RT cho hay hồi đầu tháng này, quốc hội Ukraine đã đồng ý thông qua dự luật và Tổng thống Petro Poroshenko đã ký thành luật hôm 25/6.
Các quy định sửa đổi trong bộ luật mới sẽ đặt nền tảng pháp lý và điều kiện cho việc đưa binh sĩ nước ngoài tới Ukraine. Kiev hy vọng sự có mặt của các binh sĩ nước ngoài sẽ giúp bình ổn chiến sự tại miền đông Ukraine.
Tổng thống Poroshenko từng tuyên bố Ukraine có quyền đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triển khai các binh sĩ gìn giữ hòa bình tới hỗ trợ lập lại hòa bình.
Tuy nhiên, bộ luật mới của Ukraine còn cấm quân đội các nước "tham gia hoạt động chống phá Ukraine" tham gia nhóm gìn giữ hòa bình tới nước này.
Các điều khoản trong bộ luật mới còn mở đường cho việc triển khai vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt với điều kiện Ukraine sẽ giám sát hoạt động của những thiết bị quân sự này trên lãnh thổ quốc gia.
Theo đó, bất cứ đề xuất đưa quân đội hay trang thiết bị quân sự nước ngoài tới Ukraine cần được đệ trình lên Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine cùng với Bộ Ngoại giao và Quốc phòng.
Nga thì cho rằng mọi sứ mệnh triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình chỉ được tiến hành khi các điều khoản trong thỏa thuận ngừng Minsk 2 được thực thi đầy đủ và cả 2 bên tham chiến là quân chính phủ Kiev và phe ly khai cùng đồng thuận với biện pháp này.
Trong khi đó, cả quân chính phủ Ukraine và phe ly khai miền đông đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2.
Moscow cho rằng OSCE nên là lực lượng tiên phong trong các sứ mệnh hòa bình tại Ukraine.
Về phần mình, Ukraine lại khăng khăng khẳng định Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu (EU) sẽ trở thành lực lượng dẫn đầu trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình.