Theo tin từ Cambodia Daily, Quốc hội Campuchia đã bỏ phiếu sáng hôm nay (30/10) để quyết định tương lai của Kem Sokha. Với 100% lượng phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ tham gia bỏ phiếu, ông Kem Sokha đã chính thức phải rời ghế phó Chủ tịch Quốc hội Campuchia.
Cuộc bỏ phiếu này đã diễn ra với sự tham gia của 68 nghị sĩ đảng cầm quyền CPP, và tất cả đều bỏ phiếu chống lại Kem Sokha. Trong khi đó, tất cả 55 nghị sĩ đảng đối lập CNRP đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu để phản đối.
"Theo kết quả cuộc bỏ phiếu sáng nay về việc tước bỏ chức vụ phó Chủ tịch Quốc hội của Ngài Kem Sokha, tôi xin tuyên bố Ngài Kem Sokha đã chính thức không còn là phó Chủ tịch Quốc hội" - Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin phát biểu trước nghị viện sáng nay.
Ông Kem Sokha cũng như phía CNRP chưa có tuyên bố chính thức nào về việc này.
Chính trường Campuchia đã nóng lên từ thứ hai đầu tuần (26/10), với một cuộc biểu tình kêu gọi ông Kem Sokha từ chức diễn ra bên ngoài tòa nhà Quốc hội nước này.
Buổi trưa cùng ngày, hai nghị sĩ đảng đối lập CNRP Nhoy Chamreoun và Kong Saphea đã bị một nhóm người không rõ danh tính tấn công ngay sau khi rời tòa nhà Quốc hội Campuchia. Hai ông này đã bị thương nặng và hiện đang được điều trị tại Thái Lan.
Sau đó, đến lượt phó Tổng tư lệnh các lực lượng Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF), Đại tướng Kun Kim, trình thư kêu gọi Quốc hội bãi bỏ chức vụ phó Chủ tịch của ông Kem Sokha. Một nhóm binh sĩ cũng tập hợp giăng biểu ngữ kêu gọi cách chức Kem Sokha.
Kem Sokha hiện đang giữ chức phó Chủ tịch đảng đối lập CNRP. Được biết đến với những hành vi kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan để vu cáo Việt Nam, Kem Sokha từng trắng trợn tuyên bố nhà tù Tuol Sleng tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ là do Việt Nam dựng lên.
Sau khi được phát trên các phương tiện truyền thông, những phát biểu sai trái này của Kem Sokha đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội. Nhiều người dân đã ra đường biểu tình phản đối Kem Sokha, một số còn đệ đơn kiện nghị sĩ này lên tòa án.
Trong khi chính phủ Việt Nam và Campuchia tiến hành phân giới cắm mốc mùa hè vừa qua, Kem Sokha và một số nghị sĩ CNRP liên tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc về bản đồ biên giới, gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ ngoại giao hai nước.