Mỹ lo sợ bị “mất mặt” khi Iraq mời Nga diệt IS

Đức Dũng |

Sau khi xuất hiện các thông tin cho thấy có khả năng Iraq đang cân nhắc mời Nga thực hiện các chiến dịch không kích IS trên lãnh thổ của mình, Mỹ đã vội vàng cử tướng quân đội cấp cao đến Iraq để trấn an và đề nghị Iraq không thực hiện kế hoạch này.

Trong ngày 20/11, Tướng Joshep Dunford- Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã bất ngờ đến Iraq.

Mục đích chính của chuyến thăm này là thảo luận với Iraq các vấn đề liên quan đến cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhất là khi Iraq đang cân nhắc khả năng mời Nga thực hiện chiến dịch không kích chống IS trên lãnh thổ của mình.

“Mặc cả” Iraq không được nhờ Nga giúp

Ngay sau khi đến Iraq, ông Joshep Dunford đã có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi để bóng gió rằng Mỹ sẽ “rất khó” để cung cấp cho Iraq các hỗ trợ cần thiết “nếu như người Nga cũng tham gia vào quá trình này”.

Theo Joshep Dunford, Mỹ “sẽ không thể thực hiện chiến dịch ở Iraq nếu như người Nga đồng thời cũng tham gia vào chiến dịch này”.

Trước đó, John Allen, điều phối viên chính sách của Mỹ trong cuộc chiến chống IS khi trao đổi với Thủ tướng al-Abadi cũng đã  thẳng thắn tuyên bố rằng: “Mỹ quan ngại đối với mối liên minh của Iraq (với Nga)”.

Theo Allen, Tổng thống Obama rất quan tâm đến vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống IS và “chẳng nhẽ Iraq lại không phải cảm ơn người Mỹ?”.

Cũng giống như Joshep Dunford sau này, Allen đã đề nghị “Iraq không tiếp tục hợp tác với Nga”.

Sau đó, Allen đã vội vàng tuyên bố rằng “Thủ tướng Iraq đã hứa rằng điều đó sẽ không xảy ra và Iraq sẽ phối hợp hành động với Mỹ và liên minh do Mỹ đứng đầu để tiêu diệt IS”.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Iraq, ông Joshep Dunford cho biết ông al-Abadi cam kết rằng Iraq sẽ không tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự của Nga.

Được biết, sở dĩ Mỹ có thể gây áp lực lên Iraq (chẳng nhẽ Iraq lại không cần phải cảm ơn Mỹ?) không thực hiện liên minh với Nga là do kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ năm 2003, Mỹ đã cấp cho Iraq khoảng hơn 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, Iraq hiện vẫn không thể ngăn chặn IS đang chiếm dần các khu vực lãnh thổ của mình, đầu tiên chỉ ở miền Bắc và hiện giờ đã thêm một phần miền Tây.

Do Nga không kích IS tại Syria khá hiệu quả nên Quốc hội Iraq đang gây áp lực buộc Thủ tướng al-Abadi đề nghị Nga giúp sức diệt IS.

Nỗi sợ bị “mất mặt” của Mỹ

Theo chuyên gia về Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga George Mirsky, Chính phủ hiện nay ở Iraq đang phải hết sức cân nhắc lựa chọn giữa sự ủng hộ của Mỹ và sự trợ giúp của Nga.

Chế độ hiện nay ở Iraq do người Hồi giáo dòng Shiite nắm quyền được hình thành nhờ sự trợ giúp của Mỹ từ năm 2003. Trước đó, người Shiite bị coi thường và phân biệt đối xử ở Iraq.

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Iraq al-Haydar Abadi
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Iraq al-Haydar Abadi

Sở dĩ liên minh người Shiite chiếm đa số trong Quốc hội Iraq muốn liên kết với Nga, theo ông Mirsky, là do chịu sức ép từ Iran- cường quốc của người Shiite.

Iran đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rằng Iraq cần liên minh với Nga để ngăn chặn IS vì đối với Iran, kịch bản IS gia tăng sức mạnh sẽ là thảm họa.

Trong khi đó, Mỹ có nhiều cái để quan ngại một liên minh giữa Nga với Iraq. Trường hợp Syria lại là khác biệt vì Syria có mối quan hệ hữu hảo với Nga từ thời của cha ông al-Assad nhưng Iraq lại là trường hợp khác.

“Sau khi lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003, Mỹ đã chi nhiều tỷ USD để thiết lập nên một chế độ mới. Viễn cảnh chế độ mới này, giống như trường hợp Saddam Hussein, lại mời Nga hợp tác thực sự là “sự sỉ nhục” đối với Mỹ” - ông Mirsky giải thích.

Hơn nữa, trong trường hợp nếu như sau khi Nga thực hiện không kích IS tại Iraq mà tình hình được cải thiện thì nhiều người sẽ đặt câu hỏi: vì sao Mỹ đã hiện diện cả năm ở Iraq mà tình hình không có bất cứ sự chuyển biến nào?

Sau khi Nga tham chiến thì IS lại nhanh chóng bị tiêu diệt?

Theo Mirsky, đây rõ ràng là yếu tố sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Mỹ.

Iraq trước sức ép cần đề nghị Nga trợ giúp

Nỗi lo sợ Iraq hợp tác với Nga của Mỹ không phải không có cơ sở.

Trong buổi trả lời phỏng vấn hãng CNN mới đây, Thủ tướng Iraq al-Abadi cho biết, Iraq không hài lòng với sự trợ giúp của Mỹ và liên quân cho Quân đội Iraq trong cuộc chiến chống IS, đồng thời ông cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải mở rộng liên minh với sự tham gia của Nga và Iran.

“Chúng tôi không nhận được sự trợ giúp cần thiết của Mỹ trong cuộc chiến chống IS” - ông al-Abadi nhấn mạnh. Đây được hiểu là lời mời gián tiếp Nga can thiệp để giải quyết tình hình.

Chiến đấu cơ của Nga không kích các mục tiêu của IS tại Syria
Chiến đấu cơ của Nga không kích các mục tiêu của IS tại Syria

“IS đang tấn công Iraq từ lãnh thổ của Syria và cuộc xung đột với IS khiến Iraq chịu nhiều tổn thất: nhiều người bị giết, cướp, bắt cóc và bán làm nô lệ, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

Chính vì vậy, nếu như có một đối tác nào đó tham gia vào cuộc chiến của chúng tôi chống lại IS thì chúng tôi luôn chào mừng” - Thủ tướng Iraq khẳng định.

“IS là lực lượng khủng bố nguy hiểm không chỉ chống lại Iraq hay Syria mà chống lại toàn thế giới. Đã đến lúc cần liên kết tất cả các nỗ lực và chúng tôi cần đến một liên minh rộng rãi với sự tham gia của Nga và Iran”.

Ông al-Abadi cũng thừa nhận rằng sự trao đổi thông tin tình báo giữa Iraq với Nga, Syria và Iran đã được thực hiện từ vài tháng trước.

Hiện trong giới lãnh đạo Iraq cũng đang có nhiều người cho rằng Iraq cần phải liên kết với Nga trong cuộc chiến chống lại IS.

Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Iraq Muwaffaq al-Rubaie, một số đảng phái trong Quốc hội Iraq đã yêu cầu chính phủ nước này đề nghị Nga tiến hành không kích các vị trí IS ở Iraq.

Nguyên nhân là do “Không quân Mỹ đã không phối hợp với chính phủ, các lực lượng an ninh và quân đội Iraq, cũng như không cung cấp cho Iraq thông tin tình báo về vị trí tập trung cũng như các căn cứ của IS ở Iraq”.

Trong khi đó, hãng Reuters cho biết liên minh cầm quyền ở Iraq cùng với cộng đồng người Shiite đang gây sức ép để Thủ tướng al-Abadi đề nghị Nga giúp đỡ bằng cách không kích các vị trí IS ở Iraq như đang làm ở Syria.

Sức ép này đang thực sự đặt ông al-Abadi vào thế khó: vừa phải trấn an liên minh cầm quyền, vừa giữ lại được đồng minh Mỹ.

Còn theo nhận định của Hisham al-Hashimi, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực an ninh của Iraq, chính quyền Iraq trong thời gian ngắn tới đây sẽ phải đề nghị Nga giúp đỡ, bất chấp những lời “nhắc nhở khéo” của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại