Không cần NATO, Phần Lan vẫn thừa khôn ngoan khiến Nga kiêng nể

Đức Huy |

Trong nhiều năm qua, Phần Lan vừa đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Nga, vừa kiểm soát được mối đe dọa quân sự từ người hàng xóm hùng mạnh phía đông.

Tháng 10 năm ngoái, khi Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini họp mặt với người đồng cấp Sergei Lavrov bên phía Nga, ông Lavrov đã biết trước mình sẽ phải nói gì. Bởi trước đó, điện Kremlin đã nhận được tin chính phủ Helsinki đang soạn thảo một báo cáo phân tích lợi hại của việc gia nhập NATO.

Kể từ sau Thế chiến II, Phần Lan luôn áp dụng chính sách trung lập, "đu dây" giữa Nga và phương Tây. Trong cuộc đối thoại với ông Soini, Ngoại trưởng Lavrov đi thẳng vào vấn đề, và cảnh báo Helsinki về nguy cơ tất cả những gì 60 năm chính sách đối ngoại của Phần Lan đã đạt được sẽ "đổ sông đổ bể".

Ngay lập tức, Ngoại trưởng Phần Lan đã trấn an ông Lavrov rằng việc gia nhập NATO mới chỉ dừng lại ở mức đề xuất, và sẽ được quốc hội mổ xẻ kĩ lưỡng vào đầu năm 2016.

Xong vấn đề NATO, Ngoại trưởng hai nước tiến đến thảo luận hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, từ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cho đến kiểm soát dòng người nhập cư tại khu vực biên giới hai nước.


Hai Ngoại trưởng Lavrov-Soini. Ảnh: Reuters

Hai Ngoại trưởng Lavrov-Soini. Ảnh: Reuters

Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) nhận định, có thể nhìn vào cuộc họp giữa Ngoại trưởng Nga-Phần Lan để thấy những nghịch lý trong quan hệ hai nước.

Trong 25 năm qua, Nga đã trở thành bạn hàng số một của Phần Lan, với kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ sữa và các loại máy móc trị giá hàng tỉ USD. Mỗi năm, hàng trăm nghìn người Nga tới Phần Lan du lịch và mua sắm.

Nhưng nếu vị trí địa lý đưa Moscow và Helsinki xích lại gần nhau trong hợp tác kinh tế, thì chính yếu tố này cũng khiến Nga trở thành mối hiểm họa an ninh hàng đầu của Phần Lan. Và theo Foreign Policy, thì mối hiểm họa ấy đang hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết vào thời điểm này.

Vẫn "bình chân như vại"?

Sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014, và bạo động miền đông Ukraine bùng phát, những người láng giềng phía nam của Phần Lan - tức các nước Baltic, đã liên tục cảnh báo về nguy cơ họ sẽ trở thành "nạn nhân" kế tiếp của Nga.

Thụy Điển, hàng xóm Scandinavia và cũng là đồng minh quân sự thân cận nhất của Phần Lan, cũng đã lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh phải tái quân sự hóa đảo Gotland trên biển Baltic. Rồi đến Na-uy, Ba Lan cũng phải cầu cứu sự bảo trợ của các đồng minh NATO.

Trong khi đó, Phần Lan vẫn "bình chân như vại", vẫn thu về lợi nhuận từ hợp tác kinh tế với Nga mà không hề có động thái "gồng mình" nào rõ ràng trong hàng ngũ quân đội. Tại sao Helsinki làm được như vậy? Họ có bí quyết gì trong chính sách đối ngoại với Moscow?

Trả lời phỏng vấn Foreign Policy, các quan chức cấp cao chính phủ Phần Lan nói rằng, cách tốt nhất để các nước nhỏ giáp Nga có thể đối phó với những hành vi khiêu khích từ con gấu hàng xóm là tìm cách "thể hiện thái độ phản đối nhưng tránh gây hấn".

Helsinki đã từng nhiều lần đối mặt với chỉ trích từ phương Tây, rằng áp dụng chính sách như vậy chẳng khác nào nhân nhượng để Nga lấn tới. Song giới cầm quyền Phần Lan khẳng định, "thời thế thế thời phải thế".

"Là một nước nhỏ, chúng tôi hiểu rằng khi các nước lớn đấu đá nhau, tốt hơn hết là ngồi ngoài quan sát thay vì nhảy vào sàn đấu. Ai nghĩ gì về Nga thì tùy, chúng tôi có cách nhìn riêng và Nga, và điều quan trọng nhất là giữ quan hệ tốt đẹp. Đó mới là chính sách hợp lý" - Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini phân tích.

Theo ông Soini, củng cố quan hệ ngoại giao với Nga là một trong những trọng trách của ông trên cương vị Ngoại trưởng. Ông có nói rằng, nhiệm vụ này đòi hỏi ông vừa phải đề cao hợp tác kinh tế với Nga, vừa phải để tâm không xem thường sức mạnh quân sự của quốc gia này.

"Kinh tế Nga giờ quá tồi, giá dầu quá thấp, và có những điểm nhất định mà quân đội Nga vẫn còn hạn chế. Nhưng một khi Nga đã đi đến quyết định, họ sẽ thực hiện. Không một thế lực phương Tây nào có thể bì được Nga về quyết tâm nói là làm, và đó là điều ai cũng cần ghi nhớ" - ông Soini phát biểu.

"Một khi Nga đã đi đến quyết định, họ sẽ thực hiện. Không một thế lực phương Tây nào có thể bì được Nga về quyết tâm đã nói là làm, và đó là điều ai cũng cần ghi nhớ về Nga."

Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng giành lời khen chính sách an ninh của Phần Lan, khi nói rằng nước này "là một mô hình tối ưu để các nước trung lập học tập trong việc gìn giữ và củng cố các mối quan hệ ngoại giao".


Ông Putin từng khen khéo chính sách an ninh của Phần Lan. Ảnh: AP

Ông Putin từng "khen khéo" chính sách an ninh của Phần Lan. Ảnh: AP

Nhưng tại Helsinki, giới chức nước này thừa hiểu rằng ẩn trong lời khen đó, là một lời cảnh báo rằng Phần Lan không nên gia nhập NATO. Còn đối với các nước Baltic, họ luôn đánh đồng thái độ trung lập của Phần Lan với sự bạc nhược trước Nga.

Đáp lại, các quan chức Helsinki khẳng định, trung lập không có nghĩa là chủ quan.

Phần Lan đã và đang cải thiện năng lực quốc phòng của mình, với việc nhập tên lửa hành trình từ Mỹ và tàu gỡ mìn ven biển của Italia, cùng với đó là giữ vững quân số theo nghĩa vụ quân sự ở mức 230.000 binh sĩ, nhằm chống lại một cuộc xâm lược tổng lực trên bộ.

Bên cạnh đó, Phần Lan cũng xây dựng quan hệ tốt với NATO dù chưa phải thành viên, hợp tác cùng liên minh này tại Afghanistan, và thường xuyên tham gia tập trận chung tại khu vực Baltic.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Jussi Niinisto đã xúc tiến thành công việc tăng cường ngân sách quốc phòng, với lý do máy bay Nga liên tục vi phạm không phận Phần Lan.

"Mục đích của chúng tôi là xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh đến mức không một kẻ địch nào muốn tấn công. Hiện nay, Phần Lan không cảm thấy mối đe dọa từ Nga, nhưng đương nhiên chúng tôi quan ngại trước các diễn biến mới đây, và đang tăng cường phòng bị" - ông Niinisto phát biểu.


Phần Lan cáo buộc Nga đã nhiều lần vi phạm không phận nước này trong năm 2015. Ảnh: DefenceTalk.net

Phần Lan cáo buộc Nga đã nhiều lần vi phạm không phận nước này trong năm 2015. Ảnh: DefenceTalk.net

Người tiền nhiệm của ông, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Carl Haglund, trước đây từng cảnh báo quốc hội Phần Lan về việc Nga đang xúc tiến đầu tư vào các khu đất gần doanh trại quân đội phía đông Phần Lan, rằng đây hoàn toàn có thể được sử dụng làm bàn đạp để Moscow phát độgn tấn công.

Đến thời ông Niinisto, chính phủ Phần Lan đang xem xét khả năng đề ra một bộ luật quốc hữu hóa các khu đất gần doanh trại quân đội để tránh rủi ro.

Vẫn hợp tác khi có thể

Hiện nay, giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt kinh tế đang khiến kinh tế Nga kiệt quệ, và Phần Lan, một đối tác hàng đầu, cũng phải chịu không ít ảnh hưởng tiêu cực.

"Chúng tôi đang tìm cách thích ứng với quỹ đạo xuống dốc của kinh tế Nga. Với giá dầu hiện nay và sự lạc hậu trong nền kinh tế Nga, việc thích ứng sẽ cần nhiều thời gian" - Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Alexander Stubb nhận định.

Với ông Stubb cũng như các ông Soini và Niinisto ở trên, thách thức hiện nay là cố gắng cứu vớt được những gì "còn dùng được" trong giao thương với Nga, đồng thời tỏ rõ thái độ của mình trước các hành vi của Moscow tại Ukraine.

Helsinki công khai ủng hộ trừng phạt Nga. Nhưng khác với các nước châu Âu khác vẫn coi mục đích của lệnh trừng phạt này đúng theo tên gọi của nó, thì Phần Lan lại xem đây như một đòn bẩy để khiến Nga bớt hành xử như một "kẻ bắt nạt".

Tháng 7 tới, châu Âu sẽ nhóm họp để xem xét lại các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Gần như chắc chắn những Lithuania, Estonia, và Latvia sẽ ủng hộ kéo dài trừng phạt, nhưng Italia và Pháp đã đề cập đến khả năng gỡ bỏ.

Còn Phần Lan, họ vẫn khôn ngoan không để lộ quan điểm của mình.

"Tôi cho rằng dù chúng ta có muốn nghĩ khác đi chăng nữa, thì Crimea cũng an bài rồi. Nhưng nếu Nga cho thấy thái độ khác đối với Kiev và đông Ukraine, thì điều đó sẽ xúc tiến gỡ bỏ lệnh trừng phạt" - ông Stubb phát biểu.

Cũng giống như những gì đã diễn ra trong suốt thế kỉ XX, Helsinki không quá chú tâm vào việc giải quyết các vấn đề liên quan tới Nga, mà họ luôn có cách để giữ các vấn đề đó ở mức chấp nhận được.

Bộ ba bộ trưởng Soini, Niinisto, và Stubb thừa hiểu rằng, con gấu Nga vẫn luôn ở bên cạnh, có thể "vồ mồi" bất cứ lúc nào. Và họ cũng thừa khôn ngoan để biết áp dụng các con bài giao thương, quân sự, và ngoại giao, để tránh "móng vuốt" của người hàng xóm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại