Theo Reuters, dư luận cho rằng, việc Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm tại một trong những đường băng trên đảo nhân tạo ở Biển Đông cho thấy các cơ sở hạ tầng nước này xây dựng trái phép đã hoàn thành theo đúng kế hoạch của họ, và không sớm thì muộn, chắc chắn Trung Quốc sẽ điều tới đây các máy bay quân sự.
Giới quan chức nước ngoài và các chuyên gia phân tích nhận định, việc tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc tại những vùng biển mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền rõ ràng nằm trong ý đồ xúc tiến thành lập một vùng phòng không trên Biển Đông do Bắc Kinh kiểm soát.
Sau khi Việt Nam ra công hàm phản đối việc Trung Quốc bay thử nghiệm đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết Manila cũng đang có ý định hành động tương tự.
Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng đường băng trên các đảo nhân tạo trong hơn một năm và việc nước này bay thử nghiệm dù không gây bất ngờ, nhưng làm dấy lên những căng thẳng nghiêm trọng.
Đường băng trên Đá Chữ Thập dài 3.000 mét, là một trong ba đường băng Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa.
Các đường băng đều được xây đủ dài để các máy bay ném bom tầm xa, máy bay vận tải cũng như các loại máy bay chiến đấu tốt nhất của Trung Quốc có thể hoạt động.
Đây chính là hạ tầng Trung Quốc còn thiếu trước nay để họ có thể tăng cường hiện diện sâu hơn trong khu vực hàng hải Đông Nam Á.
Giới quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xây dựng một loạt cảng, kho chứa và các khu đồn trú quân sự trên các đảo mới.
Dự kiến trên đá Chữ Thập Trung Quốc sẽ lắp đặt hệ thống radar cảnh báo sớm và các phương tiện liên lạc quân sự.
Leszek Buszynski, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Australia cho biết, ông tin rằng việc Trung Quốc đưa các máy bay quân sự tới những đảo này là “không thể tránh khỏi”.
Một vùng phòng không, mặc dù có thể chưa sớm tuyên bố, nhưng là điều có thể xảy tới sau khi Trung Quốc đã củng cố xong sức mạnh không quân của họ.
Chuyên gia Leszek Buszynski nói: “Bước tiếp theo sẽ là, sau khi đã thử nghiệm rất nhiều chuyến bay, họ sẽ mang tới đây những chiếc Su-27 và Su-33 của họ và hoạt động cố định tại đó. Đó là những gì Trung Quốc sẽ làm”.
Chuyên gia Biển Đông Ian Storey tại Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore cho rằng, những căng thẳng trong khu vực sẽ tồi tệ hơn nhiều khi Trung Quốc sử dụng các hạ tầng mới của nước này để tăng ảnh hưởng sâu hơn của họ trên Biển Đông.
Ngay cả khi Trung Quốc chưa chính thức tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) thì chắc chắn họ sẽ vẫn có những động thái nhằm bảo vệ các đường băng mới cùng nhiều công trình hạ tầng khác.
Chuyên gia Storey nói: ‘Khi các công trình này đi vào hoạt động, việc Trung Quốc đưa ra những cảnh báo với cả máy bay quân sự và dân sự sẽ trở nên thường xuyên hơn.
Và đây là những tiền đề để Trung Quốc tuyên bố ADIZ, hoặc một ADIZ mặc định mà chưa tuyên bố của họ”.
Trong một diễn biến liên quan, thượng nghị sỹ John McCain, chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 4-1 đã chỉ trích chính quyền tổng thống Obama về việc trì hoãn việc tiến hành thêm các chuyến tuần tra “tự do hàng hải” trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông.
Ông John McCain nói Trung Quốc vẫn đang tiếp tục “theo đuổi tham vọng lãnh thổ của họ” trong khu vực, trong đó có việc hạ cánh thử nghiệm một máy bay trên đường băng mới ở quần đảo Trường Sa ngày 2-1.
Thượng nghị sỹ John McCain cho rằng, việc quân đội Mỹ không thể tiến hành thêm các cuộc tuần tra năm ngoái là “điều đáng thất vọng nhưng không hề ngạc nhiên”.
Ông nói chính quyền tổng thống Obama “hoặc không thể kiểm soát được những phức tạp trong việc ra quyết định an ninh quốc gia liên quan giữa các bên, hoặc đơn giản là quá e ngại rủi ro nên không thể làm những việc cần thiết để bảo vệ trật tự dựa trên các nguyên tắc ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương”.