Cho đến đầu năm nay, bà Angela Merkel vẫn được ca ngợi là chính trị gia nổi bật ở châu Âu, là chính khách thành công nhất thế giới khi đảm nhiệm vai trò Thủ tướng Đức ba nhiệm kỳ liên tiếp.
Nhưng theo bình luận của tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 28/10, cuộc khủng hoảng người di cư bùng nổ tại Đức có khả năng sẽ đặt dấu chấm hết cho "kỷ nguyên vàng của bà Merkel".
Với việc Berlin tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư trong năm nay, sự lo ngại của người dân nước này đang gia tăng và bắt đầu xuất hiện những lời chỉ trích bà Merkel, thậm chí ngay từ trong chính đảng của bà.
Một vài đồng minh chính trị thân cận của nữ Thủ tướng Đức thừa nhận nhiều khả năng bà Merkel sẽ phải rời nhiệm sở trước cuộc tổng tuyển cử năm 2017.
Và nếu bà Merkel có trụ lại được hết nhiệm kỳ này thì ý tưởng về một nhiệm kỳ thứ tư- vốn đã được thảo luận rộng rãi vài tháng trước- trở thành điều không tưởng.
Nhìn từ một góc độ khác, tất cả những gì đang xảy ra dường như quá bất công. Bà Merkel không gây ra cuộc nội chiến ở Syria hay những rắc rối ở Eritrea hoặc Afghanistan.
Bà đáp lại nỗi thống khổ của hàng triệu người di cư do xung đột bằng sự cảm thông và quyết đoán.
Nữ Thủ tướng Đức đã cố gắng duy trì những truyền thống tốt nhất của một nước Đức thời hậu chiến, bao gồm cả tôn trọng quyền con người và kiên định việc tuân thủ các nghĩa vụ và luật pháp quốc tế.
Song vấn đề ở đây rõ ràng là Chính quyền của bà Merkel đã mất kiểm soát tình hình. Giới chức Đức ủng hộ tuyên bố của bà Merkel rằng "Chúng ta có thể làm được".
Tuy nhiên, đằng sau sự ủng hộ đó là sóng ngầm dữ dội: các chi phí đang tăng dần, các dịch vụ xã hội bắt đầu quá tải, tỉ lệ ủng hộ bà Merkel sụt giảm và bạo lực cực hữu trỗi dậy...
Tạp chí "Der Spiegel" (Đức) số ra mới đây viết rằng: "Nước Đức những ngày này đang trở thành nơi mà người ta cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi bày tỏ sự thù ghét và bài ngoại".
Và khi bề mặt yên tĩnh của xã hội Đức bị khuấy động, những lý lẽ cho rằng người nhập cư có thể tác động tích cực đến kinh tế và nhân khẩu học của Đức đang đuối dần, thay vào đó là sự lo ngại đến những tác động lâu dài về chính trị và xã hội của việc tiếp nhận quá nhiều người di cư, đặc biệt là từ khu vực Trung Đông.
Trong khi đó, người di cư vẫn đang "nhằm nước Đức thẳng tiến" với tỉ lệ khoảng 10.000 người/ngày.
Cuộc khủng hoảng người di cư cũng đang bộc lộ một góc khác của bà Merkel. Một số cử tri đã đi đến kết luận rằng "Mutti" (Mẹ- biệt danh của bà Merkel) đang hóa khùng khi quyết định mở cửa biên giới cho những người khốn cùng của thế giới.
Cách duy nhất để xoay chuyển tình hình một cách nhanh chóng là xây dựng các hàng rào biên giới giống như Chính quyền của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã làm.
Nhưng nhiều khả năng bà Merkel sẽ không làm như vậy bởi bà biết rằng một chính sách như thế sẽ giống như một "án tử hình" đối với nguyên tắc cho phép tự do di chuyển trong Liên minh châu Âu (EU) và có thể gây bất ổn nghiêm trọng ở khu vực Balkan khi người di cư bị "dồn ứ" ở đó.
Thay vào đó, bà Merkel muốn một giải pháp của toàn châu Âu.
Nhưng kế hoạch của Berlin về một cơ chế bắt buộc tất cả các nước thành viên EU cùng chia sẻ gánh nặng người di cư và tạo một quỹ khẩn cấp để chia sẻ chi phí đã vấp phải sự chống đối kịch liệt.
Hậu quả là quan hệ giữa Đức với các đối tác EU vốn đã căng thẳng bởi cuộc khủng hoảng đồng tiền chung châu Âu lại càng thêm tồi tệ.
Liệu bà Merkel có thể xoay chuyển được tình thế? Nếu Chính quyền Đức may mắn, mùa đông sắp đến sẽ làm chậm lại dòng người di cư, giúp có thêm thời gian để tổ chức việc tiếp nhận và đạt được thỏa thuận mới với các nước trung chuyển, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu giành lại quyền kiểm soát tình hình thì có thể trong 20 năm nữa bà Merkel vẫn được xem như "người Mẹ" của một nước Đức đa dạng, đa văn hóa và khác biệt, một đất nước vẫn giữ được các giá trị của mình khi trải qua thử thách.
Tuy nhiên, nếu như số người di cư đến Đức tiếp tục duy trì như mức hiện nay và bà Merkel vẫn cam kết mở cửa biên giới, áp lực đòi bà từ chức sẽ gia tăng.
Cuộc khủng hoảng người di cư rốt cục đã tạo ra một bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị của bà Merkel.
Thập niên tính từ khi bà Merkel lên nắm quyền lần đầu tiên (năm 2005) đã trôi qua như một thời kỳ rực rỡ nhất của nước Đức- quãng thời gian mà nước Đức được hưởng hòa bình, thịnh vượng và sự tôn trọng quốc tế trong khi vẫn giữ được khoảng cách an toàn với những rắc rối của thế giới.
Tuy nhiên, "Kỷ nguyên vàng của bà Merkel" giờ đây đã kết thúc.