Mỹ đưa vũ khí “khủng” đến Đông Âu: Đồng minh lo sợ hơn Nga?

Trần Khánh |

Lầu Năm Góc ngày 15/6 tuyên bố Mỹ đang cân nhắc đưa vũ khí hạng nặng sang các nước Đông Âu giáp biên giới với Nga.

Mỹ bảo vệ đồng minh, sẵn sàng đối phó với Nga

Theo Reuters, Lầu Năm Góc cho biết quyết định trên thể hiện nỗ lực lâu dài của Mỹ trong việc duy trì việc tập trận luân phiên của Mỹ với các đồng minh NATO.

Mỹ đang hỗ trợ đồng minh NATO áp sát cửa ngõ của Nga (Ảnh AP)

Mỹ đang hỗ trợ đồng minh NATO áp sát cửa ngõ của Nga (Ảnh AP)

Đại tá Steve Warren, người phát ngôn Lầu Năm Góc, cho biết: “Quyết định này hoàn toàn chỉ nhằm tăng cường năng lực tập trận cho binh sĩ Mỹ”.

Trước đó, tháng 12/2014, Trung tướng Ben Hodges, Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu cho biết, số trang thiết bị dự kiến được chuyển sang Đông Âu bao gồm 160 xe tăng M-1 và các xe chiến đấu Bradley M-2 cùng với nhiều khẩu pháo tự hành.

Đến ngày 15/6, một quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ, tổng số xe quân sự mà Mỹ đưa sang Đông Âu lên đến 220.

Các quan chức Mỹ cho biết, theo đề xuất hiện nay, Mỹ sẽ đưa số trang thiết bị quân sự đủ cho 150 binh sĩ đến trữ tại 3 nước Baltic là Litva, Latvia và Estonia.

Trong khi đó, số thiết bị quân sự đủ cho 750 binh sĩ sẽ được trữ tại các nước Ba Lan, Romania, Bulgaria và nhiều khả năng là cả Hungary.

Ý định của Mỹ là, trong trường hợp khu vực biên giới phía Đông của NATO bị tấn công, Mỹ có thể điều quân đến ngay các nước nói trên và họ sẽ sử dụng ngay số trang thiết bị đó để chiến đấu thay vì phải chờ đợi hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng trời để chuyển số vũ khí nói trên từ Mỹ sang châu Âu.

NATO chia rẽ với đề xuất của Mỹ

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất này của Mỹ sẽ khiến các quốc gia thành viên NATO căng thẳng bởi nếu như Ba Lan hoặc Litva là những thành viên “diều hâu” của NATO thì nhiều thành viên khác lại muốn tránh gây hấn với Nga bằng mọi giá.

Phát biểu sau cuộc đàm phán với Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak bày tỏ mong muốn Mỹ sẽ sớm chuyển vũ khí sang Ba Lan trong vòng vài tuần tới.

“Mỹ hiểu rằng điều này rất quan trọng đối với chúng tôi, bởi chúng tôi muốn có sự hiện diện thường xuyên của Mỹ và quân đội đồng minh tại Ba Lan”, ông Siemoniak tuyên bố.

“Đối với chúng tôi, việc Mỹ đưa vũ khí đến Ba Lan và dự trữ sẵn tại đây là một bước đi quan trọng để Mỹ có thể tăng cường sự hiện diện của mình tại Ba Lan”, ông Siemoniak nói thêm.

Dự định của Lầu Năm Góc vấp phải phản ứng trái chiều từ các đồng minh NATO (Ảnh Reuters)

Dự định của Lầu Năm Góc vấp phải phản ứng trái chiều từ các đồng minh NATO (Ảnh Reuters)

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Litva Kestutis Vaskelevicius khẳng định, việc gia tăng sự hiện diện của NATO là nhằm tăng cường an ninh đối với các quốc gia Baltic.

“Hành động này không nhằm trực tiếp vào ai và cũng không nhằm đe dọa ai cả”, ông Vaskelevicius khẳng định.

Tuy nhiên, đề xuất về việc binh sĩ NATO thường xuyên hiện diện tại Đông Âu đã vấp phải sự ngăn cản của Đức và một số thành viên khác trong NATO.

Theo các nước này, NATO nên tăng cường các cuộc tập trận, luân phiên chuyển các binh sĩ đến từng nước Đông Âu và thành lập một bộ chỉ huy phụ trách các hoạt động phản ứng nhanh tại Tây Bắc Ba Lan.

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại xứ Wales năm 2014, các nước thành viên đã thông qua một thỏa thuận “chuyển trước các trang thiết bị quân sự” đến Đông Âu.

Tuy nhiên, kế hoạch mà Lầu Năm Góc vừa đưa ra cho thấy Mỹ đã “nhanh chân” hơn nhiều so với các đồng minh của mình.

Việc các thành viên NATO còn lưỡng lự để Mỹ “vượt mặt” là bởi họ lo ngại rằng, đề xuất này có thể đẩy nhiều nước từng là thành viên của khối Warsaw phải đưa ra “một lựa chọn khó khăn”.

Binh sĩ Litva tham gia một cuộc tập trận gần biên giới Nga (Ảnh AP)

Binh sĩ Litva tham gia một cuộc tập trận gần biên giới Nga (Ảnh AP)

Cả Bulgaria và Hungary đều khẳng định họ là thành viên của NATO, tuy nhiên cả hai đều có những mối quan hệ về thương mại và văn hóa chặt chẽ với Nga trong khi không muốn “dập tắt” dự định được cho là “đầy thiện chí” của Mỹ.

Tổng thống Rosen Plevneliev, vẫn khăng khăng cho rằng, còn quá sớm để nước này tham gia vào đề xuất của Lầu Năm Góc.

“Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được đề nghị nào của Mỹ nên Chính phủ Bulgaria chưa thể bàn về việc này”, ông Plevneliev nói.

Nga sẵn sàng đáp trả không khoan nhượng

Tướng Yuri Yakubov của Nga khẳng định: “Nếu vũ khí hạng nặng của Mỹ, bao gồm xe tăng, pháo và các loại vũ khí khác xuất hiện tại Đông Âu và Baltic, đây sẽ là hành vi khiêu khích mạnh nhất của Lầu Năm Góc và NATO kể từ thời Chiến tranh Lạnh”.

Tướng Yakubov cũng cho biết, hành động đáp trả của Nga sẽ bao gồm việc đẩy nhanh quá trình đưa tên lửa Iskander đến khu vực Kaliningrad, giáp biên giới Ba Lan và Litva cũng như tăng cường binh lực của Nga tại Belarus.

“Chúng tôi hoàn toàn rảnh tay để thực thi các bước đi cần thiết để tăng cường mặt trận phía Tây của mình”, ông Yakubov nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại