Cơn ác mộng tìm con bị bắt cóc ở Trung Quốc

Trong một đoạn video nhiều nhiễu, Zhang Xiuhong có thể thấy con gái mình đang đạp xe theo một con đường đồng để tới trường vào mùa Xuân cách nay 6 năm.

Trong cảnh tiếp theo, Yao Li đạp xe qua một con đường cái, không lâu sau khi các bạn học đi bộ qua. Rồi đoạn video dừng lại ở đó.

Cô bé 15 tuổi đã biến mất chỉ vài phút sau lần xuất hiện cuối trên đoạn video giám sát, chỉ để lại một chiếc giày ở một rãnh nước gần đó.

Chị Zhang Xiuhong cầm tấm ảnh con gái đã bị cảnh sát xé bỏ. Chị gặp rắc rối với chính quyền khi tự lên đường tìm con gái Yao Li đang mất tích

Lời cáo buộc của các phụ huynh

Sau khi Yao Li mất tích, Zhang và chồng Yao Fuji đã lùng sục trên khắp đất Trung Quốc để tìm dấu vết của con. Họ hy vọng sẽ cứu được cô bé khỏi hoạt động bắt cóc chuyên nghiệp, đã khiến mỗi năm có hàng ngàn bé trai và bé gái mất tích ở đất nước này.

Tuy nhiên trong hành trình, cặp vợ chồng đã bị cảnh sát ngăn cản, bắt giữ và bị tạm giam. Cảnh sát nói rằng họ đã gây rắc rối khi gia nhập cuộc tìm kiếm con với các ông bố mà mẹ khác. "Chúng tôi phải làm gì để có hy vọng đây?" - chị Zhang nói.

Ở Trung Quốc, Zhang và các ông bố bà mẹ có con bị mất tích khác tin rằng họ đang phải chiến đấu chống lại 2 mặt trận. Trước tiên, họ phải đối mặt một mạng lưới rộng lớn của những kẻ buôn người mưu mô, quỷ quyệt.

Ngoài ra họ còn phải thương thảo với chính quyền để được phép tìm con.

Wu Xingfo, người có đứa con trai 1 tuổi bị bắt cóc khi đang ngủ tại nhà ở Sơn Tây hồi năm 2008, cũng nói rằng anh bị cảnh sát cản trở khi muốn tìm con.

"Chính quyền nói rằng hành động của chúng tôi gây bất ổn cho xã hội. Tôi bị tạm giam trong 2 ngày. Họ xé sạch các tấm ảnh mà tôi đã chuyển cho mọi người về con trai mình.

Tôi không hiểu vì sao cảnh sát không xem xét nghiêm túc chuyện này. Có vẻ chuyện với họ chỉ giống như một vụ mất ví đơn thuần vậy"  - anh kể.

Xiao Chaohua, người có đứa con trai 5 tuổi bị mất tích bên ngoài cửa hàng của anh hồi năm 2007, nói rằng nỗ lực đăng tin tìm con lên đài truyền hình quốc gia đã không thành công.

Tương tự là việc công bố thông tin về những đứa trẻ bị mất tích dán bên các xa lộ và nhiều biện pháp khác. "Họ không phát tin lên truyền hình vì nếu làm thế sẽ để lộ ra một vấn đề lớn của Trung Quốc, rằng ở đây có chuyện trẻ em bị mất tích" - Xiao nói.

Hình ảnh và thông tin những đứa trẻ bị bắt cóc được dán bên ngoài chiếc xe của anh Xiao Chaohua

"Cảnh sát đã thực sự nỗ lực"

Theo tờ Trung Hoa nhật báo, mỗi năm có tới 70.000 đứa trẻ bị bắt cóc ở Trung Quốc, để phục vụ hoạt động cho nhận con nuôi trái phép, lao động cưỡng bức hoặc mua bán dâm.

Để tiện so sánh, ở Mỹ mỗi năm chỉ có khoảng 100 đứa trẻ bị người lạ bắt cóc, theo thông tin do quỹ chống buôn người Polly Klaas đưa ra.

Tháng 10 năm nay, vấn đề đã được nêu rõ trong phim Dearest của Trung Quốc, dựa trên một sự kiện có thực, nói về một cặp vợ chồng đã tìm thấy con trai sau 3 năm tìm kiếm.

Chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực thể hiện rằng họ đang cố gắng xử lý vấn đề, gồm việc thành lập lực lượng đặc nhiệm chống buôn người vào năm 2009. Chính quyền nói rằng lực lượng này đã triệt phá 11.000 băng buôn người và giải cứu hơn 54.000 đứa trẻ trên khắp nước.

Theo Pia Macrae, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Save The Children ở Trung Quốc, cảnh sát thường sẵn lòng tìm nhiều cách để giúp đỡ các gia đình có con bị mất tích và họ thường không nói nhiều về nghĩa cử của mình.

"Các bậc phụ huynh cảm thấy không được liên lạc và họ muốn tự hành động" - Macrae nói - "Nhưng chúng tôi đã nhìn thấy cảnh sát thực sự nỗ lực cải thiện tình hình. Chúng tôi hy vọng chuyện sẽ tốt đẹp dần lên".

Nhưng trong khi Trung Quốc đã tăng cường luật chống buôn người và nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề, không ít bậc phụ huynh như vợ chồng chị Zhang vẫn phải tự tìm con. Mong muốn lớn nhất của họ là cảnh sát không làm phiền.

Không từ bỏ hy vọng

AP cho biết cảnh sát thường ra tay can thiệp khi các bậc phụ huynh này trực tiếp tiến hành hoạt động tìm con ngoài đường phố, thông qua việc tụ tập thành nhóm đông hơn 20 người, giơ lên các tấm bảng, biển chứa thông tin về con và phát tờ rơi cho người qua đường.

Xiao nói rằng cảnh sát thậm chí từng dừng xe anh, do đã dán thông tin về những đứa trẻ bị mất tích trên thành xe.

Cảnh sát thường trấn áp các nhóm tìm con được họ xem là đang tổ chức hoạt động khi chưa được chính quyền cho phép. Tuy nhiên cha mẹ của những đứa trẻ đã không bỏ cuộc.

Khoảng 1.000 gia đình đã thành lập một nhóm ủng hộ có trụ sở ở Bắc Kinh, chuyên chia sẻ manh mối về những đứa trẻ bị mất tích. Họ cũng thỏa thuận với cảnh sát về việc cho mình đi tìm con.

Họ thường tới các thành phố nơi có tin các nhóm buôn người hoạt động mạnh và những đứa trẻ được đưa tới đây, với hy vọng sẽ lần ra những kẻ thủ ác.

Trong 6 năm qua, nhóm này mới chỉ tìm thấy 2 đứa trẻ. Cả 2 đều bị bắt cóc từ các thành phố nhỏ và bị bán cho các gia đình hiếm muộn.

Xiao hiểu rằng hành trình tìm con sẽ rất dài và mệt mỏi, nhưng anh không từ bỏ hy vọng.

"Tôi đã quyết định đồn hết sức để tìm ra cháu" - Xiao nói về con trai mình - "Nếu dừng lại, tôi sẽ chẳng làm được gì khác, bởi lúc nào cũng nghĩ về con".

Trong cuộc tiếp xúc với hãng tin AP, anh Yao Fuji cũng nói về việc mình bị cảnh sát ngăn cản khi cố tìm con và thể hiện sự thất vọng với nhà chức trách.

Khi chồng nói chuyện với phóng viên, Zhang chỉ lặng lẽ bật đi bật lại đoạn video có cảnh con cô đi xe đạp tới trường, chăm chú nhìn vào đoạn cô bé đi qua camera giám sát, trước khi biến mất vĩnh viễn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại