Các dấu hiệu
Trong chuyến công du nước ngoài của mình mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp gỡ với những người đồng cấp Nga, Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ tại Vienna để bàn về vấn đề Syria.
Cuộc gặp đã đi tới thống nhất về việc sẽ tổ chức một cuộc đàm phán quốc tế mở rộng hơn, bao gồm các quốc gia Ả Rập, châu Âu, thậm chí là cả Iran.
Động thái này của Mỹ đã gây nhiều bất ngờ, khi mà chỉ trước đó không lâu, Washington khăng khăng phản đối việc Iran tham dự vào tiến trình giải quyết khủng hoảng ở Syria.
Từ trước tới nay, Mỹ và hầu hết tất cả các đồng minh ở Trung Đông cũng như châu Âu của mình đều công khai yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi. Theo họ, đó là một điều kiện cần thiết để tiến tới chấm dứt hơn 4 năm nội chiến tại quốc gia này.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, cả ông Kerry và các quan chức châu Âu đều thừa nhận rằng, các nỗ lực của họ nhằm ổn định tình hình ở Syria, cũng như ở Iraq và Yemen, sẽ có thể là "công cốc" nếu như không có sự ủng hộ của Nga và Iran.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini thì chỉ ra rằng, thỏa thuận hạt nhân của Iran với các cường quốc thế giới hồi tháng Bảy vừa qua là một bằng chứng cho thấy, Tehran sẵn sàng hợp tác với phương Tây.
Theo bà, các cuộc gặp gần đây với quan chức Iran tại Tehran và Brussels đã mở ra một kênh hợp tác "có một không hai".
"Iran là một trong những nhân tố có liên quan, bởi những liên hệ mà nước này có với chính quyền Syria cũng như mức độ ảnh hưởng tới khu vực của cuộc khủng hoảng này.
Nếu Nga và Iran có thể có các mối liên hệ với chế độ này... thúc đẩy họ trở thành một phần của quá trình chuyển giao chính trị, thì đó là điều tích cực".
Một dấu hiệu khác cho thấy sự thay đổi về mặt ngoại giao đang diễn ra, theo nhà báo Mỹ Jay Solomon của tờ Wall Street Journal, là việc Jordan đã tuyên bố mở văn phòng ở Amman nhằm phối hợp với Nga trong các chiến dịch quân sự ở Iraq và Syria.
Jordan là một trong những đồng minh trung thành nhất của Mỹ ở thế giới Ả Rập.
Ông Kerry tỏ ra lạc quan hơn về thỏa thuận quân sự giữa Nga với Jordan khi cho rằng, nó có thể làm mạnh thêm cuộc chiến quốc tế chống IS.
Đồng thời, ông cũng không gay gắt cáo buộc sự hợp tác trên là cách mà Kremlin tiến hành nhằm xâm phạm vào không gian ảnh hưởng lâu đời của Mỹ ở Trung Đông.
"Việc Jordan đàm phán với họ về những gì đang xảy ra tại biên giới phía nam là điều hoàn toàn bình thường. Nó thậm chí còn mang lại lợi ích cho tất cả mọi người".
"Chấp nhận rủi ro"
Nhà báo Solomon nhận định, Mỹ John Kerry và các đồng minh châu Âu, trong những nỗ lực mới nhằm thúc đẩy sự ổn định ở Trung Đông, đang ngày càng phụ thuộc vào Nga và Iran - hai quốc gia mà họ luôn cho rằng chỉ làm mất ổn định tình hình.
Theo các quan chức Mỹ và Ả Rập, mối quan hệ phụ thuộc của Mỹ và châu Âu vào Nga và Iran là một minh chứng cho sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, khi mà Tổng thống Obama đã tỏ rõ ý định cắt giảm vai trò của quân đội Mỹ tại đó.
Thế nhưng, nhiều đồng minh của Mỹ tại Trung Đông vẫn sự hoài nghi về ý định của Nga và Iran. Không có nhiều dấu hiệu cho thấy Tehran nghiêm túc về việc hợp tác trên tinh thần xây dựng với Mỹ kể từ sau khi thỏa thuận hạt nhân hồi tháng Bảy được ký kết.
Ngay cả ông Kerry, dù nói về khả năng hợp tác với Moscow và Tehran, thì cũng phải thừa nhận rằng chiến dịch quân sự của họ ở Syria cho đến nay dường như chỉ tập trung vào các đối thủ của ông Assad hơn là tiêu diệt IS.
Đồng tình với quan điểm trên, nhà phân tích Emile Hokayem tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh) đánh giá, khi tính tới cả Nga và Iran trong các chính sách của mình thì phương Tây đã chấp nhận rủi ro.
Cả Moscow và Tehran đều không có chung lợi ích lâu dài với Washington hay châu Âu, trong nhiều trường hợp, thậm chí là rất trái ngược nhau.
Thêm vào đó, cấu trúc an ninh và liên minh mà Mỹ đã tạo ra trong suốt 5 thập kỷ qua tại Trung Đông đang đứng trước nguy cơ rạn nứt, khi mà các quốc gia Ả Rập cũng tìm tới Kremlin - như từng tìm tới Nhà Trắng, để được giúp đỡ.
Ông Hokayem cho rằng: "Điều đang diễn ra ở Syria sẽ là chìa khóa cho trật tự mới ở Trung Đông. Các lợi ích trước mắt có vẻ như xứng đáng với những gì xảy ra.
Tuy nhiên, qua thời gian, Mỹ sẽ thấy khó khăn hơn trong việc tập hợp các đối tác của mình lại và truyền đạt tới họ những tính toán về các vấn đề an ninh khác trong khu vực.
Cái giá phải trả về lâu dài cho những thỏa thuận hợp tác về chiến thuật với Moscow và Tehran sẽ rất cao".
Về phần mình, các quan chức Ả Rập cho rằng, việc Mỹ đồng thuận với Nga và Iran có thể sẽ khiến một vài quốc gia Trung Đông đề phòng, hoặc phản đối.
Lý do là bởi rất ít chính phủ Ả Rập muốn đối đầu trực tiếp với Nga nếu họ cảm thấy Mỹ dần từ bỏ vai trò quan trọng, có sức nặng của mình trong khu vực từ trước tới nay.
Một quan chức cấp cao Ả Rập nhận định: "Putin đang bước lên phía trước, chấp nhận rủi ro và Mỹ không còn kế hoạch B nào khác ngoài việc phải đối diện với ông ta. Tôi nghi ngờ về những điểm chung giữa 2 bên. Nếu có, thì vấn đề đã được giải quyết từ lâu rồi".