Kerry ngáp, Putin vắng mặt
Một phóng viên có mặt tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 29/8 đã ghi lại được hình ảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngáp trong khi Tổng thống Mỹ Obama đang phát biểu trước đại diện tới từ 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phóng viên Dan Roberts của báo Anh The Guardian tại Washington giải thích, việc ông Kerry không thể che giấu sự mệt mỏi như trên là điều hoàn toàn có thể thông cảm được, bởi ông chỉ được nghỉ ngơi rất ít và gần như không có được ngủ đủ giấc trong khoảng thời gian này.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có cuộc gặp và nói chuyện riêng với Thủ tướng Anh David Cameron, thay vì lắng nghe bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ.
Tổng thống Nga Putin cũng không có mặt tại hội trường bởi khi đó, máy bay của ông mới đáp tới sân bay ở New York.
Người đứng đầu nước Nga chỉ có mặt tại hội trường khi Tổng thống Ba Lan đã gần kết thúc bài phát biểu của mình. Ông Andrzej Duda phát biểu ngay sau Tổng thống Mỹ Obama.
Ngoại trưởng Mỹ ngáp khi Tổng thống Obama đang phát biểu.
Khoảng khắc Ngoại trưởng Mỹ ngáp khi Tổng thống Obama đang phát biểu tại Đại hội đồng LHQ
Tổng thống Obama đã nói gì?
Trong phần đầu của bài phát biểu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi những "nguyên tắc quốc tế" mà nhờ đó, ngăn chặn những nước lớn "áp đặt ý chí lên các nước nhỏ hơn".
Tuy nhiên, theo ông, hành trình vì sự tiến bộ của nhân loại không phải bao giờ cũng thuận lợi, ngay cả ở Mỹ.
Nhà lãnh đạo Mỹ chia sẻ, bản thân luôn cố gắng làm hết vai trò của mình, song kêu gọi các quốc gia hãy cùng chung tay chống khủng bố và các mối đe dọa khác, bởi "chỉ riêng Mỹ không thể một mình giải quyết các vấn đề của thế giới".
Cụ thể, ông này thừa nhận việc đạt được ổn định ở Iraq vẫn là rất khó khăn, cho dù hàng chục nghìn tỷ USD đã đổ vào đó.
Ông chủ Nhà Trắng ca ngợi sự đồng lòng của các quốc gia, trong đó có Nga, trong suốt 2 năm, để giúp đạt thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử với Iran hồi tháng Bảy.
Tuy nhiên, với riêng Nga, Tổng thống Mỹ tuyên bố các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow không thể hiện rằng Washington mong được quay trở về thời Chiến tranh Lạnh.
Ông này cảnh báo Nga nên hợp tác với cộng đồng thế giới thì sẽ tốt hơn thay vì đơn phương hành động và "sử dụng vũ lực".
Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích Iran tiếp tục sử dụng bạo lực để theo đuổi lợi ích của mình, thúc đẩy xung đột sắc tộc ở Trung Đông và cô lập đất nước.
Đồng thời, việc cứ nguyền rủa "cái chết sẽ đến với Mỹ", theo ông chủ Nhà Trắng, sẽ không tạo ra công ăn việc làm hay khiến cho nước này an toàn hơn.
Tổng thống Obama nói rất ngắn gọn về quan hệ với Cuba và dành tương đối thời gian cho tình hình ở Syria. "Không ở nơi nào mà các cam kết của chúng ta về trật tự quốc tế lại bị thử thách lớn như ở Syria".
Ông thẳng thắn gọi Tổng thống Syria là "nhà độc tài", cáo buộc ông này "giết hại hàng chục nghìn người dân nước mình", gây đau khổ cho tất cả và phải chịu một phần trách nhiệm đối với sự hình thành của IS.
Nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ, Washington không phải có gì phải xin lỗi vì quân đội đã thực hiện chiến dịch chống lại IS. "Đánh bom là điều cần thiết nhưng không thể đưa tới một giải pháp".
Thay vào đó, ông khẳng định mình đã chuẩn bị để bắt tay với bất cứ quốc gia nào, kể cả Nga và Iran, nhằm giải quyết cuộc xung đột.
Đồng thời, theo Tổng thống Mỹ, việc chuyển giao quyền lực của Assad cho một nhà lãnh đạo mới là điều cần phải làm để giúp người dân nước này tái xây dựng cuộc sống.
Còn hiện nay, Washington đã bắt tay thực hiện những nỗ lực mới nhằm giúp người tị nạn Syria ổn định cuộc sống tại Mỹ.
Mặc dù bài phát biểu của Tổng thống Obama kéo dài 15 phút so với quy định chung, tuy nhiên vẫn nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng của các đại biểu.