Liệu Nga có nghĩ đến chuyện đòi lại Alaska từ Mỹ?

Hôm 18/10 vừa qua đã đánh dấu 147 năm kể từ khi Mỹ mua Alaska từ Nga. Theo tờ Moscow Times, chuyện đòi lại Alaska là ý tưởng hoàn toàn nghiêm túc của một số quan chức Nga.

Hồi đầu năm nay, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã viết những lời nói đầu cho một cuốn sách mới xuất bản mang tên "Alaska, bị phản bội và bị bán: Lịch sử của một âm mưu trong cung điện", đồng thời nói rằng Nga có quyền đòi lại Alaska.

Ông Rogozin đã ủng hộ kết luận của tác giả, trong đó ghi nhận "giá trị lịch sử và các quyền lợi về mặt pháp lý của Nga trong việc đòi lại Alaska và quần đảo Aleutian (quần đảo nằm ở Bắc Thái Bình Dương)”, các vùng đất từng thuộc về Nga cách đây 150 năm.

Trước khi trở thành Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của ngành quốc phòng, ông Rogozin là đại sứ Nga ở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Năm 2003, ông là lãnh đạo đảng Rodina, một tổ chức chính trị nhận sự ủng hộ của Kremlin, chuyên thu hút phiếu bầu của các đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa.

Tại sao Nga lại bán ‘miếng đất vàng’ Alaska cho Mỹ? Tại sao Nga lại bán ‘miếng đất vàng’ Alaska cho Mỹ?

Cho đến nay, nhiều người vẫn nghĩa rằng Mỹ đã ăn cắp Alaska từ Nga hoặc chỉ thuê lãnh thổ này. Tuy nhiên, sự thật là Nga đã bán Alaska cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD vào năm 1867.

Tác giả của cuốn sách về việc bán Alaska là Ivan Mironov. Người này từng bị buộc tội âm mưu ám sát kiến trúc sư hoạt động tư hữu hóa của Nga là Anatoly Chubais vào năm 2005. Ông này có hai năm ngồi tù trước khi được Duma quốc gia Nga ân xá. Cuốn sách của Mironov đã ra mắt lần đầu hồi năm 2007 với tựa đề "Giá rẻ chết người. Alaska đã bị bán ra sao".

Quan điểm của Mironov là lịch sử cần liên tục được đánh giá lại để phản ánh nhận thức của dư luận về các sự kiện của thế giới. Điều này đã khiến ông xét lại việc Nga từng định giá Alaska ra sao.

Theo ông, hoạt động định giá Alaska trước đây có tính chất "phản quốc" tương đương với chương trình tư hữu hóa của Chubais trong những năm 1990. Thay vì coi thương vụ bán Alaska như một quyết định vứt bỏ các dự án hải ngoại không sinh lời, cuốn sách giờ lại xem đây là hành động phản bội vị thế cường quốc của Nga.

Những lời nói đầu của ông Rogozin đã chấp nhận hoàn toàn quan điểm xét lại lịch sử của Mironov. Ông nói rằng thông qua việc bác bẻ lại “những lời nói dối trắng trợn và sự giả mạo” liên quan tới hoạt động bán Alaska,  người ta có thể “kéo đổ các tượng đài tự do của thế kỷ 19 – các nhà cải cách của Nga gồm Alexander II và em trai, Đại công tước Konstantin.

Theo ông, hai người đã phản bội các lợi ích địa chính trị của Nga ở Thái Bình Dương, thể hiện qua việc “không có khả năng thiết lập các quan hệ ngoại giao dựa hoàn toàn trên sự cưỡng bức và thỏa hiệp”.

Với Rogozin, cuốn sách của Mironov cho thấy rằng chỉ một sai lầm trong chính sách ngoại giao “có thể gây ra sự thất bại cho toàn bộ thế kỷ và dẫn tới sự đại bại của một cường quốc”. Ông kết luận trong lời nói đầu với lời kêu gọi việc trả lại Alaska và quần đảo Aleutian cho Nga.

Theo Moscow Times, cần biết rằng Rogozin không phải kẻ nằm bên lề nền chính trị Nga. Ông đã thường xuyên thăng tiến và với tư cách Phó Thủ tướng, còn chịu trách nhiệm giám sát ngành quốc phòng của Nga. Thực tế rằng một nhân vật quyền cao chức trọng như ông đưa ra tuyên bố như trên về việc đòi lại Alaska là không thể xem nhẹ.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng Ba vừa qua – vùng lãnh thổ mà Nga tin rằng chỉ thuộc về Ukraine nhờ một sai lầm lịch sử, liệu Alaska có là mục tiêu tiếp theo của người Nga?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại