Ông Thôi Thiên Khải nói: “Bất cứ nơi nào mà tiến sĩ Kissinger đi đến để chia sẻ ý kiến của mình, tôi cũng sẽ đi theo để hòa vọng theo”.
Và rồi ông Thôi phát triển mạch tư tưởng của Kissinger “theo bản sắc Trung Quốc” như sau: “Chúng ta là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mỗi nước đều có những quan hệ rộng rãi với thế giới còn lại.
Thành ra, cả hai nước chúng ta đều cần đến một trật tự thế giới hiệu quả cùng sự ổn định trên thế giới. Chúng ta cùng có những lợi ích chung trong việc cùng nhau giải quyết mọi thách thức an ninh”.
Mạch tư tưởng “trật tự thế giới” đương đại mà ông Thôi nêu lại, gần đây đã được “người bạn thân nhất thế giới của Bắc Kinh” là cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger một lần nữa bắc loa nhắc lại bên lề đám tang ông Lý Quang Diệu ở Singapore: “Mỹ nên làm dịu bớt vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc trên biển Đông trên phương pháp kiên trì mà cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã vạch ra...
Ông Đặng đã phán rằng không phải mọi vấn đề đều phải được giải quyết bởi thế hệ này, mà hãy để cho thế hệ sau giải quyết, miễn là đừng để tình hình xấu hơn thêm”.
Cần biết ông Kissinger từng hơn 80 lần từ Mỹ sang Trung Quốc trong 43 năm qua và cuối tháng 3 vừa rồi còn lọm khọm sang thăm một lần nữa ở tuổi 92.
Sở dĩ nhà ngoại giao kỳ cựu này lên tiếng khuyên chính quyền Mỹ “làm dịu vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc trên biển Đông” là do gần đây chính quyền Obama đã kịch liệt lên án hành vi và thái độ của Trung Quốc trên biển Đông.
Thế nhưng, vị cố vấn của Bắc Kinh từ thập niên 1980 và của Tổng công ty Dầu khí hải dương (CNOOC) của Trung Quốc là Henry Kissinger đã ngó lơ thực tế là “để cho các thế hệ sau giải quyết”, thì hậu quả sẽ là ngay trước mắt.
Do lẽ bất chấp mọi phản kháng, Trung Quốc vẫn cứ một mình một cõi, như đại sứ Thôi diễn tả thái độ: “Đừng có ảo tưởng rằng ai đó có thể áp đặt Trung Quốc một sự giữ nguyên trạng đơn phương, và cũng đừng có ảo tưởng rằng ai đó cứ vi phạm chủ quyền của Trung Quốc mà không chịu hậu quả“.
Về việc lấn biển lập căn cứ, đại sứ Thôi thản nhiên giải thích rằng đó là những cơ sở phục vụ tàu bè các nước, và rằng ở đó cũng có các công sự phòng thủ.
Ông Thôi đơn giản lập luận: “Nếu các cơ sở không tự phòng vệ được thì làm sao phục vụ tàu bè các nước khác?”.
Trong một phỏng vấn mới đây trên báo Tài Tân của Trung Quốc, ông Kissinger được hỏi: “Trong quyển Trật tự thế giới, ông căn dặn rằng Mỹ - Trung có thể rút ra bài học từ Thế chiến thứ nhất. Bài học đó là gì?”.
Và Kissinger dạy bảo: “Đó là các nước có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột bằng cách làm những điều mà trên cơ sở ngày qua ngày thì có vẻ như hoàn toàn hợp lý, song sau đó đột nhiên thấy mình ở trong một tình huống không biết làm thế nào để thoát ra.
Trung Quốc và Mỹ nên nhớ rằng mặc cho có khác biệt như thế nào, lợi ích chung của hai bên là lớn hơn. Vì vậy, khi có vấn đề phát sinh, họ phải đối phó với nó bằng sự thỏa hiệp và không dưới áp lực”.
Việc ông Kissinger khuyên nước Mỹ là chuyện của ông với nước Mỹ! Nhưng khi khuyên như thế, ông đã cho thấy trên thế giới này chỉ có Trung Quốc và Mỹ.
Dường như ông cũng cố tình quên mất những tác động của lời khuyên đó đối với các nước bé trong cái “trật tự thế giới” mới ông đang dày công mô tả trong quyển World order - mà ngay cái bìa đã cho thấy Trung Quốc là ở giữa, còn xung quanh là “thiên hạ”.