"Mỹ đang cố gắng kích động xung đột có giới hạn Trung - Nhật"

Nhà phân tích chính trị Nigeria cho rằng cuộc chiến tranh ủy nhiệm Trung - Nhật có thể giúp Mỹ hưởng lợi trong việc ngăn chặn Bắc Kinh củng cố sức mạnh biển toàn cầu, thách thức vai trò lãnh đạo của Washington.

Wanchitatimes dẫn lời ông Didymus nói rằng việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không thừa nhận vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc (ADIZ) đã khiến nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng Washington đang cố gắng kích động một "cuộc xung đột giới hạn" giữa Bắc Kinh và Tokyo. Các chuyên gia này cho đó như một phần nỗ lực của Mỹ nhằm làm tê liệt ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương.

Bình luận từ Tân Hoa Xã và Thời báo Hoàn cầu cho rằng các động thái của Hoa Kỳ nhằm tăng cường liên minh quân sự và thiết lập hiện diện quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này sẽ khiến Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài các biện pháp tự vệ chủ động, Didymus viết.

Cũng theo chuyên gia này, các biện pháp đó bao gồm việc thiết lập hệ thống cảnh báo sớm bằng cách tuyên bố ADIZ bao trùm lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, theo Didymus. Trích dẫn lời Doug Bandow - cựu trợ lý đặc biệt của cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Didymus nói rằng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến "chiến lược phòng thủ ngoài khơi", đặc biệt để đối chọi với chính sách "tái cân bằng" của Mỹ trong khu vực.

Didymus cho biết, một số nhà phân tích quân sự ở Washington ủng hộ "xung đột giới hạn" giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong khi lực lượng hải quân Trung Quốc vẫn còn tương đối yếu. Tuy nhiên, có những chuyên gia ở Trung Quốc như Ma Shikun thì tin rằng Hoa Kỳ không thể bắt đầu một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Một trong những lý do chính cho điều này, ông Ma Shikun nói, là dù Mỹ sử dụng Nhật Bản như biện pháp để kiềm chế Trung Quốc nhưng Mỹ vẫn muốn duy trì quyền kiểm soát với Nhật Bản. Đặc biệt Mỹ không muốn Nhật Bản gia tăng sức mạnh quân sự vào thời điểm thủ tướng Shinzo Abe đang có ý định bãi bỏ hiến pháp hòa bình sau chiến tranh. Mỹ cho rằng đó sẽ là một cú giáng mạnh vào sự hòa bình và ổn định mà Mỹ duy trì ở Thái Bình Dương kể từ Thế chiến II.

"Mỹ có lý do để thận trọng khi Nhật Bản muốn hướng tới một chính sách quân sự độc lập lần đầu tiên kể từ Thế chiến II", Didymus viết.

Như vậy, "các nhà hoạch định Mỹ sẽ phải cân nhắc lựa chọn giữa việc đối phó với một Trung Quốc với sức mạnh đang gia tăng hay Nhật Bản có khả năng quân sự”. Tuy nhiên, Didymus cho rằng Nhật Bản vẫn là ‘bức tường lửa’ của Mỹ trong việc ngăn chặn Trung Quốc trở thành một cường quốc biển toàn cầu.

"Cuối cùng, mục tiêu của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc trở thành cường quốc biển toàn cầu", Didymus nói.

"Sử dụng Nhật Bản để kiềm chế Trung Quốc leo thang trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc có khả năng là một cuộc xung đột khu vực nếu Mỹ không tham gia trực tiếp”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại