Trung Quốc "quyến rũ" Iran
Tờ Cankaoxiaoxi (Trung Quốc) đưa tin, Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong cuộc hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước đã nói rằng ông không tin Mỹ bởi Washington "không có ý định chống khủng bố".
Ông Khamenei hy vọng mở rộng quan hệ với "một quốc gia có chính sách độc lập" như Trung Quốc. Đồng thời, Tehran xây dựng quan hệ với Bắc Kinh cũng không gây tổn hại đến Saudi Arabia.
Giới quan sát đánh giá, Trung Quốc đang cố duy trì thế cân bằng trong cuộc đối đầu quyền lực giữa các cường quốc trên thế giới, nhằm đạt được những mối giao dịch mang lợi ích cho họ.
Ngay sau khi ông Tập kết thúc chuyến công du Trung Đông và trở về Bắc Kinh hôm 24/1, Báo Độc lập (Nga) ngày 25 đã đăng tải bài phân tích "Nga-Trung tranh đoạt ảnh hưởng ở Iran".
Báo Nga chỉ ra, truyền thông Trung Quốc rầm rộ đăng tải các bài viết tán dương thành quả chuyến đi của Tập Cận Bình, đặc biệt là việc Trung Quốc-Iran nhất trí xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, "đẩy quan hệ song phương lên nấc thang mới".
Bắc Kinh cũng ủng hộ mạnh mẽ việc Iran xin gia nhập Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Nga cũng là một thành viên.
Đồng thời, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng "Iran sẽ khắc ghi sự hỗ trợ và ủng hộ của Trung Quốc trong suốt thời gian qua, cảm tạ sự công hiến của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy giải quyết vấn đề hạt nhân Iran bằng giải pháp chính trị."
Như một minh chứng cho mối quan hệ thân thiết, Tehran khẳng định "trong tình hình mới, Iran sẵn sàng tích cực tham gia sáng kiến 'một vành đai một con đường' của Trung Quốc, phối hợp và trao đổi mật thiết về các sự vụ quốc tế".
Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Thêm một mối đe dọa cho Nga
Theo Cankaoxiaoxi, khi lãnh đạo Nga, Trung thực hiện các chuyến công du qua lại, song phương cũng bàn đến "quan hệ đối tác chiến lược".
Điều này đã đưa đến vấn đề mới: Quan hệ Trung Quốc-Iran đã "nhảy vọt" lên ngang bằng với quan hệ Nga-Trung? Hay nói cách khác, Bắc Kinh có ý định xem Tehran như một đối trọng với Moscow?
Yakov Berger, chuyên gia về Trung Quốc tại Sở nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện khoa học Nga, chỉ ra: "Khi định tính quan hệ với các quốc gia khác nhau, người Trung Quốc sử dụng cách thể hiện có phần khác biệt.
Ví dụ, Tập Cận Bình phát biểu tại Học viện quan hệ quốc tế Moscow năm 2013 nói, Nga-Trung đã xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện."
Theo ông Berger, Bắc Kinh xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia, song cách thể hiện của ông Tập tại Nga "mang nhiều sắc thái nhấn mạnh hơn".
Còn việc Trung Quốc ủng hộ Tehran gia nhập SCO là động thái rõ rệt cho thấy nước này muốn bành trường tầm ảnh hưởng bên trong chính SCO và cả đối với Iran. Ở một mức độ nào đó, cả 2 mục đích này đều xung đột với lợi ích của Nga.
Học giả người Nga cho rằng, Bắc Kinh buộc phải duy trì tình trạng cân bằng giữa "thân Trung" và "thân Nga" của SCO.
Nhưng do Trung Quốc có nguồn lực tài chính dồi dào và nhấn mạnh giá trị kinh tế cao hơn địa chính trị của SCO, Bắc Kinh "vô tình" củng cố dần vị thế lãnh đạo khối của mình.
Yakov Berger bình luận: "Đối với Trung Quốc, điều quan trọng là gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông. Hiện tại họ tuân thủ nghiêm ngặt phương châm: Không phụ thuộc vào bên nào, duy trì cân bằng quyền lực, trỗi dậy một cách độc lập."
Trước ông Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành chuyến công du Iran vào tháng 11/2015.
Ủng hộ Iran gia nhập SCO, Trung Quốc muốn giành "ghế trên" với Nga trong tổ chức này?
Bắc Kinh và Moscow đều ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với chương trình hạt nhân của Iran, nhưng cũng nỗ lực tháo gỡ một phần lệnh cấm vận nhằm "để ngỏ" cơ hội giao dịch về sau với Tehran.
Trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở Iran, Nga và Trung Quốc có những hướng đi rất khác nhau.
Đối với Trung Quốc, Iran trước hết là một trong những nhà cung cấp năng lượng hàng đầu.
Trong khi đó, Nga kỳ vọng đẩy mạnh hợp tác với Tehran ở lĩnh vực vận tải và công nghiệp. Đây là các hướng đi của Moscow nhằm thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu thế giới giảm, cũng như tham gia kiểm soát các tuyến giao thông hàng hóa Á-Âu mà Trung Quốc sử dụng để "vòng qua" Nga.
Hiện Nga-Iran đã xây dựng được cơ sở hợp tác tốt trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Các lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động ở Bushehr, Iran được hoàn thành dưới sự hỗ trợ của Nga.
Về phía Trung Quốc, Tehran và Bắc Kinh đã ký kết 17 văn kiện hợp tác sau chuyến thăm của Tập Cận Bình, đặc biệt cũng bao gồm hợp tác về năng lượng hạt nhân.
Với "hầu bao dày", Trung Quốc hứa hẹn đẩy quy mô thương mại song phương với Iran lên 600 tỉ USD trong vòng 10 năm.
Sau tín hiệu cạnh tranh khá rõ ràng từ Bắc Kinh, Moscow có thể sẽ phải lo ngại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang "qua mặt" họ khi giành ảnh hưởng ở Trung Á cũng bằng quân bài kinh tế.