộc Hạ viện Mỹ, đã tỏ ý khen ngợi động thái này.

"Việc điều tàu Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng (trái phép-PV) trên Biển Đông là cần thiết, và là một động thái đáng ra đã phải được thực hiện từ lâu để đáp trả hành vi gây bất ổn của Trung Quốc trong khu vực" - ông Forbes phát biểu.

Công ước LHQ về luật biển
Điều 60.8
Các đảo nhân tạo, các hoạt động xây dựng, và các công trình liên quan, đều không được coi là đảo theo đúng nghĩa. Tất cả đều không sở hữu lãnh hải xung quanh, và sự hiện diện của chúng không có bất kì ảnh hưởng gì tới các ranh giới đã định sẵn về lãnh hải, đặc quyền kinh tế, hay thềm lục địa.

Một trong những lo ngại của Washington, cũng như đông đảo các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác, đó là Trung Quốc sẽ quân sự hóa phi pháp các đảo đá trên Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh một mực khẳng định họ cải tạo các thực thể vì mục đích dân sự.

Tháng trước, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc "không có ý định quân sự hóa" các đảo đá trên Biển Đông.

Tuy nhiên, theo những gì ảnh vệ tinh ghi lại được, có thể thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép ba đường băng quân sự trên quần đảo Trường Sa, cụ thể là đá Vành Khăn, đá Chữ Thập, và mới đây nhất là đá Xu Bi.


Ảnh vệ tinh cho thấy lớp móng với chiều rộng 60m đã được dựng lên để phục vụ xây dựng đường băng trên đá Xu Bi. Ảnh: Victor Robert Lee/Digital Globe

Ảnh vệ tinh cho thấy lớp móng với chiều rộng 60m đã được dựng lên để phục vụ xây dựng đường băng trên đá Xu Bi. Ảnh: Victor Robert Lee/Digital Globe

Một số quan chức Mỹ cho biết, đợt tuần tra của Mỹ sẽ là một phép thử đối với tuyên bố của ông Tập.

Việc Mỹ chọn thời điểm này để tiến hành tuần tra 12 hải lý cho thấy thái độ cứng rắn của Washington, khi mà chỉ vài tuần nữa, lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ lại gặp nhau trong khuôn khổ các hội nghị thượng đỉnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại