Mỹ không buộc các bên ở Châu Á lựa chọn phe nào

V.N |

Mỹ cam kết bảo vệ an ninh ở Châu Á và sẽ phản ứng với các tiến triển trong khu vực, trong khi đảm bảo các lực lượng phòng vệ của nước này được cung cấp nguồn lực đầy đủ để gìn giữ hòa bình - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu hôm 23.1 ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ.

Ông Carter nói rằng quan điểm của Mỹ là lâu dài, và sự có mặt mạnh mẽ của Mỹ ở Châu Á trong 7 thập kỷ qua không cản trở sự nổi lên của Nhật Bản, hoặc sự phát triển nhanh của Hàn Quốc và Đông Nam Á.

"Tương tự, Mỹ sẽ không ngăn cản các tiến bộ của Trung Quốc" - ông nói.

Mỹ cũng không muốn bắt buộc các đối tác của Mỹ trong khu vực phải chọn bên nào. Bên cạnh đó, ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang nổi lên, Nhật Bản cũng nổi lên trở lại.

Nhấn mạnh rằng ông không nghĩ rằng một cuộc xung đột với Trung Quốc là không tránh khỏi, ông Carter nói: "Chúng tôi không phải là định mệnh... nhưng chúng tôi sẽ phải làm việc để đạt được kết quả tốt.

Và chúng tôi sẽ hợp tác với mọi người để có kết quả mà các bên cùng thắng, cho tất cả mọi người".

Ông kêu gọi tất cả các bên trong khu vực ngừng những hành động quân sự hóa tình hình ở Biển Đông và chỉ ra rằng, những hành động gần đây của Trung Quốc, chẳng hạn như cải tạo các đảo, đã đẩy các nước về phía Mỹ.

Những hành động này khiến Trung Quốc "tự cô lập", và ông cam kết Mỹ sẽ đáp trả những bước phát triển như vậy trong khu vực.

Ông tiết lộ rằng ngân sách quân sự sắp tới mà ông đang chuẩn bị sẽ bao gồm cả các kế hoạch của Mỹ tái cân bằng lực lượng ở Châu Á.

Tham gia thảo luận, Phó Thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam nhấn mạnh rằng, cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ít có khả năng xảy ra hơn so với một cuộc tấn công khủng bố trong khu vực, nhưng bất kỳ xung đột Mỹ - Trung nào cũng để lại hậu quả lớn.

Ông nói, Mỹ và Trung Quốc đang trải qua thời kỳ "tái cân bằng hòa bình" và sẽ mất nhiều thời gian để hai bên xây dựng lòng tin.

Ông lưu ý, lòng tin sẽ được thiết lập không phải bằng cách ký kết thỏa thuận giữa các nước, mà bằng việc họ đáp ứng thế nào với hành động của nhau.

ASEAN cũng có vai trò trong cuộc chơi này - Phó Thủ tướng Singapore nói. Đây không chỉ là vai trò trung gian hoặc bị động, mà phải là vai trò "trung gian tích cực".

Khi có hành động quân sự quả quyết đơn phương, "chúng ta phải rọi ánh sáng vào nó và nhất định rằng những vấn đề như vậy phải được đưa ra tòa án quốc tế" - ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại