Tuy nhiên, quan hệ giữa Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đang bị thử thách khi nền kinh tế hai nước có những bất ổn.
Hai thỏa thuận năng lượng bước ngoặt được ký kết năm ngoái để cung cấp khí tự nhiên từ Nga sang TQ tới nay có rất ít tiến triển.
Chúng hầu như không được đề cập đến khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau hội đàm sau lễ diễu binh tại Quảng trường Thiên An Môn hôm thứ 5.
Thương mại song phương được dự đoán đạt hơn 100 tỉ USD năm nay nhưng thực tế mới chỉ tiến đến con số khoảng 30 tỉ trong 6 tháng đầu năm, phần lớn là vì TQ sụt giảm nhu cầu dầu của Nga.
Với việc thị trường chứng khoán TQ lao dốc, tăng trưởng kinh tế ở mức chậm nhất trong 1/4 thế kỷ, Bắc Kinh khó có thể cung cấp một đảm bảo vững chắc mà ông Putin kiếm tìm nhằm đối phó với sự trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Đó là chưa kể tới việc giá dầu giảm mạnh trên toàn cầu.
“Nga trông chờ vào sự tăng trưởng của TQ cũng như nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở nước này gồm dầu, khí, khoáng sản.
Với Nga, TQ là một chọn lựa thay thế châu Âu", Fiona Hill, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Viện Brookings ở Washington nhận định.
TQ có quá cần khí đốt từ Nga?
Một trong những trụ cột của mối quan hệ giữa ông Putin và ông Tập là thỏa thuận cung cấp khí tự nhiên kéo dài 30 năm cho TQ từ các mỏ khí ở Đông Siberia, trị giá 400 tỉ USD, với mẻ cung cấp đầu tiên dự kiến từ 2019 - 2021.
Trong quá trình ký kết ở Thượng Hải, ông Putin đã mô tả hợp đồng này là một "sự kiện lịch sử" và bày tỏ sự tin tưởng rằng, Nga bất chấp áp lực từ cấm vận phương Tây vẫn có thể đa dạng hóa thị trường năng lượng.
Giá cả cụ thể trong hợp đồng chưa từng được chính thức công bố.
Điều này khiến giáo sư Jonathan Stern - chủ tịch chương trình nghiên cứu khí tự nhiên tại Viện nghiên cứu năng lượng Oxford (Anh) nhận định có khả năng với sự lao dốc của giá năng lượng, thỏa thuận sẽ phải thương lượng lại.
Người TQ muốn khí tự nhiên cho khu vực lạnh lẽo Đông Bắc và người Nga đã bắt tay vào việc cung cấp, nhưng lại vấp phải ít nhiều khó khăn.
Theo giáo sư Stern, một thỏa thuận khác, cũng là cung cấp khí tự nhiên từ Tây Siberia, được hai nhà lãnh đạo ký tắt hồi tháng 11 trước ở Bắc Kinh.
Nhưng hợp đồng chính thức dự kiến ký kết ở Bắc Kinh trong chuyến thăm gần đây của ông Putin dường như đã chệch hướng.
“Đây là hợp đồng mà ông Putin có thể ký trong tuần này, nhưng lại không, một phần vì nhu cầu hiện tại của TQ thấp hơn nhiều với ước tính trước đây", ông nói.
Phức tạp hơn là Nga không có khả năng chi trả cho việc xây dựng hệ thống ống dẫn khí sang TQ.
Câu hỏi đặt ra là liệu TQ có cần khí của Nga đến mức sẵn sàng cung cấp nguồn tài chính cho việc xây dựng này? - Edward C. Chow, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washingotn đặt giả thuyết.
Cũng nhìn về góc độ giá cả, Triệu Hoa Thành, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và Trung Á, Đại học Phúc Đán Thượng Hải cho hay, “chúng tôi phải tính toán lại toàn bộ và cố gắng giảm giá.
Các cuộc thương thảo đối mặt với rất nhiều khó khăn do sự lao dốc trong giá cả khí tự nhiên".
Sự lạc quan về việc TQ giúp Nga thoát khỏi các vấn đề kinh tế đã dần phai mờ.
Alexander Gabuev, nhà phân tích về quan hệ Nga-Trung tại Trung tâm Carnegie Moscow bi quan cho rằng, “hy vọng TQ cung cấp sẽ đảm bảo con đường sống cho Nga giữa lúc đối mặt với các biện pháp trừng phạt và giá dầu sụt giảm đã không còn".
“Đây là mối quan hệ mang tính biểu tượng - với một nền tảng kinh tế nhỏ và bất ổn", ông nói.
"Giới tinh hoa Kremlin đã thất vọng vì không thể nhanh chóng hiện thực hóa những gì người Nga hy vọng".
Vì mục tiêu 100 tỉ USD giao dịch thương mại hai bên là bất khả thi trong năm 2015 nên các quan chức Nga cho rằng, đích đến 200 tỉ USD vào năm 2020 có thể là quá lạc quan.
Giới hạn cho những lợi ích chiến lược
Nhưng các thỏa thuận năng lượng lớn không phải là "nạn nhân" duy nhất của việc kinh tế sụt giảm ở cả hai nước.
Một tuyến đường sắt tốc độ cao mà TQ tuyên bố sẽ xây dựng nối Moscow với Bắc Kinh đang đem lại sự hoài nghi lớn bởi TQ lại đang yêu cầu Nga chi trả cho dự án.
Chặng đường đầu tiên nối Moscow với Kazan, dự kiến mở cửa trước World Cup tại Nga năm 2018. Nhưng tới nay, mọi việc vẫn chưa bắt đầu, và dường như không bắt đầu.
Tình bạn giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình đang thu hút sự chú ý của cả thế giới. Mỗi người đều thích tạo dựng hình ảnh mạnh mẽ, quyền lực, và thậm chí là táo bạo mạo hiểm.
Ở những cuộc gặp toàn cầu, họ hầu như xuất hiện cùng nhau. Trong một cuộc gặp các nhà lãnh đạo châu Á tại Bali, Indonesia năm 2013, ông Tập còn tặng Tổng thống Nga chiếc bánh sinh nhật.
Tại Bắc Kinh tháng 11 năm trước, Putin đã giảng giải với ông Tập những ưu điểm về chiếc điện thoại di động của Nga...
Cả hai nhà lãnh đạo kiêu hãnh rằng, họ đã nâng tầm quan hệ hai nước trở thành mối quan hệ chiến lược; Nga và TQ gần đây đã có những cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở Địa Trung Hải và biển Nhật Bản.
Tại LHQ, họ cùng nhau phản đối các sáng kiến Mỹ đưa ra với Libya và Syria cũng như khá tương đồng nhìn nhận về Iran.
Nhưng ở đây vẫn có những giới hạn với các lợi ích chiến lược hai nước. TQ vẫn lo lắng các động thái của Nga tại Crưm, đặc biệt là ở Ukraina, nơi Bắc Kinh có nhiều đầu tư thương mại cũng như quân sự.
Họ cũng lo ngại việc sáp nhập Crưm có thể là tiền lệ cho những vùng lãnh thổ của TQ như Tây Tạng, Tân Cương.
Tại Trung Á, hai nước có nhiều cạnh tranh hơn là hợp tác hữu nghị, nhất là khi TQ mua năng lượng từ các nước vốn nằm trong không gian chịu ảnh hưởng truyền thống của Nga.