Quan chức Nhật lo Trung Quốc 'tẩy não dư luận thế giới'

Hồng Anh |

(Soha.vn) - Theo Reuters, Nhật Bản có nguy cơ thua Trung Quốc trong cuộc chiến PR toàn cầu. Những bình luận của các nhân vật cấp cao Bắc Kinh đang góp phần mô tả Tokyo như một kẻ phản diện ở châu Á.

Bắc Kinh đã tăng cường chiến dịch truyền bá nhằm tác động tới dư luận quốc tế chống lại Nhật Bản kể sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới đền Yasukuni. Chiến lược này đã giúp Trung Quốc đổi hướng tranh luận về việc các hoạt động quân sự đang ngày càng được mở rộng trên biển Đông, bao gồm tăng chi tiêu quân sự lên mức 2 con số, đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông mà Tokyo và Washington đều kịch liệt lên án.

Reuters dẫn lời Chủ tịch tập đoàn tư vấn truyền thông Nhật Bản FleishmanHillard Shin Tanaka nhận định: "Ngay lúc này, đây là một cuộc chiến tranh thực sự... Nhật Bản và Trung Quốc đang sử dụng những quả tên lửa "thông điệp" và thực tế là cả 2 nước đều phải chịu nhiều thiệt hại".

Trong tình hình đó, chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe đã "mang lại cho Trung Quốc cơ hội tấn công Nhật Bản và gửi đi thông điệp rằng Trung Quốc là người tốt, còn Nhật Bản là người xấu".

Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương Shorenstein (Đại học Stanford, Mỹ) Daniel Sneider cho rằng: "Điều cơ bản nhất mà họ (Trung Quốc) nói là khẳng định Nhật Bản đang đi trên con đường của chủ nghĩa quân phiệt những năm 1930. Điều đó thật vô nghĩa. Nhưng vấn đề là Trung Quốc có thể xoá nhoà đi sự vớ vẩn này bằng những gì mà ông Abe đã làm". Tờ Reuters cũng cho rằng, những nhận xét mới đây của Chủ tịch đài NHK (Nhật Bản) và các thành viên của ban giám đốc đài này về quá khứ của Nhật Bản trong thời chiến đã "mồi" thêm cho guồng máy PR của Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng chuyến thăm tới đền Yasukuni của ông Abe đã khiến Bắc Kinh dễ dàng hơn khi chỉ trích rằng kế hoạch củng cố quân đội của ông Abe có liên quan tới việc nới lỏng các quy định trong bản hiến pháp hoà bình của nước này. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masaru Sato, "đôi khi, họ (Trung Quốc) cố gắng gắn chuyến thăm đền Yasukuni và vấn đề chính sách an ninh. Đó là hoàn toàn không có liên quan gì tới nhau".

Một số quan chức và nhà ngoại giao Nhật Bản nói rằng họ không lo lắng, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng những lời bác bỏ của Nhật Bản cùng với những gì mà một nước Nhật Bản sau chiến tranh làm được sẽ chiến thắng trong cuộc chiến ngoại giao này. Uỷ viên Hội đồng Thư kí Nội các của Văn phòng Thủ tướng Tomohiko Taniguchi cho hay: "Chúng tôi đã cảm thấy khó chịu, nhưng rồi sau đó, chúng tôi thoải mái vì chúng tôi không có gì phải xấu hổ".

Dù vậy, một số quan chức Nhật Bản vẫn lo rằng cuộc tấn công trên mặt trận tuyên truyền của Trung Quốc đang có thể tác động tới dư luận, còn hầu hết những phản ứng của Nhật Bản là không đủ để chuyển hướng dư luận quốc tế. Chủ nhiệm uỷ ban Chính sách quốc phòng của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Akira Sato cho rằng: "Một lời nói dối được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến mọi người bị tẩy não và bắt đầu tin rằng nó đúng".

Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao châu Á tại Bắc Kinh cho hay: "Nhật Bản rất lo lắng rằng Trung Quốc đang thắng cuộc chiến tuyên truyền này... Các nhà ngoại giao của họ đã hỏi làm thế nào để họ có lợi và giành chiến thắng ở phương Tây".

Trong khi đó, khi được hỏi liệu Trung Quốc có chiến thắng Nhật Bản trong cuộc chiến nhằm tác động tới dư luận quốc, phát ngôn viên Bộ ngoại giao nước này Hoa Xuân Oánh cho rằng: "Hướng đi sai lầm của nhà lãnh đạo Nhật Bản đã phải chịu sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nạn nhân chiến tranh khác và cộng đồng quốc tế để bảo vệ công lý của lịch sử."

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại