Cụ thể, một số tiết lộ mới nhất của một vài quan chức cao cấp của Fed đã chỉ ra rằng, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã buộc phải cầu cứu sự hỗ trợ của Fed trong việc tìm ra giải pháp xử lý cuộc khủng hoảng trên TTCK nước này vào giai đoạn tháng 7-8 năm ngoái.
Như vào ngày 27.7.2015, khi TTCK Trung Quốc rơi vào trạng thái khủng hoảng mạnh nhất với việc chỉ số Shanghai Composite Index có mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2007, PBOC đã gửi một email đến Fed, trong đó yêu cầu Fed hỗ trợ bằng cách chia sẻ giải pháp mà Fed đã thực hiện trong cuộc khủng hoảng trên TTCK Mỹ ngày 19.10.1987, sự kiện vẫn được gọi với cái tên Black Monday - ngày thứ Hai đen tối.
Theo PBOC, cuộc khủng hoảng tại TTCK Trung Quốc vào thời điểm đó rất giống với những gì đã diễn ra ở TTCK Mỹ ở thời điểm Black Monday năm 1987. Khi đó, chỉ số Dow Jones sụt kỷ lục 508 điểm (gần 23% so với trước đó), khiến cho giới đầu tư lập tức rơi vào hoảng loạn.
Vào thời điểm PBOC gửi email cho Fed, chỉ số Shanghai Index cũng giảm kỷ lục còn TTCK Trung Quốc đang trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết.
Đó được xem là lần đầu tiên Trung Quốc phải đối phó với một cuộc khủng hoảng có quy mô lớn trên TTCK và các nhà lãnh đạo nước này đã gần như không biết phải làm gì.
Trung Quốc đã buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của Fed, tuy nhiên giữa Fed và PBOC lại không có đường dây nóng chính thức, vì thế Trung Quốc đã buộc phải sử dụng đến một công cụ được xem là tốn thời gian trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng là email.
Email mà PBOC gửi cho Fed có tiêu đề: “Sự trợ giúp khẩn cấp của các ngài là rất cần thiết với chúng tôi”.
PBOC còn phải nhờ đến sự can thiệp của đại diện của mình tại New York là Song Xiangyan với hy vọng bằng mối quan hệ của Song với Fed có thể sẽ khiến việc yêu cầu hỗ trợ sẽ diễn ra suôn sẻ hơn.
Song Xiangyan đã gửi thêm một email khác cho Fed, trong đó nói rõ: “Thống đốc của chúng tôi rất muốn tham khảo kinh nghiệm của Fed”.
Ngoài ra, Song cũng gửi một email khác cho Steven Kamin - Giám đốc phòng tài chính quốc tế của Fed về kinh nghiệm xử lý của Fed trong sự kiện Black Monday cách đó gần 30 năm: “Ngài có thể làm ơn nói cho chúng tôi biết càng sớm càng tốt về những giải pháp chủ yếu của các ngài trong thời điểm đó”.
Và Kimin đã trả lời: “Chúng tôi sẽ cố gắng để có một câu trả lời sớm nhất cho các ngài”.
Năm giờ sau, một bản tóm tắt dài 259 từ về cách mà Fed đã làm để bình ổn thị trường và ngăn chặn một cuộc suy thoái đã được gửi cho PBOC, ngoài ra còn thêm hàng chục trang tài liệu mà Fed đã đính kèm vào email gửi cho phía Trung Quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, không có nhiều bình luận về việc những tài liệu mà Fed gửi cho Trung Quốc đóng vai trò như thế nào trong việc bình ổn TTCK nước này vào tháng 8.2015, tuy nhiên có một thực tế là các giải pháp mà Trung Quốc đưa ra có nhiều điểm tương đồng với cách mà Fed xử lý cuộc khủng hoảng Black Monday năm 1987.
Vào năm 1987, để đối phó với Black Monday, Fed đã khuyến khích các ngân hàng tiếp tục cho vay và nới lỏng các hạn chế tài sản thế chấp tại Wall Street và bằng những biện pháp trấn an đó TTCK Mỹ đã dần ổn định trở lại.
Trung Quốc vào thời điểm đầu tháng 8.2015 cũng hành động tương tự như bơm tiền, đẩy mạnh các hoạt động mua lại đồng thời nới lỏng tỷ giá với việc cho phép nhân dân tệ mất giá 2% vào ngày 11.8.2015.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa Fed và PBOC trong việc xử lý khủng hoảng là Fed có quyền hành động độc lập còn PBOC thì không. Với khả năng hoạt động độc lập, Fed đã ngay lập tức can thiệp khi Black Monday mới diễn ra, còn ở Trung Quốc PBOC phải mất tới gần 2 tuần mới bắt đầu có động thái điều chỉnh do phải xin ý kiến của chính phủ.
Đó là lý do vì sao thiệt hại của Trung Quốc lớn hơn, số tiền phải bỏ ra để ổn định tình hình cũng nhiều hơn.
Sau thời điểm PBOC gửi email hỏi sự giúp đỡ của Fed vào ngày 27.7, TTCK Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong 3 tuần sau đó và thổi bay 1/3 giá trị trên TTCK nước này; còn số tiền mà Trung Quốc phải bỏ ra để ổn định tình hình theo thống kê cũng lên tới trên 500 tỷ USD.
Tiết lộ về việc Trung Quốc hỏi sự giúp đỡ của Fed trong việc xử lý khủng hoảng trên TTCK đang cho thấy, ở thời điểm hiện tại chính phủ và các nhà lãnh đạo nước này cũng không thực sự kiểm soát được nền kinh tế của mình.
Trên thực tế, đây là lần đầu tiên nền kinh tế Trung Quốc có được quy mô lớn như vậy và điều này dẫn đến tình trạng các nhà lãnh đạo nước này gần như không có kinh nghiệm trong việc xử lý các sự cố và vấn đề lớn khi xảy ra.
Bất kể những tuyên bố huênh hoang về khả năng kiểm soát, Trung Quốc vẫn đã phải hỏi sự giúp đỡ của Fed để xử lý khủng hoảng trên TTCK.
Mỉa mai hơn nữa, như Steven Kamin đã chỉ ra, những tài liệu lên tới hàng chục trang mà Fed gửi cho Trung Quốc thực ra chỉ là những tài liệu bình thường có sẵn trên website của mình. Nghĩa là đó chỉ là những tài liệu thông thường mà có lẽ nhà quản lý tài chính cấp cao nào cũng biết và có lẽ đã đều đã từng đọc.
Có lẽ các quan chức của Trung Quốc cũng đã đọc những tài liệu này trước đó, nhưng họ không có đủ tự tin và thẩm quyền để làm theo những gì đã được đọc.
Và so với cuộc khủng hoảng trên TTCK mà Trung Quốc đã phải nhờ đến sự trợ giúp của Fed thì sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc hiện tại còn phức tạp và khó khăn hơn nhiều.
Khi Trung Quốc phải nhờ đến Fed để xử lý khủng hoảng trên TTCK thì việc nước này tuyên bố đang kiểm soát tốt nền kinh tế và sẽ không để nó rơi vào tình trạng “hạ cánh cứng” rõ ràng là không đáng tin cậy.
Hiện tại, không có gì chắc chắn rằng kinh tế Trung Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng trong thời gian tới, nhưng cũng không có gì đảm bảo rằng một khi điều đó xảy ra thì Trung Quốc có thể đưa ra được giải pháp để ổn định tình hình.
Hãy còn một khoảng cách rất xa giữa quy mô khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc và khả năng quản lý của các nhà lãnh đạo nước này.