Kinh tế Nga hồi phục, Trung Quốc vỡ mộng, OPEC đau đầu

Có vẻ như cuộc chiến giá dầu trên thế giới đang bước sang một giai đoạn mới, khi mà Nga đang dần chiếm lại ưu thế trong khi OPEC đang choáng váng vì những khó khăn từ trên trời rơi xuống. Kinh tế Nga ổn định trở lại thực sự đang là một sự kiện nổi bật đáng chú ý, nó không chỉ khiến OPEC đau đầu, mà còn khiến Trung Quốc vỡ mộng.

Giấc mộng về một sự tỏa rộng ảnh hưởng về tài chính và tiền tệ ở Nga của Trung Quốc có vẻ đang trên đường rơi vào quên lãng.

Những người đang kỳ vọng vào một cuộc khủng hoảng lan rộng và kéo dài đang diễn ra ở nền kinh tế Nga hẳn giờ đây đang vỡ mộng.

Vào thời điểm mà hầu hết giới phân tích đều cho rằng Nga chuẩn bị phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do việc tăng lãi suất lên 17%, một mức lãi suất được đánh giá là không tưởng, để giữ giá đồng Rúp và ngăn chặn lạm phát, thì kinh tế xứ sở bạch dương lại bất ngờ được ổn định.

Ngày hôm qua, bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov đã tuyên bố cuộc khủng hoảng tài chính liên quan đến giá trị đồng nội tệ và lạm phát ở Nga đã kết thúc.

Đây dĩ nhiên không phải là một tuyên bố suông hoặc mang tính chất tuyên truyền.

Đồng Rúp đã có một chuỗi tăng giá liên tục trong nhiều ngày qua sau khi ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất lên mức 17% và gần như đã thoát hẳn khỏi tình trạng tụt giá kéo dài trước đó, khả năng để đồng Rúp suy yếu trở lại như trong tháng 11 là rất khó xảy ra.

Cùng với đó, sự suy yếu của hệ thống ngân hàng do thanh khoản vốn được xem là hệ quả tất yếu của lệnh tăng lãi suất cũng được kiểm soát một cách chuẩn xác nhờ những gói hỗ trợ mà chính phủ của tổng thống Putin tung ra để giải cứu các ngân hàng.

Điều này đồng nghĩa với việc Nga đã chặn đứng cuộc khủng hoảng liên quan đến sự trượt giá của đồng Rúp và lạm phát tăng cao với cái giá nhỏ nhất có thể, đồng thời tránh được một sự đổ vỡ nền kinh tế mà nhiều chuyên gia đã dự báo.

Kinh tế Nga có thể sẽ giảm tăng trưởng trong năm 2015 từ 3 – 4%, như bộ trưởng tài chính Anton Siluanov thừa nhận, nhưng nó đã vượt qua được những khó khăn chủ đạo.

Nga sẽ có thể giữ nguyên sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu mỏ của mình ít nhất là đến hết năm 2015 để chờ đợi sự chuyển biến của giá dầu.

Việc Nga ổn định được nền kinh tế cũng đồng nghĩa với việc gánh nặng đặt lên quỹ dự trữ ngoại tệ của nước này đã giảm đáng kể.

Lượng dự trữ ngoại tệ của Nga đã giảm khoảng 100 tỷ USD từ đầu năm do những vấn đề sáp nhập bán đảo Crimea hay hỗ trợ đồng Rup và nền kinh tế. 

Nhưng giờ đây khi đồng Rúp được ổn định bằng các biện pháp kiểm soát tài chính, thì cũng đồng nghĩa với việc Nga không cần bơm USD từ quỹ dự trữ ngoại tệ của mình ra để giữ giá đồng nội tệ nữa.

Khoản chi lớn nhất và cần thiết nhất của Nga hiện tại hầu như gói gọn trong mục đích hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, được đánh giá là ít hơn rất nhiều so với việc bơm USD số lượng lớn ra để giữ giá đồng Rúp như trước.

Chính vì thế, việc Nga ổn định nền kinh tế và không cần những khoản vay từ bên ngoài đã thực sự là một tin không vui vẻ gì đối với OPEC, đối thủ chính của Nga trên thị trường dầu mỏ, và với cả Trung Quốc nữa. 

Nếu chỉ cách đây chưa đầy một tuần, Trung Quốc còn đứng trước một cơ hội rất lớn để mở rộng ảnh hưởng tài chính của mình cũng như của đồng Nhân dân tệ trên thị trường thế giới, thì giờ đây đó có vẻ như chỉ là một ảo vọng. 

Việc Nga vẫn còn tới gần 400 tỷ USD trong quỹ dự trữ trong khi ước tính chính phủ của tổng thống Putin chỉ cần chưa đến 10 tỷ USD để hỗ trợ hệ thống ngân hàng đang cho thấy Nga không cần thiết phải vay tiền của Trung Quốc thông qua điều khoản hoán đổi tiền tệ trị giá 24 tỷ USD giữa nước này và Trung Quốc nữa.

Đó quả thực là một tin tức không làm Trung Quốc vui mừng cho lắm.

Trên thực tế, dù đã ký điều khoản hoán đổi tiền tệ - mà thực chất là một điều khoản cho vay và buộc người vay phải sử dụng Nhân dân tệ - với 28 quốc gia, nhưng thực tế đến giờ số nước chấp nhận vay tiền của Trung Quốc dưới hình thức này vẫn rất hạn chế.

Gần nhất chỉ có Argentina và Venezuela, vốn đang gặp trục trặc nghiêm trọng về kinh tế, mới vay tiền của Trung Quốc. 

Sẽ rất khó để Trung Quốc thực hiện giấc mơ biến đồng Nhân dân tệ thành một đồng tiền quốc tế có tiếng nói quan trọng nếu cứ giữ nguyên những tiêu chuẩn cho vay hiện nay, khi Bắc Kinh chỉ nhắm đến các quốc gia có tài nguyên phong phú mà Trung Quốc đang cần.

Các quốc gia không có tài nguyên gần như không có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay của Trung Quốc.

Đó là lý do vì sao Trung Quốc sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa nếu muốn biến đồng Nhân dân tệ thành một đồng tiền được sử dụng rộng rãi trong hệ thống giao dịch và thanh toán quốc tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại