Nhà bình luận nghệ thuật nổi tiếng người Anh Jonathan Jones phát biểu trên tờ The Guardian hôm thứ 5 vừa rồi, bàn về nguyên nhân người phương Tây “mê đắm” với triều Minh, đồng thời cũng chỉ ra quan điểm phiến diện đối với nghệ thuật Trung Quốc đằng sau sự hâm mộ đó.
Ông Jones cho hay, từ lâu phương Tây đã có hứng thú đặc biệt đối với Minh triều của Trung Quốc. Theo ông, bản thân chữ “Minh” đã khiến người ta liên tưởng tới sự yếu đuối, mỏng manh nhưng lại vô cùng quý giá.
Jonathan đề cập tới chuyện trước kia những người lớn tuổi trong gia đình ông từng sử dụng “bình cổ đời Minh” làm vật trang trí. Và cho tới ngày nay thì sự say mê của phương Tây đối với triều đại này vẫn không hề suy giảm.
Bình sứ hình rồng thời Tuyên Đức triều Minh. Ảnh: British Museum.
Mùa thu năm nay, Anh Quốc có 2 cuộc triển lãm “nặng ký” về chủ đề Minh triều, đó là “Minh triều: Đế quốc hoàng kim” hiện đang được diễn ra ở Bảo tàng quốc gia Scotland tại thành phố Edinburgh. Còn trong tuần này sẽ là triển lãm chủ đề “Minh:50 năm Hoàng triều thịnh thế”, được tổ chức tại Bảo tàng quốc gia Anh Quốc (British Museum) ở London.
Đặc biệt, Bảo tàng quốc gia Anh Quốc còn đưa một chiếc bình cổ triều Minh đi “tuần du” qua các viện bảo tàng tại nước này, nhằm phục vụ những người không có điều kiện tới London hay Edinburgh.
Ông Jonathan đặt ra câu hỏi: “Vì sao trong cả quá trình lịch sử nghìn năm rực rỡ của Trung Quốc, phương Tây lại mê đắm với triều Minh đến như vậy? Và liệu sự say mê đối với Minh triều có khiến cho bọn họ bỏ lỡ mất sự độc đáo, trí tuệ và vĩ đại của các nghệ thuật Trung Hoa khác?
Có thực là thời đại Hoàng kim?
Một chiếc đĩa sứ thời Thành Hóa - Chính Đức, triều Minh. Ảnh: Flickr.
Trong 1 bài phân tích của mình, Jones tiết lộ “Minh” đã trở thành một dạng hàng hiệu được cả phương Tây công nhận, và thậm chí được hiểu như cách ám chỉ về thời đại hoàng kim trong nền văn minh Trung Hoa.
Ông Jones chỉ ra, các viện bảo tàng đều nhận thức được rằng muốn quảng cáo lịch sử thì cần phải lựa chọn một thời đại có cái tên “gợi cảm”. Do đó ông cho rằng những cuộc triển lãm chủ đề Đường hay Tống thường sẽ không “đắt hàng” như triển lãm về triều Minh, bất chấp tính sáng tạo nghệ thuật ở 2 triều đại này vượt xa đời Minh.
Jonathan nêu ra nhận định cá nhân của ông: “Minh triều không phải là thời đại hoàng kim của nền văn minh Trung Hoa”. Ông Jones đánh giá triều đại này là một bước lùi của Trung Quốc khi quốc gia này bị thống trị bởi các vị quân chủ yếu đuối và bạo ngược, đồng thời triều Minh cũng bị kẹp giữa thời kỳ thống trị của 2 quốc gia ngoại bang (chỉ Nguyên triều và Thanh triều).
Minh triều chính là mở đầu thời kỳ Trung Quốc cổ đại rơi vào tình trạng yếu ớt và lạc hậu, Jonathan Jones đánh giá.
Nhà bình luận nghệ thuật này cũng nêu ra, thời đại hoàng kim thực sự của Trung Quốc đã tới trước triều Minh rất lâu, và thậm chí thời kỳ này còn cổ xưa hơn cả những nền văn minh như Hy Lạp, La Mã.
Khổng Tử và Khổng giáo được học giả Jonathan Jones đánh giá là biểu trưng cho thời đại hoàng kim thực sự của nền văn minh Trung Hoa. Ảnh: Flickr.
Jones nói, học thuyết của Khổng Tử xuất hiện thời Xuân Thu; vương triều Tần, Hán cùng thời với đế quốc La Mã cũng như thời đại phồn thịnh của văn hóa Trung Hoa dưới 2 triều Đường, Tống.
“Trong khi La Mã sụp đổ, Châu Âu rơi vào thời kỳ Trung cổ nghèo đói và man di, thì Trung Quốc càng lúc càng trở nên văn minh”.
Nền văn hóa Đường triều và Tống triều vô cùng rực rỡ, tuy nhiên phương Tây đã hoàn toàn không nhận thấy điều đó.
Sức hút của “bình hoa đời Minh”
Lý giải nguyên nhân triều Minh trở thành trào lưu “nóng” tại phương Tây, ông Jones viết trong bài phân tích của mình, rằng Minh triều chính là thời gian mà Trung Quốc và Âu Châu tìm thấy nhau.
Năm 1498, nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Vasco de Gama phát hiện ra tuyến đường biển từ Châu Âu tới Ấn Độ qua mũi Hảo Vọng. Tới năm 1577, người Bồ đã đặt chân tới Macau, và ngay sau đó Công ty Đông Ấn của Hà Lan cũng tới Viễn Đông.
Năm 1604, người Hà Lan bắt 2 thuyền buôn Bồ Đào Nha chở 200.000 món đồ sứ Trung Quốc. Sau đó, số đồ sứ này đã được bán tại Châu Âu.
Chiếc bình sứ Thanh Hoa nổi tiếng thời Minh hiện đang "du hành" qua các viện bảo tàng Anh Quốc. Ảnh: British Museum.
Kể từ thời điểm trên, công ty Đông Ấn Hà Lan bắt đầu nhập khẩu lượng lớn đồ sứ Trung Quốc. Ông Jonathan cho biết điều này có thể kiểm chứng trong các tác phẩm hội họa Hà Lan thế kỷ 17, thời kỳ mà đồ sứ Trung Quốc trở thành những vật dụng hàng ngày của người Hà Lan.
Sự tôn sùng của phương Tây đối với bình hoa triều Minh cũng được bắt đầu vào thời kỳ này, và duy trì liên tục đến ngày nay.
Đằng sau sự tôn sùng là khinh thường
Jonathan Jones tiết lộ, đằng sau sự tôn sùng của phương Tây đối với đồ sứ triều Minh còn ẩn giấu một lời nói dối ngạo mạn.
Ông phân tích, quan điểm phương Tây cho rằng nghệ thuật của họ đại diện cho một thế giới quan khoa học và vĩ đại. Những người phương Tây có khuynh hướng nhận định rằng, hội họa Tây phương là sự kết tinh của tư tưởng, trong khi sứ Trung Quốc chỉ là đồ vật trang trí.
Tuy nhiên, ông Jonathan khẳng định, nghệ thuật Trung Hoa cổ đại hoàn toàn không chỉ mang tính trang trí. Điển hình, các họa gia đời Tống vận dụng phong cách chủ nghĩa tự nhiên vô cùng tinh tế để mô tả đại tự nhiên.
Phương Tây tôn sùng sứ Trung Hoa, tuy nhiên chỉ dưới vai trò "vật trang trí". Ảnh: Kevin Best.
Khi Châu Âu rơi vào thời kỳ Trung cổ tăm tối thì các nhà nghệ thuật Trung Quốc không chỉ biết mô phỏng sơn thủy một cách tinh tế, mà còn bắt đầu nhìn nhận nghệ thuật như một phương thức biểu đạt tư tưởng và tu thân dưỡng tính. Ông Jones cho biết các học giả Trung Quốc, thậm chí cả Hoàng đế cũng hội họa trên tơ lụa và bày tỏ tình cảm thông qua ngòi bút.
Jonathan kết luận chỉ ra, rất nhiều tư tưởng chủ chốt trong nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng và thậm chí là nghệ thuật đương đại như chủ nghĩa tự nhiên, công nhận địa vị tôn quý của nghệ thuật gia, nghệ thuật là phương thức biểu đạt cá nhân… thực chất đã được Trung Quốc phát minh từ cổ xưa.
“Đó là một thực tế có thể buộc lịch sự nghệ thuật phải viết lại. Tuy vậy, bất chấp người phương Tây có dùng bao nhiêu bình cổ triều Minh để trang trí lò sưởi của họ, thì người ta vẫn không thể nhìn ra sự thực này”.