Có thể thấy rõ quyết tâm thay đổi tình hình hiện nay của Tổng thống Mỹ Barack Obama qua việc gây áp lực khiến Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel phải từ chức hồi đầu tuần.
Xét về nhiều mặt, đây là một sự thay đổi cần thiết và cũng đã được nhiều chuyên gia dự đoán. Một người được bổ nhiệm với trọng trách rút quân khỏi Trung Đông để thu hẹp ngân sách nay lại phải khởi xướng một cuộc chiến mới tại đây rõ ràng là không hợp lý.
Tuy nhiên, theo phân tích của trang The Diplomat (Nhật Bản), việc thay thế Hagel có thể sẽ cải thiện tình hình bất ổn ở Trung Đông, nhưng mặt khác nhiều khả năng sẽ khiến Mỹ yếu đi ở một mặt trận cũng không kém phần quan trọng.
Châu Á - Thái Bình Dương.
Công lao giữ "trục"
Chỉ vài tháng sau khi nhậm chức vào đầu năm 2013, ông Hagel đã có liên tiếp hàng loạt các chuyến thăm đến các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, qua đó khẳng định sự quan tâm của Mỹ tới an ninh tại khu vực này.
Khi Tổng thống Obama phải bỏ lỡ APEC 2013 do Chính phủ đóng cửa, Hagel lập tức đã có hai chuyến thăm "chữa cháy" tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Chuyến thăm Hàn Quốc vào thời điểm đó của ông, theo ghi nhận của tờ New York Times, là chuyến thăm dài nhất từ trước đến nay của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Trong bối cảnh Tổng thống bận rộn và Quốc hội không mấy mặn mà, thì chính Hagel là người đã có công đầu trong chiến lược "xoay trục sang châu Á" của Mỹ.
Chuck Hagel trong chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. Ảnh: AP
Chỉ trong vài tháng trở lại đây, ông đã củng cố lại liên minh quân sự với Nhật Bản, góp phần nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, và tăng cường hợp tác quốc phòng với Phillipines.
Ngoài ra, Hagel cũng được đánh giá là một trong những chính khách Mỹ "dám" tỏ thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc.
Trong khi một số đồng minh bắt đầu hoài nghi cam kết bảo vệ ổn định khu vực của Mỹ trước những động thái đến từ Trung Quốc, thì sự hiện diện của Hagel luôn được xem như một sự bảo đảm.
Một ví dụ điển hình diễn ra trong khuôn khổ cuộc hội thoại Shangri-La hồi tháng năm, Tại đây, ông Hagel đã thẳng thắn kêu gọi Trung Quốc lựa chọn, hoặc cam kết giữ nguyên hòa bình ổn định khu vực, hoặc phải đối mặt với nguy cơ bất ổn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân.
Tuy không trực tiếp tạo ra một bước tiến rõ rệt trong việc "xoay", nhưng những ảnh hưởng tích cực của ông Hagel tại châu Á - Thái Bình Dương đã giúp Mỹ giữ được lòng tin của các đồng minh vào cái "trục" này, trong bối cảnh từ Tổng thống đến Quốc hội đang bận rộn với các vấn đề Trung Đông và Ukraine.
Giờ lấy ai "xoay"?
Với việc "ép" Hagel phải từ chức, Tổng thống Obama cho rằng những khiếm khuyết trong điều hành của Bộ trưởng Quốc phòng không thể được bù đắp bởi những công lao của ông tại châu Á - Thái Bình Dương.
Quyết định này cũng cho thấy trọng tâm của Tổng thống Mỹ vào thời điểm này nằm ở vấn đề Nhà nước Hồi giáo (IS) và Ukraine, những khu vực ông cho rằng Hagel không thực sự phù hợp để gánh vác trọng trách.
Nếu cách phân tích này của The Diplomat là đúng, nhiều khả năng ông Obama sẽ lựa chọn một ứng viên dựa trên tầm nhìn của người này trong việc cải thiện tình hình Trung Đông và châu Âu, có nghĩa là châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành thứ yếu.
Các ứng viên cho ghế Bộ trưởng Quốc phòng là Ashton Carter, Michele Flournoy và Jack Reed. Cả ba đều không có được tầm hiểu biết cũng như quan tâm đến châu Á như Hagel, người là một cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam.
Hi vọng giờ được đặt vào Hillary Clinton, người khi còn là Ngoại trưởng Mỹ đã trực tiếp đề xướng chiến lược "xoay trục sang châu Á".
Bà Clinton nhiều khả năng sẽ đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống vào năm 2016. Nếu bà đắc cử, bộ mặt ngoại giao của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ có những chuyển biến rõ rệt.
Nhưng việc bà Clinton có tranh cử Tổng thống hay không vẫn chưa được khẳng định. Mà kể cả bà có tranh cử đi nữa thì việc giành chiến thắng cũng không thể nói trước. Quan trọng hơn, còn gần 2 năm nữa cuộc bầu cử mới được tiến hành.
Từ giờ đến lúc đó, ai sẽ "xoay trục"?