IS tuyên chiến với Tổng thống Putin, dọa tấn công ở Nga

Vĩnh Thụy |

Báo Moscow Times nêu việc Nga không kích quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria khiến tổ chức này sẽ tuyên chiến với Tổng thống Putin.

Các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bọn khủng bố tấn công trên đất Nga để trả thù.

Ông Sergei Goncharov, chuyên gia chống khủng bố, hiện là chủ nhiệm một tổ chức cựu binh đặc nhiệm Alpha của Nga, nói với báo Moscow Times: “Hồi giáo cực đoan chẳng thích việc Nga can thiệp vào Syria, chúng sẽ tìm cách phản ứng với tình hình hiện nay, theo nhiều cách khác nhau”.

Sự đe dọa trả thù Nga không mới. Từ trước khi Nga triển khai hiện diện quân sự ở Syria hồi tháng 9, tổ chức IS đã xếp Nga là kẻ thù của chúng.

Tháng 9.2014, sau khi tuyên bố cướp được một chiến đấu cơ MiG do Nga sản xuất tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Raqqa, Iraq (nay được IS coi là thủ phủ của tổ chức này) lần đầu tiên quân khủng bố IS tuyên chiến với Tổng thống Nga Putin.  

Lúc đó có đoạn video đưa lên YouTube, một tay súng nói: “Thông điệp này gửi cho Vladimir Putin! Đây là máy bay Nga giao cho Assad. Chúng tôi sẽ đưa nó đến gặp ông. Nhớ đấy!”.

Nhưng việc Nga quyết không kích IS đã khiến IS chuyển qua hành động trả thù, theo các chuyên gia.

Mối nguy hiểm ngay trong lòng nước Nga

Nga từng đánh Hồi giáo cực đoan đòi ly khai ở Chechnya, nhiều lần bị quân khủng bố tấn công, nhưng trong 18 tháng qua, an ninh Nga đã kiểm soát được bọn khủng bố, chí ít là không cho chúng thực hiện các vụ bạo lực gây thương vong lớn.

Hiện có khoảng 2.400 người Nga - chủ yếu người Chechnya và Dagestan theo đạo Hồi ở miền nam Nga - đang phục vụ cho IS ở Syria, theo Phó cục trưởng An ninh liên bang Nga (FSB) Sergei Smirnov nói hồi tháng 9.

Hầu hết các vụ tấn công khủng bố lớn ở Moscow, từ vụ bắt con tin nhà hát Nord Ost năm 2002 cho đến vụ đánh bom kép xe điện ngầm năm 2010, đều do bọn khủng bố Chechnya và Dagestan tiến hành.

Khi những tay súng này đi chiến đấu ở Trung Đông thì Nga an toàn hơn, theo Simon Saradzhyan, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm các vấn đề quốc tế Belfer, một tổ chức nghiên cứu thuộc đại học Harvard (Mỹ), nhận xét.

Ông Simon nói: “Chúng còn ở đấy thì mối đe dọa khủng bố ở Nga thật sự giảm hẳn. Nga càng tiêu diệt được nhiều tên khủng bố ở Syria thì sẽ chỉ còn ít tên trở về”.

Nhưng theo nhà phân tích Alexei Malashenko của Trung tâm Carnegie (Moscow), số tay súng Nga - Trung Á thực sự chiến đấu cho IS gần 7.000 tên, trong số ấy hàng trăm tên đã trở về lãnh thổ Nga.

Chính phủ Nga đã tăng cường an ninh nội địa, sau các cuộc không kích ở Syria. Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói các lực lượng FSB, Ủy ban quốc gia chống khủng bố và quân đặc nhiệm đã được đặt trong tình trạng báo động.

Chính phủ Nga quyết không thỏa hiệp

Quân khủng bố thường chọn tấn công các mục tiêu có tính biểu tượng, thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

Tại Nga, chúng từng bắt hàng trăm con tin gồm nhiều trẻ em, cử các nhóm nữ đánh bom tự sát phối hợp, tấn công những nơi tập trung nhiều cơ quan truyền thông (của cả nước ngoài) ở Moscow, theo ông Malashenko.

Các cuộc tấn công khủng bố trước đây chủ yếu nhắm vào chính quyền Nga ở vùng Bắc Caucasus chứ không ở nước ngoài, không gây được sức ép buộc chính quyền Nga phải thay đổi các chính sách.

Còn ở các nước khác, bọn khủng bố thường nhắm vào các mục tiêu nhằm buộc chính phủ phải thay đổi nhân sự. 

Ví dụ quân khủng bố từng tổ chức đánh bom đoàn xe lửa ở Madrid năm 2004, khi Tây Ban Nha hỗ trợ chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq.

Nga từng đàm phán với quân khủng bố khi xảy ra vụ bắt con tin năm 1995 ở thành phố Budyonnovsk thuộc vùng Stavropol. Chúng thực hiện vụ này nhằm buộc Điện Kremlin trở lại bàn đàm phán với quân ly khai Chechnya.

Nhưng từ khi ông Putin nắm quyền lực vào năm 2002, Nga chủ trương không đàm phán với quân khủng bố, theo nhà phân tích Saradzhyan.

Ông Putin kiên quyết không đàm phán với bọn ly khai Chechnya, ngay cả sau vụ bắt con tin ở trường Beslan năm 2004 làm 350 người chết, hơn một nửa là trẻ em, khiến cả thế giới bị sốc.

Saradzhyan nói: “Dù IS có tấn công trên lãnh thổ Nga cũng không làm thay đổi được chính sách của Nga về IS”.


Quân khủng bố 

Quân khủng bố 

Nguy cơ người Nga ở Syria bị trả thù

Hầu hết các nhà phân tích nói vụ Nga không kích IS không dẫn đến việc quân khủng bố sẽ tấn công đáp trả lập tức.

Nhưng mối nguy ấy càng tăng lên nếu Nga bị kéo sâu vào cuộc nội chiến ở Syria. Các cuộc không kích có thể tiêu diệt một số kẻ thù, nhưng nó lại tạo ra nhiều kẻ thù mới cho Nga.

Lãnh đạo phương Tây luôn thể hiện sự lo ngại Nga không chỉ tấn công IS, mà còn đánh cả các nhóm nổi dậy chống nhà cầm quyền Syria.

Nhà phân tích Saradzhyan nói Nga đánh luôn các nhóm này thì sẽ gieo thêm làn sóng bạo lực mới. Các nhóm ấy sẽ càng ghét Nga, đòi trả thù.

Ông Yury Barmin, một chuyên gia về Trung Đông, nói các chuyên gia quân sự và dân thường Nga ở Syria bị nguy cơ bọn khủng bố đe dọa tấn công nhiều nhất. 

Ông nói thêm: “Tôi còn cho rằng sự liên quan của Nga ở Syria có thể gây nguy hiểm cho tín đồ đạo Chính thống Nga ở vùng duyên hải Syria. 

Tuần qua, Giáo chủ Chính Thống giáo Nga Kirill công khai ủng hộ việc Nga không kích ở Syria. Người phát ngôn của ông gọi cuộc chiến chống khủng bố ở Syria của Nga là “một cuộc thánh chiến”.

Ngày 5.10, báo Newsweek (Mỹ) đưa tin 41 bè phái nổi dậy đã kêu gọi tổ chức thánh chiến jihad chống Nga và Iran. Họ ra tuyên bố “Nga chiếm đóng bạo tàn, cắt hết mọi con đường dẫn đến một giải pháp chính trị”.

Nhóm này có “ô dù” là nhóm nổi dậy "Bộ binh Syria tự do" (FSA) nói cuộc hợp tác quân sự này là cần thiết để “chống liên minh Nga - Iran chiếm đóng Syria”.

Họ tố cáo Nga ném bom dân thường ở phía tây Syria. 41 tổ chức ký cam kết hợp tác quân sự này không có IS và Mặt trận Nusra (một nhánh con ở Syria của tổ chức khủng bố Al-Qaeda).

Hôm 2.10, một giáo sĩ có quan hệ với Mặt trận Nusra tuyên bố: “Syria sẽ là mồ chôn bọn xâm lược”, theo AP.

Trong khi đó, một nhóm giáo sĩ Hồi giáo ở Saudi Arabia kêu gọi các nước Ả rập và theo đạo Hồi ủng hộ thánh chiến jihad đánh Tổng thống Syria Bashar Assad và Iran.

Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Qatar đang ủng hộ những nhóm quân nổi dậy chống chế độ Assad.

Những nhóm này đã kêu gọi nhóm nước ủng hộ cung cấp thêm vũ khí mạnh cho họ, chẳng hạn hệ thống phòng không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại