Mỹ - Nhật không để Trung Quốc "né tránh" tranh chấp Biển Đông

Minh Thu |

Trung Quốc đang cố gắng để những vấn đề liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông không trở thành nội dung chính được thảo luận trong các cuộc họp thượng đỉnh ngoại giao châu Á trong tuần này song Mỹ và Nhật Bản sẽ không để Bắc Kinh thỏa nguyện.

Trong tuần này, các nhà lãnh đạo sẽ tham gia hàng loạt cuộc họp thượng đỉnh tại châu Á bao gồm Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Philippines từ ngày 18 – 19/11 sau đó là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á ở Malaysia.

Trong đó, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo trong khu vực.

Trước đó, Trung Quốc nêu rõ quan điểm rằng APEC không phải là nơi thích hợp để bàn thảo về chủ đề Biển Đông.

Cụ thể, trong chuyến thăm tới Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Bắc Kinh không muốn chủ đề tranh chấp hàng hải trên Biển Đông là nội dung trong các phiên nghị sự.

Trong khi đó, giới chức Philippines cho hay Manila sẽ không nhắc tới vấn đề này nhưng sẽ không ngăn cản các nước khác làm như vậy.

Tuy nhiên, theo tạp chí The Diplomat, dù không chính thức công bố nhưng dường như Mỹ vẫn muốn khơi gợi chủ đề Biển Đông để các nhà lãnh đạo trong khu vực đưa ra bàn thảo.

Hồi tuần trước, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, bà Susan Rice tuyên bố Biển Đông "sẽ trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận ở cả hội nghị thượng đỉnh Đông Á cũng như hội nghị ASEAN – Mỹ trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ tới châu Á".

Thực tế đã chứng minh ngay sau khi đặt chân tới Manila, Tổng thống Barack Obama đã tới thăm tàu chiến BRP Gregorio del Pilar, tàu khu trục hiện đại của Hải quân Philippines.

Con tàu này trước kia thuộc quyền sở hữu của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ.

Theo ông Obama, tàu BRP Gregorio del Pilar chính là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác hàng hải giữa Mỹ và Philippines.

"Chuyến thăm của tôi một lần nữa thể hiện cam kết đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển và tự do hàng hải trong khu vực", ông Obama phát biểu sau chuyến thăm tàu chiến BRP Gregorio del Pilar.

Trong chuyến thăm này, nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố chuyển giao thêm 2 chiếc tàu khác cho Hải quân Philippines bao gồm "một tàu nghiên cứu phục vụ việc vẽ bản đồ hải phận và một chiếc xuồng của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ nhằm hỗ trợ Hải quân Philippines khả năng thực hiện các cuộc tuần tra dài ngày".

Trong thời gian qua, dù Tổng thống Obama không nhấn mạnh cụ thể tới các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng trong các tuyên bố của giới chức Mỹ thường nêu bật mối quan ngại về hoạt động tự do hàng hải trên tuyến đường biển đạt giá trị hơn 5 ngàn tỷ USD/năm này.

Đây cũng chính là lý do khiến Washington đẩy mạnh tăng cường năng lực hàng hải cho các quốc gia đồng minh và đối tác trong khu vực.

Trước đó, trong cuộc họp với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, ông Obama cũng đã đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, "điều quan trọng là duy trì các quy tắc cơ bản để giải quyết tranh chấp theo quy định và luật pháp quốc tế cũng như trong hòa bình".

Trong ngày 19/11, Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ người đồng cấp Philippines Benigno Aquino III và chắc chắn, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông sẽ là trọng tâm của phiên nghị sự.

Trước đó, hôm 17/11, ông Obama cũng nhấn mạnh Washington "cam kết chắc chắn bảo vệ quốc gia đồng minh Philippines".

Tuy nhiên, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất muốn đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đang đưa chủ đề này ra bàn thảo trong các cuộc họp song phương như bên lề hội nghị G20 diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tuần này.

Cụ thể, trong các cuộc họp song phương với Thủ tướng Hà Lan và Australia, ông Abe đã bày tỏ hy vọng thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác với các nước để đảm bảo quy định pháp luật và tự do hàng hải được thi hành ở khu vực Đông Á.

Về phần mình, Trung Quốc lại có những lý lẽ bao biện để né tránh vấn đề Biển Đông.

Phát biểu trước giới báo chí hôm 17/11, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nhấn mạnh Bắc Kinh muốn các cuộc họp thượng đỉnh tập trung vào thảo luận tăng trưởng kinh tế thay vì những tranh chấp trên Biển Đông.

Tuy nhiên, ông Lưu thừa nhận mong muốn của Trung Quốc khó trở thành sự thật.

"Mặc dù Trung Quốc không muốn đề cập tới vấn đề Biển Đông và không muốn Biển Đông trở thành trọng tâm thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh nhưng không thể tránh được việc một vài quốc gia nhắc tới vấn đề này", Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lưu.

Thậm chí, Trung Quốc còn tự nhận mình là nạn nhân trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

"Trung Quốc đã vô cùng kiềm chế khi không giành lại các thực thể bị những quốc gia láng giềng chiếm đóng bất hợp pháp.

Chính phủ Trung Quốc có quyền và khả năng để giành lại các hòn đảo và bãi đá bị các nước láng giềng xâm chiếm nhưng Bắc Kinh đã không làm như vậy", Thứ trưởng Lưu ngang nhiên bào chữa cho hành động Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông.

Theo ông Lưu, các công trình mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông chủ yếu phục vụ mục đích dân sự cũng như an ninh quốc gia trong bối cảnh "một số láng giềng triển khai lực lượng quân sự trên vùng biển này".

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ những quan điểm mà Nhật Bản đưa ra trong các vấn đề liên quan tới chủ quyền Biển Đông.

Hôm 17/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Bắc Kinh "không hài lòng" với việc Thủ tướng Abe thường xuyên đề cập tới tình hình Biển Đông đồng thời cáo buộc Tokyo đang "thổi phồng" vấn đề.

"Chúng tôi mong muốn Nhật Bản ngừng đưa ra những lời cáo buộc vô căn cứ liên quan tới Biển Đông", ông Hồng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại