Phát biểu với báo giới sau cuộc họp khẩn của HĐBA, Đại sứ Rafael Ramirez Carreno của Venenezuela, nước đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA, cho biết sau khi hội ý, các nước đã nhất trí sẽ dành thời gian để xem xét dự thảo của Nga và sẽ đưa ra thảo luận vào ngày 22/1.
Về phần mình, Đại sứ Venezuela cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ có thể leo thang sau các động thái quân sự của Ankara.
Phó Đại diện thường trực của Nga tại LHQ, Đại sứ Vladimir Safronkov cho biết bản dự thảo của Nga đề nghị các bên kiềm chế can thiệp vào Syria; tôn trọng triệt để chủ quyền và quyền tự quyết của Syria cũng như loại bỏ các kế hoạch triển khai bộ binh có thể hủy hoại các nguyên tắc cơ bản của Nghị quyết 2254 về tiến trình hòa bình ở Syria.
Sáu nước trong HĐBA đã tuyên bố phản đối bản dự thảo ngắn này của Nga.
Đại sứ Mỹ Samantha Power tuyên bố Nga đang "tìm cách làm phân tâm thế giới" khi chính nước này cũng tiến hành không kích ở phía Bắc Syria. Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre cho rằng dự thảo này sẽ không có tương lai.
Trong khi đó, đại diện Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Syria và cũng ủng hộ một giải pháp chính trị ở quốc gia láng giềng này.
Tuy nhiên, đối mặt với sự đe dọa an ninh, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngần ngại thực hiện quyền tự vệ theo luật pháp quốc tế mà theo đó, việc nã pháo vào các lực lượng người Kurd tại khu vực biên giới Syria là để đáp trả pháo bắn từ phía lãnh thổ Syria sang.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhận định việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng sự can dự trong cuộc chiến ở Syria có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Ông Hollande nhấn mạnh phải nối lại đàm phán, ngừng không kích và tiến hành phân phat hàng viện trợ.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng của người Kurd kiềm chế.
Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh các lực lượng người Kurd không nên tìm cách lợi dụng tình hình để mở rộng lãnh thổ.
Căng thẳng gia tăng giữa các bên tham gia thúc đẩy hòa bình tại Syria đang phủ bóng đen lên triển vọng của lộ trình đàm phán do LHQ bảo trợ.
Theo nghị quyết của LHQ, các cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ được coi là một phần trong lộ trình 6 tháng đặt ra trước đó nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu tại Syria kéo dài gần 5 năm qua khiến hơn 260.000 người thiệt mạng và gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ tại châu Âu hiện nay.
Nga, Mỹ và các nước Nhóm quốc tế ủng hộ Syria không tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán giữa các bên Syria mà chỉ hỗ trợ các bên Syria đạt thỏa thuận về tiến trình chuyển tiếp đã được LHQ nhất trí.
Cuộc đàm phán hồi đầu tháng này đã thất bại, trong khi đó, Đặc phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mistura mới đây lại cho biết kế hoạch nối lại đàm phán hòa bình Syria vào ngày 25/2 tới khó thực hiện.