Khi IS bị dùng làm "con bài mặc cả" với Mỹ ở Ramadi...

My Lan |

"Người Sunni dường như đã đi những nước cờ hay. Họ nói rằng họ không thích IS, nhưng họ cũng không ngăn chúng chiếm Ramadi và Fallujah".

"Oán giận và sợ hãi"

Cuộc chiến giành lại Ramadi đã bắt đầu gần như ngay sau khi thành phố này rơi vào tay IS hồi tháng Năm năm nay, dù rằng trong suốt một khoảng thời gian, nó tiến triển rất chậm chạp, rất nhiều binh sĩ đã tụ tập ở ngoại ô thành phố mà chẳng làm gì cả.

Tình hình "bi thảm" tới mức, Lầu Năm Góc đã tỏ ra rất thất vọng và từng tuyên bố sẽ không ủng hộ các lực lượng Iraq nữa, bởi nhận thấy họ không có đủ năng lực để đảm trách nhiệm vụ chống IS.

Nhà báo kỳ cựu người Kurd, ông Ayub Nuri nhận định: "Có lẽ, sự xấu hổ vì những tuyên bố của Mỹ và nỗi nhục mất đi thành phố này đã thúc đẩy quân đội Iraq hành động vào thời điểm này".

Tuy nhiên, cũng theo ông, lý do cho sự trì trệ và bế tắc trong giai đoạn đầu của chiến dịch tái chiếm Ramadi không chỉ nằm ở vấn đề về năng lực của binh sĩ.

Rất nhiều dân quân Shitte sẵn sàng tấn công, biểu ngữ thể hiện quyết tâm thậm chí đã được cắm trên những hàng rào chắn cát hay các phương tiện quân đội, nhưng người Ramadi (chủ yếu là người Sunni) luôn phản đối chiến dịch có sự góp sức của dân quân người Shitte.

Một thủ lĩnh bộ tộc Sunni vài tháng trước đã nói rằng, họ đã thấy sự huỷ diệt, chết chóc mà dân quân người Shitte mang tới Tikrit và Baji, và vì thế, họ không thể chào đón một lực lượng như vậy xuất hiện ở bất cứ đâu gần Ramadi.

Phóng viên người Kurd
Ayub Nuri
Sự oán giận và cả sợ hãi của người Sunni, cùng với viễn cảnh bị trả thù, đã khiến tất cả các cuộc tấn công trước đó bị ngăn chặn, chiến dịch tái chiếm Ramadi diễn ra rất chậm chạp.

"Những nước cờ hay"

Một lý do nữa khiến các chiến binh người Sunni "vẫn luôn ở đó nhưng còn do dự" đứng lên chống IS, theo nhà báo người Kurd, là "bởi họ không muốn giải phóng thành phố và rồi trao nó về tay Baghdad".

Dân quân người Sunni đã từng đánh đuổi al-Qeada khỏi Anbar, nhưng rồi gần như ngay sau đó, họ cảm thấy mình đã bị phản bội.

Chính quyền của Thủ tướng Nouri al-Maliki lại gọi họ là khủng bố và tống họ vào tù. Những người được họ bầu vào chính phủ và quốc hội bị truy tố ở Baghdad, còn nhà cửa thì bị lục soát.

"Người Sunni dường như đã đi những nước cờ hay. Họ nói rằng họ không thích IS, nhưng họ cũng không ngăn chúng chiếm Ramadi và Fallujah. Trên thực tế, họ đã dùng IS làm con bài mặc cả với chính phủ trung ương và Mỹ.

Người Sunni sẽ đánh đuổi IS với điều kiện là họ tự làm điều đó, người Shitte không được can thiệp vào, và sau khi giải phóng, họ sẽ điều hành thành phố này theo cách riêng".

Tất nhiên, quân đội Iraq bác bỏ tất cả những điều đó, nhưng người Mỹ thì có vẻ như đã lắng nghe. Nguồn tin bên trong Ramadi cho hay, Mỹ thậm chí đã cung cấp vũ khí cho họ".

Thêm nữa, nhà báo Nuri chỉ ra, mưu mô, thủ đoạn, cạnh tranh lẫn nhau đang "len lỏi" và các bộ tộc người Sunni.

Ngày hôm nay họ có thể sát cánh bên nhau, nhưng rồi một lúc nào đó, những bất đồng sẽ lại nổi lên. Thủ lĩnh các bộ tộc và các cựu lãnh đạo của Sahwa (liên minh các bộ tộc người Sunni chống al-Qeada) thì đấu đá tranh giành quyền lực và tầm ảnh hưởng.

Trước đây, họ từng không có một chỉ huy thống nhất, còn giờ đây, hàng nghìn người Sunni đứng lên cầm vũ khí chống IS đã cam kết trung thành với một thủ lĩnh mới.

Thủ lĩnh mới được người dân một lòng đi theo

Chiến dịch tái chiếm Ramadi hiện đang được tiến hành với sự tham gia của quân chính phủ Iraq và Hashid al-Ashairi - một lực lượng mạnh mẽ gồm 30.000 người Sunni, cùng sự trợ giúp từ phía Mỹ.

Thủ lĩnh mới của lực lượng dân quân người Sunni chính là Thống đốc Anbar, ông Suhaib al-Rawi, một thành viên của đảng Hồi giáo Iraq (nhiều thành viên và quan chức thuộc đảng này sống trong các khu vực của người Sunni).

Ông được bầu làm thống đốc Anbar chỉ vào tháng trước khi IS chiếm đóng vùng này.

Người ta nói rằng người dân Anbar, và đặc biệt là ở Ramadi ủng hộ và một lòng đi theo ông al-Rawi bởi vị thống đốc mới này giữ quan điểm trung lập, không đứng về phía các bộ tộc hay chính phủ, và chỉ tập trung làm tốt công việc của mình.

Thống đốc Al-Rawi đã đưa gia đình mình tới nơi an toàn trong khu vực của người Kurd và trực tiếp giám sát chiến dịch ở Anbar.

Nhà báo người Kurd
Ayub Nuri
Bây giờ, hàng nghìn người quyết định đứng lên chống IS là theo tiếng gọi của ông và coi ông như chỉ huy của mình... Giờ đây, khi mà họ cảm thấy bị các thủ lĩnh của mình phản bội, thì thống đốc mới dường như là người hướng dẫn, chỉ lối cho họ vượt qua những giai đoạn khó khăn này.

"Còn quá sớm để biết điều gì đang chờ đợi Anbar phía trước hay chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào, nhưng nếu những người dân thường nhận ra rằng chính quyền dân sự là bạn tốt, họ đặt cược vào thống đốc của mình, thì đó là dấu hiệu tốt, là một bước tiến về phía trước.

Ông còn tại nhiệm hơn 3 năm nữa và nếu được sự ủng hộ của Baghdad, người Mỹ và những lực lượng khác, ông có thể mang tới hoà bình, ổn định cho vùng đất đang gặp khó khăn này". nhà báo Nuri kết luận.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại