Phóng viên bị "trục xuất" khi ông Kerry chuẩn bị trả lời ông Tập?
Tờ The Economist hôm 29/1 đưa tin, bầu không khí cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc với ông Kerry "rất tệ". Tờ này mô tả, các cuộc tiếp xúc của ông Kerry tại Bắc Kinh "đầy mâu thuẫn".
Trong bài phát biểu rất dài tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nhị đã nhắc lại vấn đề "quan hệ nước lớn kiểu mới" - đề nghị mà Trung Quốc muốn Mỹ thừa nhận và thực hiện để thúc đẩy quan hệ song phương.
Trong khi đó, ông Tập Cận Bình chỉ ra "quan hệ hợp tác Mỹ-Trung có thể đem lại kết quả 'song thắng'."
Tuy nhiên, bầu không khí "song thắng" chẳng được bao lâu bởi khi ông Kerry chuẩn bị đáp lời ông Tập, phóng viên của The Economist cùng nhiều cơ quan truyền thông khác đã bị "trục xuất", bất chấp quan chức ngoại giao Mỹ tỏ ý phản đối.
Theo tạp chí của Anh, chuyến công du Trung Quốc của John Kerry phản ánh tình trạng quan hệ "thực dụng mà không hữu nghị" giữa Washington và Bắc Kinh thời điểm hiện tại.
Ông Kerry không đạt được kết quả đáng kể nào với Trung Quốc trong chuyến công du hôm 27. Ảnh: CNN
Chiến lược ngoại giao với Trung Quốc rất khó khăn
Cứ mỗi 4 năm, những ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng lại đưa ra tuyên bố hùng hồn rằng chính phủ của họ sẽ cứng rắn với Trung Quốc, trong khi các quan chức "diều hâu" kêu gọi sử dụng các nguồn lực của Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc làm xấu tình hình.
Theo The Economist, đối với nhóm người theo quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama về cơ bản là một sự thất bại.
Họ chỉ trích chính quyền của ông Obama đã không ngăn được Trung Quốc "bắt nạt" các doanh nghiệp Mỹ và cũng không thực sự quyết liệt trong việc ngăn chặn việc Bắc Kinh xây đường băng phi pháp trên các đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng trái phép ở biển Đông.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ còn hứng nhiều chỉ trích bởi truyền thông của họ cáo buộc gián điệp mạng Trung Quốc đánh cắp được các bí mật thương mại và quốc gia của Mỹ.
The Economist cho hay, chính sách châu Á của ông Obama trên thực tế phải được đánh giá xoay quanh 2 quan niệm cơ sở.
Thứ nhất, phía Mỹ cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện cá nhân ông là một lãnh đạo thực dụng, đại diện cho một nước lớn cố chấp và ích kỷ, đồng thời luôn nghi ngờ mọi hành động của Mỹ và không tin Mỹ.
Thứ hai, hành vi chèn ép, "bề trên" của Trung Quốc đối với các nước láng giềng tạo ra không gian cho phép Mỹ thắt chặt quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, xây dựng quan hệ kiểu mới với ASEAN.
Mỹ tin rằng các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương kỳ vọng có sự lựa chọn về một thế lực khu vực khác ngoài Trung Quốc.
Đáng chú ý, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã nhận lời mời của Tổng thống Obama, tham dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Mỹ vào tháng 2 tới.
Các trợ lý của ông Obama cũng đã bắt tay thực hiện bản phác thảo TPP - hiệp định quan trọng có ý nghĩa củng cố trật tự thương mại toàn cầu, giúp các nước thành viên ở châu Á "không còn phải chơi theo luật do Trung Quốc áp đặt".
Các tướng lĩnh quân đội Mỹ cũng tăng cường các hoạt động hợp tác quân sự với Philippines. Đồng thời, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris mới đây nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động tuần tra gìn giữ hòa bình và tự do hàng hải ở biển Đông.
The Economist đánh giá, duy trì quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là một vấn đề không nhỏ.
Giới lãnh đạo cùng truyền thông Trung Quốc đã nhắc đi nhắc lại lời cảnh báo Mỹ "không can thiệp vào lợi ích cốt lõi của Trung Quốc" từ Tây Tạng cho đến biển Đông, bằng những bài xã luận dài hàng nghìn chữ đăng tải hàng ngày.
Những hành động của Bắc Kinh cũng cho thấy rõ, họ coi việc chính phủ Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của gia tộc họ Kim gặp phải biến động là mối đe dọa lớn hơn nhiều lần so với Bình Nhưỡng duy trì chương trình hạt nhân.
Không ít thành viên chính phủ Obama cũng phản đối tiếp cận Trung Quốc bằng cách để mặc Bắc Kinh "làm mưa làm gió" ở các lĩnh vực nhạy cảm. Washington vẫn theo chính sách tìm cách hợp tác với Trung Quốc ở các lĩnh vực đạt được nhận thức chung, qua đó kiểm soát mối đe dọa.