Sự ảnh hưởng của Mỹ đối với chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) có thể cho phép Washington thực hiện đường lối cứng rắn nhằm chống lại Moscow, trong khi đó lại tránh được những chi phí tài chính phát sinh do hành động của mình, Sputnik dẫn bình luận của các chuyên gia.
Hôm qua (08/6), phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm chống lại Nga – với cáo buộc Moscow có liên quan đến xung đột ở Ukraine sẽ dẫn đến những tổn thất cho nền kinh tế châu Âu bởi các hậu quả do chúng gây ra.
Phát biểu với Sputnik, ông Patrick Basham, nhà phân tích thuộc Viện Cato, kiêm người sáng lập Viện Dân chủ ở Washington nhận định: “Mỹ đương nhiên sẽ tiếp tục tìm cách chi phối trạng thái đối kháng về mặt chính trị với EU”.
Ông Basham lưu ý rằng, Tổng thống Obama có thể tiếp tục đường lối cứng rắn nhằm chống lại Moscow mà không chịu sự phản đối trong nước do các hậu quả kinh tế thiếu lạc quan ở Mỹ.
Cũng theo nhà phân tích Viện Dân chủ này, EU muốn “trừng phạt” Moscow bằng các biện pháp phi kinh tế hơn, bởi việc gây áp lực cho Nga bằng biện pháp kinh tế sẽ làm tổn thương EU nhiều nhất.
Tuy nhiên, những biện pháp hạn chế kinh tế là phương thức thuận lợi nhất để Mỹ áp gây áp lực cho Moscow, bởi vì chi phí cho hành động như vậy sẽ do châu Âu chịu đựng, ông Basham nhận định.
Trong khi đó, Giáo sư danh dự ngành Xã hội học của trường Đại học Binghamton ở New York, ông James Petras cho biết, các doanh nghiệp thuộc nền kinh tế lớn nhất châu Âu - nước Đức sẽ rất không hài lòng với những tổn thất trong thị trường xuất khẩu của mình, do lệnh trừng phạt Nga gây ra.
Các thị trường xuất khẩu châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi một loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm chống lại Moscow, do quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga hồi tháng 3 năm ngoái.
Moscow ước tính tổng thiệt hại mà châu Âu phải gánh chịu trong năm 2015 do những biện pháp trừng phạt Nga có thể lên tới 55 triệu USD.