Theo nhận định của Wolfgang Myunhau, EU hiện đang thường xuyên ở trong tình trạng “lên cơn sốt” và ngày càng tiến dần đến giai đoạn khủng hoảng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như các cuộc khủng hoảng nợ và khủng hoảng tài chính, việc Nga sáp nhập Crimea và nhất là vấn đề cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Các quan chức EU hiện đang đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này nhưng theo Wolfgang Myunhau, có hai sai lầm quan trọng nhất mà EU đã mắc phải trong những năm 1990 và đầu thế kỷ 21.
Nguyên nhân đầu tiên là do EU quyết định áp dụng chính sách sử dụng đồng tiền chung cho toàn bộ EU (Euro) và nguyên nhân thứ hai là việc EU đã được mở rộng từ 15 lên thành 28 thành viên nhờ kết nạp một số quốc gia Đông Âu.
Đối với sai lầm thứ nhất, Wolfgang Myunhau cho rằng mặc dù việc sử dụng đồng Euro đã là một sai lầm nhưng sai lầm này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu như EU lại hủy bỏ sử dụng đồng tiền này.
Đối với việc mở rộng thành viên EU, sai lầm ở đây không phải là việc mở rộng theo kiểu kết nạp quốc gia nào đó mà sai lầm này thuộc về nguyên tắc.
Theo Wolfgang Myunhau, việc mở rộng một cách nhanh chóng mà không xét đến tiêu chí kết nạp là sai lầm lớn. Việc kết nạp thêm 13 thành viên mới trong thời gian ngắn là quá nhiều.
Việc mở rộng nhanh chóng bằng việc kết nạp nhiều thành viên đã gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng EU có thể phản ứng đối với các mối đe dọa trong hai khía cạnh.
Thứ nhất, việc mở rộng EU đã khiến liên minh này rơi vào trạng thái khủng hoảng khi Brussels phải tập trung nỗ lực để hình thành các thể chế cần thiết giúp đồng Euro lưu thông bình thường.
Thứ hai, việc mở rộng EU khiến liên minh này phải thay đổi các ưu tiên của mình.
Những người lạc quan có thể cho rằng khủng hoảng đến rồi sẽ lùi đi và EU vẫn tồn tại.
Wolfgang Myunhau không có ý định tranh luận xung quanh vấn đề này nhưng lại đặt ra câu hỏi: tại sao trong giai đoạn những năm 1950-1990 tình hình EU ổn định hơn rất nhiều so với EU trong hai thập kỷ gần đây.
Trong những năm đầu tiên thành lập tổ chức tiền thân EU là Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEU), đối tác chịu trách nhiệm cho an ninh bên ngoài của tổ chức này là Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng di cư
Giai đoạn này, châu Âu không bị đe dọa bởi các mối đe dọa khủng hoảng tài chính vì các nguyên tắc và điều luật hoạt động tài chính được điều hành linh hoạt.
Những cuộc khủng hoảng dầu khí và lạm phát trong những năm 1970 không hề kém nặng nề như những cuộc khủng hoảng giai đoạn gần đây nhưng quan trọng là các thành viên EU vẫn vượt qua dễ dàng nhờ chính sách tiền tệ linh hoạt.
Hiện nay, EU “bất ngờ phát hiện ra” rằng mình cần phải thực hiện chính sách đối ngoại độc lập và kiểm soát nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, theo Wolfgang Myunhau, EU lại chưa sẵn sàng thực hiện vai trò này.
Wolfgang Myunhau nhận định rằng trong tương lai, các thành viên của EU sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng hơn nữa.
Mối đe dọa chính đối với EU không phải là sự tan rã về mặt hình thức mà là cùng với thời gian, EU sẽ trở nên yếu đuối hơn, dần dần sẽ trở thành cái bóng của chính mình.