Kể cả có bị Nga-Mỹ quét sạch, IS vẫn sẽ không bao giờ "chết"

Đức Huy |

Theo nhà nghiên cứu lý luận chính trị John Mearsheimer trong một bài phỏng vấn đăng trên al-Jazeera, đánh bại hoàn toàn IS có thể nói là một nhiệm vụ bất khả thi.

Nhà lý luận chính trị
John Mearsheimer
Giáo sư Mearsheimer là một nhà nghiên cứu lý luận chính trị người Mỹ, được biết đến với trường phái tân hiện thực trong quan hệ quốc tế. Các nghiên cứu của ông bỏ qua mọi yếu tố lời lẽ, văn vẻ trong chính trị để xoáy sâu vào thực tế quan hệ giữa các nước. Ông là tác giả của 2 cuốn sách nổi tiếng: Thảm kịch của Chính trị Siêu cường (2001), và Sự thật về những lời Dối trá trong Chính trị Quốc tế (2011).

Hãng tin al-Jazeera mới đây đã có dịp được phỏng vấn ông Mearsheimer về tình hình Trung Đông hiện nay, trong đó nổi bật là chiến dịch chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), với sự tham gia của liên quân do Mỹ đứng đầu, và bộ đôi Nga-Syria.

Dưới đây là một số nội dung chính của bài phỏng vấn.

Al Jazeera: Ông nghĩ sao về chiến dịch chống khủng bố IS do Mỹ đứng đầu?

John Mearsheimer: Theo tôi thì phương Tây - ở đây chủ yếu tôi muốn nói đến Mỹ - có một chiến lược khá rạch ròi để chống lại IS, nhưng chiến lược này cũng có nhiều lỗ hổng.

Có 2 nét chính trong cách tiếp cận của Mỹ: thứ nhất là ý đồ lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và thứ hai là kết hợp không kích với các lực lượng bộ binh địa phương để đánh bại IS.

Tuy nhiên, vấn đề là vào lúc này, Nga, Iran, và Hezbollah đều cương quyết giúp Assad tại vị, và như vậy Mỹ và phương Tây không tài nào có thể ép Assad từ chức được.

Kết quả là giờ đây Mỹ lại bị cuốn vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga vì Assad, qua đó khiến Washington sao nhãng mục tiêu chống lại IS.

Quan trọng hơn, anh không thể nào tiêu diệt IS hoàn toàn được, vì anh không thể nào tiêu diệt một hệ tư tưởng.

Đương nhiên nếu Mỹ và các cường quốc châu Âu điều động một lượng lớn bộ binh tới Syria và Iraq, họ sẽ đánh bại được IS trong một cuộc chiến tranh theo đúng nghĩa, nhưng vấn đề là các phần tử IS sẽ không đánh.

Chúng sẽ lẩn trốn vào các thành thị lân cận, đúng như những gì Taliban trước kia đã làm, và gây ra hai hậu quả: thứ nhất, chừng nào phương Tây còn hiện diện ở Syria và Iraq, các phần tử khủng bố sẽ còn tiếp tục xuất hiện.

Thứ hai, một khi Mỹ và các đồng minh rời khỏi Trung Đông, các phần tử khủng bố IS sẽ tái xuất, cũng đúng như những gì Taliban đã làm trước kia tại Afghanistan.

Do đó, xin nhắc lại, cố gắng lật đổ Assad vào lúc này không hợp lý một chút nào, khi đã có sự can thiệp của Nga.


Ông Mearsheimer: Cố gắng lật đổ Assad vào lúc này không hợp lý một chút nào, khi đã có sự can thiệp của Nga. Ảnh: Telegraph

Ông Mearsheimer: "Cố gắng lật đổ Assad vào lúc này không hợp lý một chút nào, khi đã có sự can thiệp của Nga". Ảnh: Telegraph

Al Jazeera: Một số nhà phân tích cho rằng cách duy nhất để đánh bại IS là điều động bộ binh. Mỹ đã điều động một lực lượng đặc nhiệm tới Syria và hiện có một lượng binh sĩ đóng sẵn tại Iraq. Ông nghĩ sao? 

Mearsheimer: Ở đây có 2 vấn đề. Nước nào sẽ đứng ra điều bộ binh chống lại IS?

Tất cả đều hiểu rằng IS không thể bị đánh bại chỉ bằng các đợt không kích, và chúng ta cần bộ binh. Thé nhưng Mỹ - và đương nhiên cả các nước châu Âu - đều không muốn làm như vậy vì họ vẫn còn nhớ những gì đã xảy ra tại Afghanistan, cũng như những gì đã xảy ra tại Iraq.

Điều bộ binh chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Cách tốt nhất là kêu gọi quân đội các nước trong khu vực điều bộ binh, đồng thời Mỹ và châu Âu sẽ hỗ trợ bằng các đợt không kích. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không một nước nào tại Trung Đông mặn mà với việc điều quân bộ chống IS.

Nhưng kể cả trong tình huống giả định là phương Tây đem quân tới Iraq và Syria và đánh bại được IS trên chiến trường, qua đó chiếm lại phần lãnh thổ trước kia nằm trong kiểm soát của IS, thì về lâu về dài chiến thắng này cũng vô nghĩa, đơn giản bởi anh không thể đánh bại được một hệ tư tưởng.

Các phần tử khủng bố IS sẽ không đánh trực diện quân đội Mỹ. Thay vào đó chúng sẽ trà trộn, ẩn náu bên trong các khu thành thị cũng như nông thôn lân cận, và chờ thời cơ tái xuất. Do đó, không có một giải pháp quân sự nào có thể đánh bại IS.

Al Jazeera: Thất bại của tình báo Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq đang được mổ xẻ rất nhiều trong thời gian gần đây. Theo ông sự nổi lên của IS có bao nhiêu phần trách nhiệm thuộc về Mỹ?

Mearsheimer: Tôi nghĩ không có gì phải bàn cãi về việc Mỹ là nước phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho sự xuất hiện của IS. Không hề có IS trước khi Mỹ đem quân tới Iraq, và IS chính là hệ quả của việc Washington lật đổ Saddam Hussein.

Một sai lầm khác của Mỹ là từ năm 2011, họ cương quyết lật đổ Assad, và điều đó đã góp phần gây ra nội chiến Syria hiện nay. Bất ổn tại Syria cùng với "đống đổ nát" tạo ra tại Iraq đã mở ra một phần lãnh thổ mênh mông để IS thừa cơ chiếm đóng và phát triển.

Do đó, không có gì phải bàn cãi, Mỹ phải chịu trách nhiệm chính cho sự nổi lên của IS.

Al Jazeera: Theo ông liệu Mỹ có cố ý làm như vậy?

"Không có gì phải bàn cãi, Mỹ phải chịu trách nhiệm chính cho sự nổi lên của IS" - John Mearsheimer

Mearsheimer: Điều đáng kinh ngạc nhất là chính phủ Tổng thống Bush không hề tính đến việc sẽ gặp rắc rối tại Iraq. Họ cứ nghĩ là Mỹ có thể đem quân đến đây, lật đổ Saddam Hussein, đưa một lãnh đạo "tốt" lên nắm quyền tại Baghdad, xong cứ thế mà sang các nước khác trong khu vực rồi làm tương tự.

Đây thực sự là một cách tiếp cận ngu ngốc đến kinh ngạc khi không hề tính đến hậu quả tại Iraq, và kết quả là Mỹ đã tạo ra một mớ bòng bong hỗn loạn, mở đường cho IS xuất hiện.

Al Jazeera: Tổng thống Barack Obama đã gần hết nhiệm kì, ông đánh giá thế nào về các chính sách Trung Đông của Obama? Có phải ông Obama cũng đang học theo Bush?

Mearsheimer: Tôi nhận thấy rất nhiều nét tương đồng giữa những gì Obama đang làm tại Trung Đông và những gì Bush đã làm tại Trung Đông, trử một khác biệt cơ bản: Bush xâm chiếm 2 quốc gia (Afghanistan và Iraq) bằng bộ binh, nhưng Obama hiểu rằng đây là sai lầm, nên ông cương quyết không làm điều tương tự tại Syria.

 


Obama không muốn đi vào vết xe đổ của Bush.

Obama không muốn đi vào vết xe đổ của Bush.

Tuy vậy, Tổng thống Obama, cũng giống như người tiền nhiệm Bush, quyết làm mọi thứ có thể để đi đến thay đổi chế độ tại Trung Đông.

Cũng như Bush, Obama muốn dùng vũ lực để thay đổi diện mạo Trung Đông. Và như chúng ta đã biết, Mỹ đóng vai trò đầu tàu trong việc lật đổ chính phủ Muammar Gaddafi tại Lybia năm 2011, và Mỹ đã can dự sâu vào Syria hòng lật đổ chế độ tại đây kể từ giữa những năm 2000, khi Bush còn đương nhiệm.

Obama không hề thay đổi chính sách này dù chỉ một chút. Ông cũng cương quyết trung thành với suy nghĩ rằng Assad phải rời ghế.

Do đó, trên nhiều phương diện ở triều đại Bush cũng như Obama, Mỹ là một thế lực thay đổi cục diện ở Trung Đông. Và nếu nhìn vào phát biểu của các ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng hiện nay, chính sách cương quyết thay đổi chế độ tại Trung Đông sẽ còn tiếp tục trong triều đại Tổng thống sắp tới.

Al Jazeera: Nhưng chẳng phải quan điểm số đông hiện nay là Mỹ dưới thời Obama áp dụng chính sách không can thiệp sâu vào tình hình chính trị bất ổn Trung Đông hay sao?

Mearsheimer: Đúng là Mỹ đã rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh là Obama sẽ không bao giờ từ bỏ Afghanistan, Mỹ sẽ còn đóng quân, dù không đáng kể về mặt số lượng, tại Afghanistan trong tương lai gần.

Còn về Iraq, Mỹ đã bắt đầu điều động lực lượng đặc nhiệm quy mô nhỏ trong chiến dịch chống lại IS, do đó có thể nói chúng ta đã trở lại Iraq.

Không có gì phải bàn cãi về việc Mỹ không muốn điều động một lượng lớn bộ binh tới Trung Đông, nhưng xét về tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Syria và Iraq, họ vẫn đang can thiệp sâu vào tình hình hiện nay, chỉ khác ở chỗ họ chỉ làm điều đó bằng không kích và những lực lượng đặc nhiệm trên bộ mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại