Học giả Mỹ: Hy vọng Trung Quốc biết cân nhắc thiệt hơn nếu từ bỏ UNCLOS

Hồng Anh |

(Soha.vn) - Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đã đăng tải bài viết của học giả Mark J.Valencia thuộc Viện Hải học Đông Tây Hawaii phân tích hậu quả có thể sẽ xảy ra nếu Trung Quốc vin cớ “bị ép” để quay lưng lại với UNCLOS.

	Tàu hải giám Trung Quốc tại biển Hoa Đông.

Tàu hải giám Trung Quốc tại biển Hoa Đông.

Đường lưỡi bò đi ngược lại với UNCLOS

Mặc dù tại cuộc họp gần đây với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Brunei, Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, song trên thực tế nước này vẫn không hề thay đổi yêu sách của mình.

Bắc Kinh đã bị chỉ trích  rất nhiều về việc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trung Quốc đã phê chuẩn UNCLOS vào năm 1996. Tuy nhiên, “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vạch ra và những hành động gây hấn mà Trung Quốc liên tục thực hiện để bảo vệ khái niệm phi pháp này là hoàn toàn trái ngược với UNCLOS.

Gần đây, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển được thành lập bởi UNCLOS. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối tham gia hầu kiện.

Trước sức ép quốc tế ngày càng gia tăng, một số nhà phân tích chính trị ở Trung Quốc, nhất là các tướng lĩnh quân đội bắt đầu cho rằng ký kết UNCLOS là lợi bất cập hại. Một số ý kiến cho rằng, Trung Quốc có thể đàm phán trực tiếp để giải quyết các vấn đề về biển đảo, thay vì phải thông qua UNCLOS.

Đẩy châu Á về phía Mỹ hay "thoát tội"?

Trong số 164 quốc gia phê chuẩn UNCLOS không có Mỹ, song Mỹ lại dựa vào UNCLOS để lớn tiếng phê phán các hành động của Trung Quốc và tận dụng tối đa những điểm có lợi cho mình. Bằng cách này, vô hình chung Mỹ đã gợi ý cho Trung Quốc một hướng đi xấu.

Một số nhân vật trong giới cầm quyền Trung Quốc có thể coi Mỹ là một "tấm gương" mà họ có thể học theo và tính chuyện rút khỏi UNCLOS.

Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc có thể sẽ phải trả giá đắt: bị quốc tế chỉ trích, reo rắc sự sợ hãi và bất ổn trong khu vực, đẩy nhiều quốc gia châu Á gần hơn với Mỹ và mất đi lợi thế trong việc tuyên truyền rằng Trung Quốc tôn trọng các điều ước quốc tế hơn Mỹ. Tất cả những điều này đều sẽ là trở ngại lớn cho tiến trình vươn lên của Trung Quốc, nhất là khi họ có tham vọng trở thành một cường quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có những lợi thế nhất định khi rút khỏi UNCLOS. Cũng như Mỹ, Trung Quốc có quyền tự do “lựa chọn” các điều khoản của Công ước có lợi cho mình. Thêm nữa, Trung Quốc cũng có thể từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa án Quốc tế về Luật Biển và tránh được những hậu quả chính trị không mong muốn.

Mỹ và các đồng minh Châu Á nên cẩn trọng trong các đối sách với Trung Quốc. Họ nên tránh để Trung Quốc có một cái cớ rêu rao rằng vì "bị ép" quá mức mà phải từ bỏ UNCLOS và chuyển sang sử dụng “sức mạnh”, thay vì “lẽ phải” trong quan hệ quốc tế.

Hy vọng Trung Quốc sẽ biết cân nhắc thiệt hơn nếu họ nghĩ đến việc từ bỏ UNCLOS.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại