"Khủng hoảng Ukraine do tham vọng bá chủ của Mỹ 30 năm trước"

Hải Võ |

Một cựu chuyên gia tình báo NATO khẳng định khủng hoảng Ukraine là hệ quả của việc Mỹ "cố tình phá hoại" mối quan hệ Nga - châu Âu từ 30 năm trước.

Cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine bắt nguồn từ năm 1986, khi Mỹ "trông thấy cơ hội để trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới" vào giai đoạn kết thúc Chiến tranh lạnh, và xem những động thái thân thiện giữa Nga và châu Âu là một mối đe dọa - theo Sputnik News.

Trung úy Martin Packard - cựu nhân viên phân tích tình báo của NATO nói: "Chiến tranh lạnh thực tế đã kết thúc vào năm 1986, khi Moscow đạt được những bước tiến trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU)".

Ông Packard đồng tình với quan điểm của Richard Sakwa - tác giả cuốn "Tiền tuyến Ukraine: Biên giới thời khủng hoảng".

Trong cuốn sách trên, ông Sakwa lập luận rằng, lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã nhận thấy sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh là một bước thắng lợi để xây dựng một "ngôi nhà chung châu Âu".

Cũng theo Sakwa, Mỹ đã "tiêm nhiễm" vào châu Âu quan niệm rằng, Nga là nước bị đánh bại và có thể bị cô lập khỏi châu Âu cũng như phần còn lại của thế giới nếu Moscow không thừa nhận Mỹ là siêu cường duy nhất.

"Chính sự mở rộng về phía Đông của NATO là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng Ukraine hiện tại" - Sakwa nhận định.

giáo sư triết học danh dự đh Guelph, canada
john mcmurtry
Bất cứ điều gì nhằm đảo ngược tình trạng cuộc nội chiến ở Ukraine đều đi ngược lại chiến lược mà Mỹ đã lên kế hoạch hơn 10 năm. Đó là lý do Mỹ luôn từ chối ủng hộ nỗ lực tìm kiếm hòa bình của EU kể từ trước cuộc đảo chính Ukraine, và mới đây nhất là gạt bỏ những nỗ lực của Thủ tướng Đức Angela Merkel, thậm chí chế giễu nỗ lực của Đức là “sự chùn bước trong cuộc chiến với Nga”.

NATO bành trường về phía Đông

Theo Sputnik, trong lịch sử, NATO - với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ - đã luôn tìm cách bành trướng sức ảnh hưởng về phía Đông, bất chấp thỏa thuận sau khi Đức thống nhất, rằng NATO sẽ không xâm phạm các quốc gia từng thuộc Khối phòng thủ Warsaw.

Bộ trưởng ngoại giao Mỹ thời đó là James Baker cũng bảo đảm với Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng, "NATO sẽ không mở rộng một tấc nào về phía Đông".

Trái với lời ông Baker, NATO đã không hề nao núng "vươn vòi" về phía Đông với việc CH Czech, Hungary, Ba Lan, Slovenia, Slovakia, Romania, Bulgaria, Croatia, Albania, Latvia, Lithuania và Estonia lần lượt gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này.

Phá hoại có chủ đích

Sputnik cho hay, trong một lá thư gửi tờ The Guardian của Anh, ông Martin Packard đã nói rằng: "Sự thất bại trong việc hòa giải Nga - châu Âu cuối thập niên 1980 và sự bành trướng của NATO , chính là nguyên nhân cốt lõi của khủng hoảng Ukraine".

"Nếu sự hòa nhập được diễn ra, châu Âu sẽ được hưởng những lợi ích vô cùng lớn.

Nhưng tiến trình đã bị tình báo Mỹ phá hoại, do sự lo ngại của Washington rằng cái bắt tay giữa EU và nước Nga dân chủ sẽ tạo thành mối đe dọa dài hạn đối với lợi ích kinh tế của Mỹ".

"Sự hỗn loạn mà chúng ta chứng kiến ngày nay, và những hành động của Nga xuất phát từ sự mất lòng tin vào Mỹ, chủ yếu bắt nguồn từ quyết định đưa ra tại Washington cách đây 30 năm" - ông Packard nhận xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại