Lý do đằng sau mối quan tâm đặc biệt Trung Quốc dành cho Ukraine

Thùy Trang |

Sở hữu lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển với EU cũng như nguồn nông sản phong phú, Ukraine đã lọt vào mặt xanh của Trung Quốc.

Trung Quốc dành ưu tiên cả cho những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tầm nhìn chiến lược này thể hiện trong đề xướng mang tên “Một vành đai, Một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2013, thường được báo chí gọi là "Con đường Tơ lụa".

Với tư cách là một cường quốc thế giới, tăng cường hiện diện tại nhiều quốc gia cũng là công cụ để Trung Quốc ngầm lan tỏa tầm ảnh hưởng, chuyên gia Olena Mykal viết trên The Diplomat.

Trong số đó, Ukraine là một trong những nước mà Trung Quốc đặc biệt để mắt tới. Đất nước này sở hữu rất nhiều lợi thế, gồm vị trí địa lý, tiềm năng phát triển sau Hiệp định thương mại tự do sâu rộng và toàn diện với EU cũng như ngành nông nghiệp.

Lợi thế địa lý: Trạm trung chuyển tiềm năng

Đầu tiên, chỉ liếc qua bản đồ cũng nhận ra rằng Ukraine nằm ở vị trí chiến lược trên tuyến đường từ Trung Quốc đến EU. Chính điều này đã khiến lãnh thổ Ukraine trở thành ứng viên lý tưởng để trở thành trung tâm trung chuyển chính.

Cơ sở hạ tầng của Ukraine không phát triển như Hà Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, thiếu hụt này có thể dễ dàng được cải thiện trong trung hạn.

Trong chuyến thăm của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych đến Trung Quốc vào tháng 12/2013, một loạt các hiệp định đã được ký kết, trong đó có điều khoản về việc xây dựng một cảng biển nước sâu mới tại Crimea.

Crimea đã được lên kế hoạch để trở thành một trạm trung chuyển lớn. Tuy nhiên, sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga đã phá hỏng kế hoạch trên.


Cựu Tổng thống Viktor Yanukovych và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2013. Ảnh: Reuters

Cựu Tổng thống Viktor Yanukovych và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2013. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, dự định này có khả năng được tái thực thi tại phía nam Ukraine, cụ thể là tại vùng Odessa và Mykolaiv, cửa ngõ vào Biến Đen.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của EU sau Mỹ, chiếm tới 14% tổng số giao dịch thương mại ngoài EU vào năm 2014. Số lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sang EU cũng tăng mạnh trong thập kỉ vừa qua, cùng lúc đó, lượng xuất khẩu cũng tăng hơn 3 lần.

Xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp diễn, bởi cả EU và Trung Quốc đều mong muốn thắt chặt quan hệ hợp tác thương mại giữa hai bên.

Trong bối cảnh trên, chỉ cần một lượng hàng hóa nhỏ đi qua lãnh thổ Ukraine, đất nước này hoàn toàn có thể dùng chúng làm đòn bẩy nhờ vị trí địa lý đặc biệt của mình, và trở thành mắt xích trung chuyển hàng hóa quan trọng mới trong Con đường Tơ lụa.

Khu vực thương mại tự do với EU

Thứ hai, đầu năm nay, Ukraine và EU đã cùng nhau ký kết Hiệp định thương mại tự do sâu rộng và toàn diện (DCFTA). EU chính là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine.

Tới tháng 9/2015, khối lượng giao dịch giữa Ukraine và EU lên tới 20.4 tỉ. Con số này có tiềm năng tăng cao hơn nữa nhờ Hiệp định DCFTA.

Đối với Trung Quốc, hai yếu tố đặc biệt quan trọng chính là sự gần gũi về mặt địa lý với EU và tiềm năng đầu tư. Ukraine hiện nay đang định hướng các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của mình hướng tới châu Âu.

Sau khi cải cách, Ukraine sẽ cải thiện về mặt trách nhiệm cũng như luật pháp. Chơi đúng luật, Ukraine hoàn toàn có khả năng thu hút doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào sản xuất hàng hóa nhằm xuất khẩu sau EU.

Theo Chủ tịch Hiệp hội thương mại Trung Quốc, Ruslan Osypenko, "mức hợp tác hiện nay giữa Trung Quốc và Ukraine dựa trên nền tảng Tuyên bố về Hợp tác chiến lược được hai nước ký kết năm 2011.

Trung Quốc đã gặt hái nhiều lợi ích nhờ những cải cách của chính phủ Ukraine. Đó là lý do, thay vì dời bỏ, các doanh nghiệp Trung Quốc lại đoàn kết và thành lập một Hiệp hội thương mại để làm cầu nối giữa hai quốc gia".

Tuyến đường vòng qua Nga

Nguyên nhân thứ ba đằng sau sự quan tâm đặc biệt Trung Quốc dành cho Ukraine là tiềm năng chiến lược về việc xây dựng đất nước này trở thành trung tâm trung chuyển dòng hàng hóa châu Âu - Trung Quốc.

Cuối tháng 1/2016, Trung Quốc đã chính thức đứng ra ủng hộ đoàn tàu chở hàng từ Ukraine sang Kazakhstan và Trung Quốc, vòng qua Nga.


Trung Quốc muốn biến Ukraine thành trung tâm trung chuyển dòng hàng hóa châu Âu-Trung Quốc mà không cần qua Nga. Ảnh: Ecwlogistics

Trung Quốc muốn biến Ukraine thành trung tâm trung chuyển dòng hàng hóa châu Âu-Trung Quốc mà không cần qua Nga. Ảnh: Ecwlogistics

Từ 8/3, đoàn tàu này đã bắt đầu hoạt động. Để đảm bảo tính cạnh tranh với những tuyến đường khác, đặc biệt là những đoàn đi qua Nga, tất cả các nước tham gia đã kí một nghị định thư về ưu đãi thuế quan.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng của Ukraine là Andriy Pyvovarsky cho biết, đoàn tàu sẽ sẽ đi qua lãnh thổ Trung Quốc với mức thuế đồng tỉ lệ.

Liu Jun, một quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine phát biểu: "Trung Quốc ủng hộ tuyến đường này.

Các nhà cung cấp của Trung Quốc và các quốc gia khác sẽ sử dụng tuyến đường nếu có đủ cầu cũng như lợi ích về mặt kinh tế. Nếu chi phí và thời gian vận chuyển có tính cạnh tranh, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phản ứng tích cực.

Theo thông tin từ Bộ Cơ sở hạ tầng của Ukraine, các doanh nghiệp châu Âu cũng thể hiện sự quan tâm đối với tuyến đường châu Âu - Trung Quốc qua Ukraine.

Tuyến đường sắt này có tiềm năng thành công rất lớn do khả năng vận chuyển nhanh, đồng thời được hưởng mức thuế ưu đãi, thống nhất trong các nước tham gia, và đến giờ đã thu hút được sự chú ý của nhiều doanh nghiệp và nhà cung cấp tại cả châu Âu và châu Á.

Nguồn cung cấp nông sản

Sức hút thứ tư Trung Quốc cảm nhận được từ phía Ukraine chính là mảng nông sản.

Năm 2015, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất của Ukraine. Theo số liệu của đại sứ Ukraine tại Trung Quốc, sản lượng ngũ cốc Trung Quốc nhập từ nước này đã tăng 6,6 lần trong 9 tháng đầu năm.

Từng nhiều năm phụ thuộc vào nông sản Mỹ, giờ Trung Quốc đang giảm dần sự phụ thuộc đó nhờ Ukraine.

Ukraine hiện nay cũng là nước châu Âu duy nhất có sự hiện diện của Noble Agri, trực thuộc tập đoàn lương thực quốc doanh lớn nhất Trung Quốc COFCO.

Noble Agri không chỉ đảm bảo lượng nông sản cần thiết cho Trung Quốc, mà còn cạnh tranh trên thị trường thế giới với nhiều công ty lớn của Mỹ.

Có thể nói, mối quan tâm Trung Quốc dành cho Ukraine là một mối quan tâm mang tính chiến lược, dựa trên nền tảng quan điểm bấy lâu coi Ukraine là mắt xích chủ chốt tới châu Âu.

Đồng thời, khi Trung Quốc theo đuổi chiến lược vĩ đại tại Trung Á, Ukraine, theo bà Mykal, có thể đứng giữa và trở thành ngư ông đắc lợi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại