Vụ hành quyết giáo sĩ dòng Shiite của Saudi Arabia và hành động tấn công đại sứ quán của Riyadh tại Iran theo sau đó đã một lần nữa thổi bùng lên căng thẳng giữa người Sunni và người Shiite, khiến các quốc gia Arab nhỏ bé cũng không khỏi lo lắng.
Lãnh đạo các nước từ Lebanon đến Yemen đều "đứng ngồi không yên" vì những mưu đồ toan tính của Iran đối với các nước Arab.
Tuy nhiên, theo nhà báo Barak Barfi của The National Interest, điều khiến họ e ngại nhiều nhất chính là sự can thiệp của Tehran vào Syria.
Gần đây, Tehran đã điều động nhiều chỉ huy quân đội cấp cao, thúc ép Hezbollah đưa binh lính tới, cung cấp những sản phẩm dầu lửa cần thiết và tăng cường cho vay tiền để giúp đỡ đồng minh của mình. Không có sự giúp đỡ của Iran, chính phủ Syria có thể đã sụp đổ.
Một số người tin rằng việc Tehran đứng ra hỗ trợ Syria là vì nguồn gốc tôn giáo chung. Lãnh đạo cả hai nước đều công nhận mối liên hệ với dòng Shiite không chính thống, những người chỉ là thiểu số trong một thế giới Hồi giáo phần đông là tín đồ dòng Sunni.
Quân đội Iran tại Syria. Ảnh: Heritage Foundation
Nhưng chiến lược của Iran tại Syria bắt nguồn phần nhiều vì các yếu tố địa chính trị thay vì nguồn gốc tôn giáo như nhiều người vẫn nghĩ, cây bút Barak Barfi nhận định trên The National Interest.
Nằm giữa các quốc gia có chung thái độ thù địch với phương Tây, Iran cần tất cả những đồng minh nước này tìm được để giữ vững những mục tiêu khu vực.
Lịch sử tôn giáo không hòa hợp
Tín đồ Hồi giáo dòng Shiite ở Iran, còn được gọi là người theo nhánh Twelve, có nhiều điểm khác biệt với những tín đồ nhánh Alawite dòng Shiite hiện đang cai trị Syria.
Người sáng lập ra nhánh Alawite vào thế kỉ 19 là một môn đồ của Lãnh đạo tôn giáo thứ 11 của người Twelve. Ông đã truyền bá một học thuyết trái với học thuyết Twelve, và bị khai trừ khỏi đạo bởi các học giả của dòng này.
Sau đó, các giáo sư thần học của nhánh Alawite còn tiến hành bãi bỏ nhiều quy định của đạo Hồi như nhịn đói vào tháng Ramadan, hay ủng hộ những quan niệm ngoài đạo Hồi về kiếp luân hồi.
Họ thậm chí còn tôn thờ anh họ của Muhammad là Ali, tuyên bố rằng ông mới là truyền nhân thực sự của những thông điệp tiên tri và cũng ăn mừng lễ hội theo Cơ đốc giáo và các tà giáo khác.
Những bài giảng đạo trên khiến các học giả Twelve thời trung cổ không vừa lòng.
Học giả dị giáo thế kỉ 10, Abu Muhammad al-Hassan ibn Musa al-Nawbakhti cáo buộc người sáng lập nhánh Alawite là truyền bá những thông điệp phản Hồi giáo về kiếp luân hồi và cho phép quan hệ đồng giới.
Người Alawite bị cáo buộc là dị giáo và từng bị nguyền rủa do ủng hộ những điều bị cấm đoán.
Chính những việc này lại hợp ý tín đồ nhánh Alawite. Họ tin rằng họ là những chủ nhân thực sự của các thông điệp Hồi giáo chính thống, và cũng không yêu thương gì những tín đồ đạo Hồi từ chối tin theo họ.
Người Twelve coi họ như kẻ thù, và năm 1834 còn điều động quân đội cho Ottoman đàn áp cuộc nổi dậy của nhánh Alawite.
Có những lúc người Alawite thậm chí còn không nhận mình là người Hồi giáo. Tín đồ nhánh Alawite đã nói với khách du lịch Châu Âu tới Syria vào thế kỉ 18 rằng họ là tín đồ đạo Cơ đốc.
Sống cô lập trong núi, họ ít khi giao tiếp với các tín đồ đạo Hồi khác. Nhưng ngày nay, những bức tường đó đã bị phá bỏ.
Để ngăn việc những người truyền giáo coi họ là những con chiên Cơ đốc lạc lối, Ottoman khẳng định rằng họ là người Hồi giáo và tiến hành xây dựng nhiều nhà thờ Hồi giáo.
Nhưng người Alawite không chấp nhận những nỗ lực hợp nhất vào cộng đồng Hồi giáo trên.
Khi người Pháp cai trị Syria, họ cũng từng cố gắng sáp nhập người dân nơi đây vào cộng đồng Hồi giáo, nhưng người Alawite cũng từ chối.
Năm 1948, nhiều sinh viên Alawite đã đến trung tâm của người Twelve ở Najaf, Iraq để học về các học thuyết của họ. Tuy vậy, hầu hết vội trở về sau khi bị trêu chọc và khinh miệt.
Quan hệ hợp tác đầy cảnh giác
Những năm 1960, các viên chức người Alawite ngồi vào vị trí lãnh đạo Syria. Nhưng họ không hề xây dựng mối quan hệ hòa hảo với Iran. Thay vào đó, trận chiến giữa Iran và Iraq lại mang đến một bước ngoặt mới.
Hafez al-Assad, cha của Tổng thống Bashar-al Assad được cho là người mở đầu cho giai đoạn người Alawite cầm quyền tại Syria. Ảnh: Getty
Tehran, sợ hãi Liên Xô đồng thời lại bị phương Tây khước từ, trở thành "con ghẻ" của cả thế giới và tìm kiếm đồng minh trong tuyệt vọng.
Tổng thống Syria lúc đó căm ghét Tổng thống Iraq và xem trận chiến này như một cơ hội để làm ông ta suy yếu.
Năm 1982, Iran đã đứng ra giúp đỡ nền kinh tế Syria lúc bấy giờ bằng cách cung cấp dầu miễn phí. Nhưng căng thẳng tôn giáo giữa người Alawi và Twelve vẫn không hề giảm nhiệt.
Một kênh ngoại giao của người Mỹ năm 1985 còn ghi nhận rằng các học giả Twelve "xem người Alawi là bè lũ dị giáo và ti tiện". Nhận ra khoảng cách giữa họ, người Twelve cố gắng cải đạo những người Alawi, hậu quả là 6 nhà thuyết giáo bị bắt năm 1996.
Nhưng thậm chí cả những kẻ thù chung cũng không lập đầy vực thẳm chia rẽ họ. Cứ khi Iran bắt đầu hành động ở Trung Đông, Syria lại thoái lui.
Trong những năm 1986-1987, sau khi thành công của Iran trong cuộc chiến với Iraq gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với Saudi Arabia, Syria lại tiếp tục mong muốn kìm hãm Tehran.
Năm 1987, quân đội Syria va chạm với Hezbollah vì tổ chức này đe dọa đến trạng thái cân bằng mong manh giữa hàng nghìn phe phái ở Lebanon.
Syria chưa từng đồng tình với chiến lược bắt cóc người phương Tây của Iran và Hezbollah ở Lebanon. Đồng thời, Damascus cũng từng đứng ra vạch trần đường dây buôn bán vũ khí của Mỹ đến Tehran.
Khi Iran tranh chiếm các đảo thuộc quyền kiểm soát của các nước tiểu vương quốc Arab thống nhất vào năm 1995, Syria đã đứng sau chống lưng cho đất nước nhỏ bé này.
Đồng thời, Syria cũng không ủng hộ mưu đồ "xuất khẩu" cuộc cách mạng của Iran sang những cộng đồng Hồi giáo Shiite khác.
Trong thập kỉ vừa qua, Damascus đã liên minh với các nước Arab dòng Sunni, cùng lên án chỉ trích mối liên kết giữa Tehran và các nhóm dòng Shiite khác tại Saudi và Yemen.
Hợp tác kinh tế giữa hai nước chưa từng phát triển. Năm 2007, thương mại giữa Iran và Syria chỉ bằng khoảng 1/3 lượng trao đổi hàng hóa của Washington với Damacus.
Hai nước hợp tác nhiều nhất trong lĩnh vực du lịch. Người Iran chiếm khoảng 20% lượng khách du lịch đến Syria. Phần lớn trong số đó là người hành hương, những người đến thăm các lăng mộ dòng Shiite, nơi chẳng hề có ý nghĩa gì đối với người Alawite.
Liên minh dựa trên cơ sở kẻ thù chung
Theo The National Interest, Iran và Syria xây dựng một liên minh phòng thủ dựa trên nỗi lo sợ về những kẻ thù chung. Luôn e sợ mưu đồ của Mỹ và Israel tại Trung Đông, hai nước có rất ít mối quan tâm chung ngoài tư tưởng chống lại phương Tây.
Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và Anninh quốc gia Iran Alaeddin Boroujerdi và Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: EPA
Tuy nhiên, thậm chí ngay cả nguyên nhân này cũng không đủ thuyết phục Syria hợp tác hoàn toàn với Iran. Damascus luôn giữ Tehran ở một khoảng cách ổn định, vừa đủ để không đẩy Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác ra quá xa.
Hiện nay, Iran đang lo lắng rằng việc nhà nước Alawite sụp đổ sẽ dẫn tới một chính phủ do tín đồ dòng Sunni lãnh đạo, những người sẽ lập tức liên minh với kẻ thù Saudi Arabia, dẫn tới cô lập Iran trong khu vực.
Ngoài ra, Iran còn lo ngại về tầm ảnh hưởng lan rộng của hệ tư tưởng Wahhabi do Riyadh truyền bá. Học thuyết phản Shiite mà tổ chức IS ở Iraq và Syria đang bảo trợ cũng bắt nguồn từ các trường tôn giáo tại Saudi.
Một mối lo khác nữa chính là những tín đồ dòng Sunni ở Syria sẽ ngăn Tehran cung cấp vũ khí cho Hezbollah. Có thể thấy rằng, việc nhà nước Alawite sụp đổ sẽ xóa tan gần 40 năm nỗ lực trong khu vực của Iran.
Dù không "cố sống cố chết" phải giữ ghế cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Tehran cũng không thể đứng nhìn người Alawi từ bỏ quyền lực. Vì lí do này, Iran sẽ cố gắng duy trì trạng thái hiện nay, từ chối mọi hành động nhượng bộ trong các cuộc đàm phán.
Chính phủ người Sunni mà Saudi mong muốn thiết lập tại Damascus là ác mộng đối với Tehran và phải bị ngăn chặn bằng mọi giá.
Chính mối lo ngại về người Sunni đã mang Iran và Syria đến gần nhau hơn. Liên minh phòng thủ của họ được xây dựng dựa trên lợi ích chung. Nhắc lại nguồn gốc dòng Shiite chung của hai nước chỉ làm mối quan hệ bị tổn hại, nhà báo Barak Barfi nhận định.
Bỏ qua thực tế này và tin tưởng vào vai trò quyết định của Iran trong giải quyết xung đột Syria chỉ càng gia tăng thêm sức mạnh của IS và kéo dài một cuộc chiến đang lan rộng tới Châu Âu và xa hơn.