Học giả Mỹ khuyên 'Công chúa'…Ukraine đừng tin Hiệp sĩ Mỹ

Huy Bình |

Theo các chuyên gia Mỹ, Kiev hiện đang biến thành “hố đen”, châu Âu chẳng thiết tha, Hoa Kỳ cũng dần lảng xa, nên quay về với Nga.

Ukraine: Nàng công chúa vỡ mộng về “Hiệp sĩ” Mỹ

Nhà khoa học chính trị người Mỹ Doug Bandow vừa có một bài viết đăng trên tạp chí Forbes về mối quan hệ giữa Ukraine với Nga, và với Mỹ, cùng Liên minh châu Âu. Trong đó, ông đã có những nhận xét mà chính quyền Kiev nên nghiêm túc suy nghĩ.

Vị chuyên gia Mỹ khuyên rất thực lòng là giới chức lãnh đạo Ukraine nên ngừng tin vào câu chuyện cổ tích hiện đại, coi mình như “Nàng công chúa” gặp nạn từ phía “Phù thủy” Nga, ngồi chờ sự giải cứu của “Chàng hiệp sĩ” trong bộ áo giáp sáng ngời là phương Tây.

Theo phân tích của ông Bandow, sự thật khó chịu thể hiện ở chỗ, sau khi đã đạt được mục đích là lật đổ chính quyền thân Nga của ông Viktor Yanukovych rồi, Hoa Kỳ và châu Âu không còn được gì trong canh bạc Ukraine, mà ngày càng thấy Kiev là “kẻ gây rắc rối”.

Lợi ích kinh tế từ việc liên kết Ukraine vào EU sẽ nhỏ nhặt chẳng đáng kể và nếu có cũng chỉ cảm nhận được sau nhiều năm. Hiện nay, về kinh tế, Kiev đang là một hố đen, nuốt chửng mọi khoản tiền viện trợ của Liên minh châu Âu và khoản vay từ các tổ chức tài chính.

Tác giả của bài viết trên Forbes đánh giá, người châu Âu không thể hiện nguyện vọng gì đặc biệt để giúp đỡ Ukraine, trong khi đó, Hoa Kỳ ngày càng ít quan tâm đến khu vực này, mặc kệ chính quyền Kiev kêu gọi và lâu lâu lại có một hành động nào đó để gây sự chú ý.

Vị chuyên gia Mỹ nhận định, cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu đều không sẵn sàng cho chế tài trừng phạt nghiêm trọng, để có thể hạ gục nền kinh tế Nga. Trong khi cấm vận chặt chẽ, họ vẫn “lách luật” hợp tác với Nga, mỗi khi xiết chặt vòng vây, họ lại chừa ra kẽ hở để “thò tay” vào thu lợi ích.

Họ không muốn chiến tranh với Nga và vẫn có lợi ích chung với Moscow, và như thế có nghĩa là Kiev đang hành động một mình một ý mình.

Với lối nghĩ kỳ quặc để chặt hết đường đi lại với Nga, giới lãnh đạo Ukraine chỉ đang tự bộc lộ sự ngu ngốc - chuyên viên Doug Bandow nhận xét.

Ngoài ra, tác giả bài viết cho biết, ông không biện minh cho cách hành xử của Nga, nhưng khuyến cáo Kiev nên lắng nghe các cư dân Crimea để biết những người dân này muốn gì.

Ông Doug Bandow bình luận, trong suốt chặng dài lịch sử của mình, Crimea là một phần của nước Nga và chỉ có thời gian rất ngắn gắn bó với Ukraine. Nếu như đại đa số cư dân bán đảo muốn trở về trong thành phần Liên bang Nga thì nguyện vọng ấy cần được tôn trọng.

Theo vị chuyên gia Mỹ, Hoa Kỳ đã dùng bàn tay bẩn thỉu ném bom, xâm chiếm và xé tan các nước khác để phục vụ cho lợi ích của mình, đều hoàn toàn không tính đến lợi ích của các nước này, cũng như bất chấp các chuẩn mực pháp lý quốc tế.

Condoleezza Rice: Chính quyền Kiev đừng ngồi chờ trợ giúp

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice khuyên Ukraine nên tự lực, đừng trông chờ trợ giúp
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice khuyên Ukraine nên tự lực, đừng trông chờ trợ giúp

Cũng có quan điểm tương tự như ông Bandow nhưng khác về tính chất, bà Condoleezza Rice - cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố thẳng thừng rằng, chính quyền Ukraine nên tập trung lo quản lý đất nước và tự lực phát triển kinh tế, chứ đừng cứ thụ động ngồi chờ được giúp đỡ.

"Nước các vị trong 25 năm qua đã có ba cuộc cách mạng, một cuộc thành quốc gia độc lập (1991), một cuộc Cách mạng Cam (2004) và gần đây nhất là cuộc cách mạng Maidan năm 2014.

Có lẽ cuối cùng các vị cũng nên bắt đầu quản lý nhà nước chứ?” - bà Condoleezza Rice nói.

Tờ “Evropeyskaya pravda” dẫn lời vị nữ cựu ngoại trưởng Mỹ cho biết, Hoa Kỳ muốn thấy một quốc gia Ukraine hùng mạnh và đủ sức sống.

Nhưng để được như vậy thì ban giới chức lãnh đạo Kiev phải hoạt động, người Ukraine cần nhận lấy trách nhiệm quản lý đất nước của họ.

Bà Rice nhấn mạnh rằng, ngoài người Ukraine ra thì không một ai có thể quản lý quốc gia của mình. Vì thế, Kiev không nên chỉ ngồi chờ đợi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Bà này cho rằng, đã đến lúc Ukraine phải tập trung tự lực xây dựng nền kinh tế, đã đến lúc chính quyền Kiev phải lo lắng về cách làm việc của Chính phủ; và cũng đã đến lúc mà các công dân nước này cần làm những gì mà họ phải làm.

Tuyên bố của bà Rice dường như là một sự quay ngoắt lập trường 180 độ khi mới đầu tháng 12-2015, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hùng hồn phát biểu trước Verkhovna Rada rằng, Quốc hội Ukraine sẽ đi vào lịch sử. khi “cả thế giới đang dõi theo các bạn”.

"Các bạn đang đứng trước một cơ hội làm nên lịch sử, các bạn sẽ được ghi nhớ, đây là quốc hội đi vào lịch sử, thiết lập trụ cột tự do mới, quốc hội mà người dân Ukraine mong muốn và chờ đợi" - ông Joe Biden tuyên bố trước các nghị sĩ Ukraine - kênh 112 Ukraine đưa tin.

Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng, chăm chú theo dõi Rada là "cả thế giới", bao gồm tất cả những ai ủng hộ Ukraine trong các cuộc chiến chống sức ép của Nga và "ung nhọt tham nhũng”, Washington sẽ tiếp tục gây áp lực với Moscow để xúc tiến thực hiện thỏa thuận Minsk.

Ông Biden nhấn mạnh, Ukraine được sự ủng hộ của "cả thế giới", bao gồm nước Mỹ và nhân dân Mỹ, trong đó có gần 1 triệu người Mỹ gốc Ukraine; của các nước châu Âu và các nước láng giềng quan tâm đến sự thành công của nền dân chủ Kiev.

Vị Phó Tổng thống Mỹ ca ngợi, nhân dân Ukraine là những người yêu chuộng tự do thế giới và bày tỏ sự tin tưởng rằng, nếu cuộc bầu cử tự do ở Donbass được tổ chức công khai và dân chủ, người dân địa phương sẽ ủng hộ Kiev chứ không phải Moscow.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi nền dân chủ Ukraine khiến cả thế giới phải chăm chú theo dõi
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi nền dân chủ Ukraine khiến cả thế giới phải chăm chú theo dõi

Ukraine cần Nga hơn bao giờ hết nên phải tự cứu lấy mình

Nhà chính trị học Doug Bandow nhắc nhở rằng, chắc chắn là Mỹ và châu Âu sẽ không giành nhiều “hoa thơm, trái ngọt” cho Ukraine, nên họ đừng mong chờ “phép màu cứu giúp thần kỳ từ phương Tây”, mà nên sáng suốt “tự cứu lấy mình”.

Cùng quan điểm trên, một quan sát viên của tờ The Guardian đã nhận định rằng, đời sống kinh tế của Ukraine không phụ thuộc nhiều vào các nguồn viện trợ rót từ phương Tây, mà phụ thuộc chính vào việc khôi phục các khoản đầu tư của Nga vào đất nước này.

Khi mà mối quan hệ giữa Nga và Ukraine chưa được hàn gắn, khó tưởng tượng ra sự phát triển tích cực nào cho Kiev - ông Nikolai Petro, giáo sư khoa học chính trị Đại học Mỹ Rhode Island, kiêm phụ trách chuyên mục bình luận chính trị của tờ The Guardian cho biết.

Tuyên bố của ông Petro được đưa ra trong bối cảnh cách đây khoảng chục ngày, một nhóm các nghị sĩ Ukraine đã đề xuất trước Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) và chuẩn bị soạn thảo một dự thảo nghị quyết về cắt đứt quan hệ hợp tác toàn diện với Nga.

Vị quan sát viên Mỹ nhận định, vấn đề nan giải chủ yếu của nền kinh tế Ukraine là “sự lựa chọn do tư tưởng thù địch kiểm soát” đã làm cho mọi quan hệ với Nga bị cắt đứt, trong khi Moscow là đối tác thương mại lớn nhất, lâu đời nhất và nhà đầu tư chính yếu của đất nước này.

Giáo sư Mỹ khuyên Ukraine nên “tỉnh mộng”, quay lại với Nga
Giáo sư Mỹ khuyên Ukraine nên “tỉnh mộng”, quay lại với Nga

Chỉ sau 1 năm, mức sống ở Ukraine đã giảm xuống hai lần, đồng tiền lao dốc, giảm đến 350% giá trị, còn lạm phát thì tăng đến 43%.

Tuy nhiên, ngay cả trong khi nền kinh tế sụp đổ như vậy, chính phủ vẫn khăng khăng theo đuổi chính sách kinh tế “tự sát"- nhà phân tích nhận định.

Theo tác giả, vấn đề đang bị chính quyền Kiev làm trầm trọng thêm bằng “những khoản vay liều lĩnh" với điều điện trả nợ hoàn toàn "hà khắc", không có định hướng sử dụng rõ ràng, mà rất có thể sau này sẽ biến Ukraine trở thành một “Hy Lạp thứ 2”.

Hơn nữa, ông Petro nhận định rằng, đó không phải là chính sách mà Mỹ và Liên minh châu Âu thấy cần phải dốc sức hỗ trợ.

Bất kể quan hệ chính trị, không một chính phủ phương Tây nào chịu đựng nổi sự bần cùng hóa người dân một cách cố ý vì mục đích chính trị.

Nguy cơ Ukraine sẽ trở thành một quốc gia thất bại và hàng triệu người dân nước này biến thành người tị nạn ở châu Âu là rất cao.

Vị chuyên gia Mỹ khẳng định lại vấn đề cơ bản là “cách tốt nhất để tránh những hậu quả như vậy là Kiev phải thừa nhận rằng, đời sống kinh tế của Ukraine không phụ thuộc nhiều vào các nguồn từ phương Tây, đồng thời nối lại các khoản đầu tư của Nga vào nền kinh tế nước này”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại