Iraq ngày càng "ngả theo" Nga?
Thất vọng với vai trò mờ nhạt và hành động không hiệu quả của Mỹ trong cuộc chiến chống IS suốt hơn 1 năm qua, Iraq dường như đang thể hiện mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Nga.
Hồi đầu tháng trước, Mỹ nói rõ rằng nước này không muốn Iraq mở không phận cho máy bay Nga chở thiết bị quân sự cũng như nhân lực tới Syria, tuy nhiên, Iraq đã "bỏ ngoài tai".
Mặc dù chưa chính thức yêu cầu Moscow hỗ trợ trong cuộc chiến chống IS, song Iraq cũng không bác bỏ hoàn toàn khả năng này.
Hồi đầu tháng này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Iraq Nuri Nasir úp mở: "Điều này có thể xảy ra trong tương lai, việc đó do lãnh đạo Iraq quyết định và tùy vào diễn biến tình hình".
Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Quốc hội Iraq Hakim al-Zamili cũng tuyên bố Baghdad có thể sẽ sớm đề nghị Nga triển khai không kích các IS trên lãnh thổ nước này.
Trước sự thúc giục của liên minh cầm quyền và các nghị sĩ Quốc hội, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã buộc phải lên tiếng.
Theo nguồn tin từ nghị sĩ Iraq mà báo Nga Sputnik có được, khả năng nước này yêu cầu Nga hỗ trợ quân sự chống IS sẽ được định đoạt vào cuối tuần này, trong phiên thảo luận của Quốc hội.
Thế nhưng, ngay cả khi chưa chính thức "mời" Nga can dự vào Baghdad thì quốc gia này cũng đã bắt đầu phối hợp với Moscow.
Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Iraq đã ký một thoả thuận hợp tác về an ninh và tình báo với Nga, Iran và Syria - một động thái "tiên đoán" trước liên minh không có phương Tây tại Trung Đông, do Nga dẫn dắt.
Mới đây, hãng thông tấn Fars của Iran dẫn lời ông Hakem al-Zameli, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Iraq tuyên bố:
"Iraq đạt được thỏa thuận với Nga, bên đang dẫn dắt trung tâm chia sẻ thông tin chung, sẽ cùng tấn công các tay súng IS tháo chạy từ Syria sang".
Sputnik lạc quan cho rằng, đây được xem như hành động bật đèn xanh để Nga có thể tiến hành chiến dịch của mình trên lãnh thổ Iraq, tiêu diệt IS.
Trước đó, Nga từng khẳng định, nước này sẽ chỉ tiến hành không kích tại Iraq nếu được đề nghị.
"Iraq nên sợ sự giúp đỡ của Nga"
Bà Nussaibah Younis, chuyên gia tại Trung tâm Rafik Hariri về Trung Đông tại Hội đồng Atlantic (Mỹ), lại cho rằng, thay vì mừng, Iraq "nên lo sợ sự giúp đỡ của Nga".
Thủ tướng Iraq từng hứa hẹn sẽ dung hoà lợi ích giữa những người Hồi giáo dòng Sunni - vốn chỉ chiếm thiểu số, với những theo dòng Shiite - hiện chiếm đa số, tại nước này, nhằm đoàn kết Iraq trong cuộc chiến chung chống IS.
Trong một bài phân tích trên báo Mỹ New York Times, chuyên gia Younis cho rằng, chiến dịch của Nga tại Iraq có thể huỷ hoại lời hứa đó.
Nga vốn đã luôn ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - một chế độ từng "đàn áp tàn bạo" cộng đồng người Sunni ở Syria trong nhiều thập kỷ qua.
Thêm vào đó, Nga đã từng tuyên bố không cần phân biệt giữa các lực lượng đối lập ôn hoà theo dòng Sunni được Mỹ hậu thuẫn và những kẻ khủng bố IS bị cả Mỹ và Nga phản đối.
Bài viết trên tờ New York Times giải thích, nhiều người Iraq đã bày tỏ sự thất vọng đối với nỗ lực quân sự chậm chạp của Mỹ ở nước này, song Washington "có lý do để thận trọng".
"Mỹ nhận ra rằng, việc chiến thắng trong cuộc chiến này không chỉ là giết nhiều kẻ khủng bố, mà còn là thuyết phục cộng đồng người Sunni đang sống trong các lãnh thổ do IS kiểm soát liên minh với chính phủ.
Vì thế, các lực lượng của Mỹ đã tìm tới thủ lĩnh bộ tộc người Sunni, cẩn thận trong việc lựa chọn mục tiêu không kích và tìm cách cách ly các khu vực của người Shiite trong địa phận của người Sunni".
Ngược lại, bà Younis cáo buộc, Moscow sẽ không có cách tiếp cận như vậy trong chiến lược đánh bại IS.
"Thay vào đó (Nga) sẽ ủng hộ các cuộc không kích bừa bãi như ở Syria và "ngoảnh mặt làm ngơ" với các hành động tàn bạo của lực lượng người Shiite với dân thường Sunni.
Sự can thiệp thiếu suy nghĩ của Nga có thể phá hoại tiến trình chính trị cần thiết nhằm thay thế chiến tranh bằng một nền hoà bình bền lâu và vì vậy, trở thành thảm hoạ với Iraq".
Bà Younis tin rằng, niềm hi vọng duy nhất để duy trì và ổn định một quốc gia Iraq thống nhất là chính phủ của ông Abadi phải sẵn sàng tìm kiếm những sự hợp tác với cộng đồng người Sunni ôn hoà ở Iraq.
"Với Mỹ, ưu tiên hàng đầu tại Iraq sẽ là đảm bảo sự sống còn của chính phủ nước này.
Để làm như vậy, Washington cần đảm bảo rằng nước này không chỉ cần có một chiến lược quân sự hiệu quả hơn với Iraq, mà còn phải viện trợ lớn về cả tài chính và chính trị cho chính phủ của ông Abadi".