Syria: Nga-Mỹ đối đầu, Trung Quốc "tọa sơn quan hổ đấu"?

Bùi Kiên |

Tình hình Syria nói riêng và Trung Đông nói riêng ngày càng trờ nên phức tạp khi cả Nga và Mỹ cùng tham chiến, nhưng Trung Quốc mới là bên nhiều khả năng sẽ hưởng lợi lớn nhất.

Về phía Nga, họ giúp đỡ Tổng thống Syria Bashar al- Assad bằng chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các lực lượng khủng bố tại đây.

Trong khi đó, Washington cũng không kích IS và giúp các lực lượng nổi dậy để lật đổ chính quyền của ông al- Assad.

Mục đích riêng của Nga và Mỹ tại chiến trường Syria đã đẩy họ đối đầu lẫn nhau cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Tuy nhiên, liệu họ có quên mất rằng có những nước đang đứng ngoài "cổ vũ" và nhìn 2 con hổ lớn này giẫm chân nhau để âm thầm phát triển?

Quốc gia đáng kể nhất trong số này phải nói tới Trung Quốc.

Tận dụng thời cơ vượt Mỹ

Cả thế giới không thể quên nước Mỹ có được như ngày hôm nay cũng nhờ một phần là do họ đã đóng vai trò "kẻ ngoài cuộc" trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và và phần lớn cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong khi các phe bị cuốn vào chiến tranh, nước Mỹ vẫn âm thầm phát triển kinh tế và cung cấp đạn dược cho các bên.

Không thể phủ nhận, cả 2 cuộc Thế chiến đều kết thúc với phần lợi lớn nhất thuộc về Washington. Họ thậm chí còn xây dựng được một trật tự thế giới mới mà trong đó Mỹ là siêu cường số 1.

Ngày nay, trong bối cảnh Nga-Mỹ đối đầu ở Syria cũng như trong vấn đề khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc có thể cũng đang đóng vai trò "quan sát viên" như vậy.

Trước đây, khi Mỹ tham chiến rồi sa lầy ở Afghanistan và Iraq, Trung Quốc đã tận dụng rất tốt điều đó để phát triển một cách ầm thầm và thành quả của Trung Quốc bây giờ có lẽ cả thế giới đều nhìn thấy.

Vào các năm 2001 và 2003, Mỹ lần lượt phát động 2 cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq. Họ nhanh chóng giành thắng lợi, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Người Mỹ đến tận bây giờ họ vẫn chưa thoát ra khỏi bãi lầy mà do chính họ tạo ra ở Trung Đông này.


Mỹ vẫn chưa thoát khỏi vũng lầy do họ tự đào ở Trung Đông. Ảnh: Reuters

Mỹ vẫn chưa thoát khỏi vũng lầy do họ tự đào ở Trung Đông. Ảnh: Reuters

Mỗi năm nước Mỹ vẫn tốn hàng trăm tỷ USD để ổn định tình hình ở đây. Không quá lời khi nói rằng địa vị kinh tế, chính trị nước Mỹ đã bị suy giảm đáng kể và bị các nước dần đuổi kịp, đặc biệt là Trung Quốc.

Khi Mỹ đang mải mê tại Trung Đông thì Trung Quốc âm thầm theo đuổi chiến lược mà Bắc Kinh tuyên bố là "sự trỗi dậy hòa bình".

Sau hơn 1 thập kỷ, kinh tế Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ họ đã vươn lên thứ 2 thế giới. Những khu vực mà người Mỹ coi đó là sân sau nhà mình như Nam Mỹ và những khu vực mà họ chú ý tới như Châu Phi thì người Trung Quốc đã thay Mỹ và cả phương Tây làm mưa làm gió ở đó.

Về quân sự, họ nhanh chóng hiện đại hóa quân đội, tự nghiên cứu, sản xuất và kể cả là sao chép vũ khí để đem bán và tranh giành thị phần vũ khí thế giới của Mỹ và Nga.

Tuy hiện nay nước Mỹ vẫn là siêu cường số 1 thế giới, rõ ràng vị thế của họ đã vấp phải những thách thức ngày một rõ rệt.

Nếu ví cả thế giới như một doanh nghiệp thì rõ ràng trước chiến tranh Afghanistan và Iraq, Mỹ như một cổ đông lớn chiếm 50% tập đoàn, nhưng sau cuộc chiến họ vẫn là chủ tịch hội đồng với tỷ lệ chỉ còn 20-30% mà thôi.

Còn bây giờ Trung Quốc đang từng ngày đe dọa lấy đi vị thế số một của nước Mỹ bằng sức ảnh hưởng cả về kinh tế và địa chính trị ngày càng gia tăng.

Nga cũng phải dè chừng

Với nước Nga, chắc họ cũng chưa thể quên được bài học đắt giá trong lịch sử với Trung Quốc vào những năm cuối của thời kì Chiến tranh Lạnh.

Dẫu vậy, căng thẳng giữa Nga với phương Tây đã khiến Nga ngày càng bắt tay sâu rộng với Trung Quốc. Rất nhiều thứ của Nga bây giờ đang bị Trung Quốc nắm đằng chuôi, đặc biệt là ngành công nghiệp khí đốt của Nga.

Liệu kịch bản có tiếp tục xảy ra khi Nga và Mỹ hiện nay đang giẵm chân nhau ở Syria còn Trung Quốc khoanh tay đứng nhìn?

Câu trả lời là hoàn toàn có thể xảy ra. Mỹ mất hơn một thập kỷ can thiệp, vậy mà Trung Đông vẫn hỗn loạn, còn Nga mới chỉ mới bắt đầu chiến dịch tại đây.

Nga mới chỉ bắt đầu chiến dịch của mình tại Trung Đông, liệu họ có sa vào vết xe đổ của Mỹ? Ảnh: RT
Nga mới chỉ bắt đầu chiến dịch của mình tại Trung Đông, liệu họ có sa vào vết xe đổ của Mỹ? Ảnh: RT

Không biết đến bao giờ cuộc chiến này mới kết thúc chỉ dễ thấy một điều là mỗi ngày Nga và Mỹ đốt hàng triệu USD vào bom đạn trong khi kinh tế Mỹ phục hồi chậm còn kinh tế Nga thì lao đao vì lệnh cấm vận của phương Tây và giá dầu vẫn tiếp tục giảm.

Còn Trung Quốc, họ gần như là bên trung lập tại Syria , họ đứng nhìn Mỹ và Nga đối đầu.

Họ âm thầm phát triển kinh tế và gây dựng ảnh hưởng của mình tại nhiều nơi. Với các nước nghèo nhưng giàu tài nguyên, Trung Quốc tăng cường viện trợ, bán hàng hóa vũ khí với giá rẻ, tăng cường giao thiệp để gây dựng hình ảnh của mình.

Họ sẽ giống nước Mỹ ngày trước khi mà cả 2 bên đều mệt mỏi hao người tốn của thì họ sẽ là người đến thu dọn và thu lợi cho mình.

Mỹ hay Nga cũng nhận ra cái gọi là "trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc” trong những năm gần đây và ít nhiều họ đã làm những việc để kìm hãm sự trỗi dậy này.

Với Mỹ, họ đang cố gắng tìm lại hình ảnh của mình, họ tăng cường quân sự nhằm giảm ảnh hưởng đồng thời kìm hãm lại sự trỗi dậy của Trung Quốc tại nhiều khu vực, đặc biệt là Châu Á-Thái Bình Dương với chính sách “xoay trục” của mình trong vài thập kỷ tới.

Còn với Nga, mặc dù quan hệ Nga-Trung thời gian gần đây có thể là mặn nồng nhất kể từ sau khi Xô Viết tan rã, nhưng bài học trong lịch sử với Trung Quốc chắc nước Nga vẫn còn nhớ.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng mối quan hệ tốt đẹp thời gian gần đây của Nga- Trung Quốc chỉ là một sự chấp nhận miễn cưỡng của người Nga khi mà họ đang bị Phương Tây và Mỹ cấm vận. Nga vẫn không tin tưởng Trung Quốc đặc biệt là trong an ninh-quốc phòng.

Nga chỉ bán xuất khẩu cho Trung Quốc những loại vũ khí mà người Nga đã hoàn toàn có cách để khắc chế, để phòng trường hợp một ngày nào đó họ bị tấn công bởi chính những loại vũ khí do mình tạo ra.

Một dẫn chứng khác là việc Nga không có bất kỳ dự án nào để hợp tác sản xuất vũ khí cùng với Trung Quốc, vì họ biết Trung Quốc rất giỏi sao chép đánh cắp công nghệ.

Những hành động trên cho chúng ta thấy rằng, Nga-Mỹ tuy đối đầu nhau nhưng vẫn không quên Trung Quốc đang trỗi dậy từng ngày và họ vẫn cố gắng kìm hãm Trung Quốc.

Cuộc chiến tại Syria, Trung Đông chưa biết đến bao giờ mới kết thúc và chừng nào chưa kết thúc thì Nga- Mỹ vẫn sẽ tiếp tục đấu đầu nhau.

Và nếu cả Nga và Mỹ không có những tính toán hợp lý, một ngày nào đó khi cả 2 siêu cường đã quá mệt mỏi giao tranh lẫn nhau, Trung Quốc sẽ là nước "hớt tay trên" vị thế số 1.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại